Âm vang những ngày thu tháng Tám
Trong không khí khởi nghĩa sôi sục của cả nước, đêm ngày 18, rạng ngày 19-8-1945, Ủy ban khởi nghĩa tỉnh phát lệnh tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Nhân dân và tự vệ các huyện vùng lên như vũ bão.
Cảnh phá kho thóc của Nhật cứu đói cho dân ở huyện Hoằng Hóa tháng 5-1945. Tranh: Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa
Để trừ mối hậu họa, phát xít Nhật đảo chính Pháp, độc chiếm Đông Dương. Từ ngày 9 đến 12-3-1945, Ban Thường vụ Trung ương Đảng tổ chức hội nghị mở rộng để đánh giá tình hình về cuộc đảo chính. Hội nghị đã ra chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”, đồng thời hướng dẫn các đảng bộ trong cả nước chuẩn bị đầy đủ điều kiện tiến hành khởi nghĩa từng phần, tiến tới tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay Nhân dân.
Từ giữa năm 1945 đến đầu tháng 8-1945, tại Thanh Hóa, khí thế cách mạng ngày càng lên cao, đông đảo các tầng lớp Nhân dân tập hợp dưới ngọn cờ cứu nước của Việt Minh, một bộ phận tư sản, địa chủ trước đây có thái độ do dự, lừng khừng đã ngả theo cách mạng.
Tại huyện Hoằng Hóa, vào đầu tháng 7-1945, phong trào đấu tranh chống bắt phu, bắt lính, chống thu thóc, cướp đất trồng bông phát triển mạnh mẽ, rộng khắp. Ngày 11-7-1945, hàng ngàn quần chúng có sự bảo vệ của 200 tự vệ các tổng Bái Trạch, Hành Vĩ, Bút Sơn, Ngọc Chuế xuống đường tuần hành thị uy. Cuộc tuần hành bắt đầu từ 7 giờ sáng đến 12 giờ đêm với quãng đường dài 20 km. Qua mỗi làng lại dừng lại kêu gọi quần chúng không nộp thuế, không đi phu, đi lính, đoàn kết đánh đuổi phát xít Nhật giành chính quyền về tay Nhân dân. Cuộc tuần hành thị uy đã tạo không khí cách mạng sôi sục trong toàn huyện.
Ngày 24-7-1945, theo lệnh của Nhật, tri phủ Phạm Trọng Bào cùng tên quản Hiến tổ chức 2 toán quân tiến hành đàn áp phong trào cách mạng Hoằng Hóa. Chi bộ Đảng và Ban Cán sự Việt Minh Hoằng Hóa đã tổ chức cho tự vệ và quần chúng cách mạng đấu tranh chống khủng bố của địch. Rạng sáng ngày 24-7-1945, 22 tên lính bảo an dưới quyền chỉ huy của tri phủ Phạm Trọng Bào kéo đến khu Đằng Xá, Đằng Trung lập tức bị lực lượng cách mạng bao vây tiến công quyết liệt. Lực lượng cách mạng đã bắt sống toàn bộ quân lính và tên tri phủ Phạm Trọng Bào. Trưa ngày 24-7-1945, dưới sự chỉ đạo của Chi bộ Đảng và Ban Cán sự Việt Minh Hoằng Hóa, quần chúng cách mạng kéo về cồn Ba Cây (nay thuộc xã Hoằng Thắng) mít tinh chào mừng chiến thắng và xử tội Phạm Trọng Bào. Ngay sau đó, lực lượng cách mạng đội ngũ chỉnh tề tiến vào bao vây Phủ lỵ Hoằng Hóa. Trước khí thế mạnh mẽ của quần chúng, bọn nha lại hoảng hốt đầu hàng, nộp toàn bộ sổ sách ấn triện. Thế là từ cuộc đấu tranh chống khủng bố của địch, dưới sự lãnh đạo của Chi bộ Đảng và Ban Cán sự Việt Minh, Nhân dân Hoằng Hóa đã chớp thời cơ khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi.
Sau khởi nghĩa Hoằng Hóa, phong trào cách mạng sôi sục trong cả tỉnh. Ngày 13-8-1945, Tỉnh ủy triệu tập hội nghị mở rộng tại Mao Xá để quyết định những chủ trương, biện pháp khẩn cấp, phát động Nhân dân nổi dậy giành chính quyền. Hội nghị cho rằng “Thời cơ tổng khởi nghĩa đã đến, tình thế chuyển biến thuận lợi không thể ngồi chờ”, cần phát động toàn dân trong tỉnh nổi dậy khởi nghĩa giành chính quyền, đồng thời cử cán bộ đi gặp Trung ương Đảng báo cáo tình hình và xin ý kiến chỉ đạo. Hội nghị đã quyết định thành lập ngay ủy ban khởi nghĩa và UBND cách mạng lâm thời cấp tỉnh gồm 7 đồng chí, do đồng chí Lê Tất Đắc làm chủ tịch ủy ban khởi nghĩa kiêm chủ tịch UBND cách mạng lâm thời tỉnh.
Trong không khí khởi nghĩa sôi sục của cả nước, đêm ngày 18, rạng ngày 19-8-1945, Ủy ban khởi nghĩa tỉnh phát lệnh tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Nhân dân và tự vệ các huyện vùng lên như vũ bão.
Tại Thiệu Hóa, đúng nửa đêm ngày 18, rạng ngày 19-8-1945, hai cánh quân từ tả ngạn và hữu ngạn sông Chu được lệnh tiến về phủ lỵ. Do thiếu sự phối hợp nhịp nhàng nên khi cánh quân bộ đã bố trí bao vây tấn công vào phủ đường thì cánh quân thủy mới cập bờ, chưa kịp triển khai lực lượng đã bị lộ. Trận chiến giữa hai bên trở nên quyết liệt. Quân khởi nghĩa dùng loa gọi hàng, nhưng quân địch ngoan cố chống lại dữ dội. Một số chiến sĩ tự vệ đã hy sinh. Căm thù sôi sục, các chiến sĩ đồng loạt xông lên. Trước khí thế tiến công của quân khởi nghĩa, bọn địch hoảng sợ, co cụm vào một số phòng học để chống cự. Quân ta áp sát, chất bàn ghế và châm lửa đốt. Thấy nguy cơ bị tiêu diệt, tên Đội Thuật cùng một số lính tháo chạy thoát thân. Số còn lại bị quân ta tiêu diệt và bắt sống. Sáng ngày 19-8, lực lượng khởi nghĩa đã làm chủ phủ lỵ.
Cuộc khởi nghĩa ở Thọ Xuân cũng tương đối phức tạp vì cùng một lúc quân khởi nghĩa phải đánh cả 3 vị trí: phủ lỵ, sở bang tá và đồn Bái Thượng, nơi chúng thường xuyên có 30 lính bảo an đóng giữ. Nhưng ủy ban khởi nghĩa Thọ Xuân đã có những biện pháp vừa kiên quyết, vừa khôn khéo ly gián và cô lập kẻ địch để đánh, cho nên đã giành được thắng lợi giòn giã vào ngay buổi sáng ngày 19-8, không đổ máu hy sinh. Thừa thắng, ủy ban khởi nghĩa Thọ Xuân điều động một đơn vị tự vệ về Nông Cống để hỗ trợ cho việc giành chính quyền và một cánh quân sang Ngọc Lặc hỗ trợ giành chính quyền ở phố Châu vào ngày 23-8-1945.
Tại Cẩm Thủy, trưa ngày 19-8-1945, lực lượng vũ trang của huyện Vĩnh Lộc phối hợp với lực lượng cách mạng Cẩm Thủy tiến công đánh đồn Phong Ý, uy hiếp lực lượng địch ở huyện lỵ. Sau đó, kéo về huyện lỵ, buộc lực lượng địch phải giao lại chính quyền cho cách mạng. Chính quyền cách mạng huyện Cẩm Thủy được thành lập.
Tại Đông Sơn, rạng sáng ngày 19-8-1945, lực lượng tự vệ và quần chúng cách mạng ở các tổng Kim Khê, Thạch Khê, Tuyên Hóa.... dưới sự lãnh đạo của ủy ban khởi nghĩa huyện đã vũ trang xuống đường kéo về tổ chức mít tinh tại đình xóm Dân (thuộc xã Đông Tiến). Sau đó, đoàn biểu tình vũ trang kéo qua các tổng, làng lùng bắt những tên phản động có nợ máu với Nhân dân, tuyên bố xóa bỏ chính quyền cũ, buộc lý trưởng, chánh tổng phải giao lại đồng triện, sổ sách cho cách mạng. Chiều ngày 19-8-1945, khởi nghĩa giành chính quyền ở các cơ sở trong huyện hoàn thành thắng lợi.
Cùng ngày 19-8-1945, lực lượng khởi nghĩa ở các huyện Yên Định, Vĩnh Lộc, Thạch Thành, Hà Trung, Nga Sơn, Quảng Xương, Hậu Lộc đã vùng lên đánh đổ chính quyền cũ, thiết lập chính quyền cách mạng. Tiếp sau, vào ngày 20-8, Nhân dân và tự vệ huyện Tĩnh Gia dưới sự chỉ đạo của ủy ban khởi nghĩa huyện đã vùng lên giành chính quyền. Ngày 21-8, Nhân dân và tự vệ huyện Nông Cống đã khởi nghĩa giành thắng lợi.
Tại thị xã Thanh Hóa (nay là TP Thanh Hóa), sau khi nhận được chỉ thị chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền, đã tiến hành thành lập ủy ban khởi nghĩa do đồng chí Phạm Văn Sáu làm trưởng ban. Sáng ngày 19-8, băng cờ, khẩu hiệu sáng rực thành phố, tự vệ và Nhân dân hàng ngũ chỉnh tề sẵn sàng chờ lệnh. 8 giờ, đoàn biểu tình xuất phát từ Lò Chum đến Trường Thi về ngã tư chùa Hai Voi qua phố Bôn Be, đến khách sạn Ray Nô, quân đội Nhật chặn đường đoàn biểu tình. Đồng chí Phạm Văn Sáu gặp chỉ huy Nhật, đưa thư của Việt Minh tỉnh đề nghị không được can thiệp vào công việc nội bộ của người Việt Nam, Nhật rút quân về nơi quy định. Đoàn biểu tình tiếp tục đi. Đến phố Cửa Tả, đoàn đã kêu gọi toàn bộ binh lính trong đồn bảo an trở về với cách mạng. Đoàn biểu tình tiến về bao vây dinh tỉnh trưởng, Tổng đốc Nguyễn Trác nộp ấn tín, tài liệu đầu hàng cách mạng vô điều kiện. Chiều ngày 20-8-1945, UBND cách mạng lâm thời thị xã Thanh Hóa ra mắt quốc dân đồng bào.
Trong không khí vui mừng, phấn khởi của Nhân dân trong tỉnh, ngày 23-8-1945 từ căn cứ Thiệu Hóa, UBND cách mạng lâm thời tỉnh Thanh Hóa về thị xã Thanh Hóa ra mắt đồng bào trong tỉnh. Hàng vạn quần chúng và tự vệ đã tổ chức mít tinh chào đón chính quyền cách mạng tại phố Vườn Hoa. Chủ tịch UBND cách mạng lâm thời tỉnh Lê Tất Đắc đọc bản tuyên ngôn của chính quyền cách mạng tỉnh, công bố chương trình hành động của Việt Minh về chính trị, kinh tế, quân sự, văn hóa - xã hội. Cuối bản tuyên ngôn, chính quyền cách mạng đã kêu gọi toàn dân đoàn kết chiến đấu bảo vệ và phát huy thành quả Cách mạng Tháng Tám, bảo vệ chính quyền cách mạng, bảo vệ nền độc lập non trẻ. Kết thúc mít tinh, quần chúng hô vang khẩu hiệu” “Quyết chiến đấu bảo vệ chính quyền cách mạng/quyết chiến đấu bảo vệ nước Việt Nam độc lập”.
Tính đến cuối tháng 8-1945 dưới sự chỉ đạo của Đảng bộ và mặt trận Việt Minh, hệ thống chính quyền cách mạng được thiết lập trên địa bàn toàn tỉnh. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở Thanh Hóa đã góp phần cùng cả nước tạo ra bước ngoặt lịch sử vĩ đại trong sự phát triển của dân tộc, mở ra kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội.
Bài viết sử dụng tư liệu trong cuốn “Lịch sử Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa”, tập I, 1930-1945, Tỉnh ủy Thanh Hóa nghiên cứu, biên soạn 1999- 2000.
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/thoi-su/am-vang-nhung-ngay-thu-thang-tam/123215.htm