Âm vang tiếng hát ngợi ca người chiến sĩ
Trong các đêm từ 18 đến 21-12, tại Quảng trường 2 tháng 4 (TP. Nha Trang) diễn ra Liên hoan Chiến sĩ hát và hát về chiến sĩ. Bước vào tuổi 32, liên hoan đã trở thành sân chơi ý nghĩa, góp phần gắn kết tình cảm quân dân thêm bền chặt. Những lời ca, tiếng hát, điệu múa trong liên hoan như thay lời muốn nói gửi đến những chiến sĩ đang ngày đêm bảo vệ bình yên cho Tổ quốc, quê hương.
Đã thành thông lệ, hơn 3 thập niên qua, cứ mỗi dịp kỷ niệm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tổ chức Liên hoan Chiến sĩ hát và hát về chiến sĩ. Liên hoan năm nay có gần 600 ca sĩ, diễn viên không chuyên thuộc 17 đoàn nghệ thuật quần chúng đến từ các huyện, thị xã, thành phố, đơn vị quân đội, trường học trên địa bàn tỉnh tham gia thi diễn. Các đoàn gửi tới khán giả hơn 80 tiết mục ca múa nhạc được dàn dựng công phu, kỹ lưỡng.
Năm nay, số lượng đoàn nghệ thuật quần chúng tham gia ít hơn năm trước 3 đoàn, nhưng số lượng ca sĩ, diễn viên không chuyên lại nhiều hơn. Trong đó, có những đoàn đưa đến lực lượng thi diễn hùng hậu như: Trường Sĩ quan Thông tin; Trường Đại học Khánh Hòa; huyện Khánh Vĩnh; thị xã Ninh Hòa; TP. Cam Ranh; Lữ đoàn 189... tạo nên hiệu ứng sân khấu hoành tráng, đẹp mắt trong từng tiết mục. Chất lượng chương trình thi diễn của các đoàn cũng nhận được sự đánh giá cao của khán giả. Theo dõi phần thi của mỗi đoàn, khán giả ấn tượng mạnh với các tiết mục như: Tổ khúc Sáng mãi bộ đội thông tin, Tre Việt Nam (Trường Sĩ quan Thông tin); tổ khúc Tổ quốc trao ta bầu trời - Khát vọng bầu trời - Đàn chim mùa thu Nha Trang - Phi đội ta xuất kích - Tuổi xuân dâng Đảng (Trường Sĩ quan Không quân); hát múa Lá chắn thép nơi biên cương, Hội biên phòng toàn dân (Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh); hát múa Truyền thuyết Raglai, múa Nghĩa tình quân dân vùng cao (huyện Khánh Sơn); Tiến bước dưới quân kỳ (huyện Diên Khánh)… “Đây là lần đầu tôi đến TP. Nha Trang và được xem chương trình biểu diễn nghệ thuật với chủ đề về người lính Bộ đội Cụ Hồ. Việc địa phương tổ chức và duy trì được sân chơi này trong suốt 32 năm qua thực sự rất có ý nghĩa, qua đó góp phần giáo dục cho thế hệ trẻ về truyền thống vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam, đồng thời giới thiệu đến du khách nước ngoài những lời ca, điệu múa thể hiện tình cảm quân dân gắn bó”, ông Nguyễn Đức Quang (du khách đến từ tỉnh Quảng Ninh) cho biết.
Ông Nguyễn Văn Việt - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban tổ chức liên hoan đánh giá: “Các chương trình tại liên hoan lần này có hình thức thể hiện phong phú, đa dạng với các thể loại nghệ thuật biểu diễn. Hầu hết các đoàn có sự đầu tư dàn dựng sát với nội dung, chủ đề và mục đích của liên hoan. Nhiều đoàn đã mời các biên đạo, đạo diễn chương trình đến từ các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp để dàn dựng. Chính vì thế, chất lượng nghệ thuật của các chương trình thi diễn tạo được ấn tượng đối với Ban giám khảo và khán giả”.
Liên hoan Chiến sĩ hát và hát về chiến sĩ là hoạt động mở đầu cho chuỗi các chương trình văn hóa, nghệ thuật nhân dịp Tết Dương lịch 2024. Theo ông Đặng Quốc Văn - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, Trưởng Ban tổ chức liên hoan, qua 32 kỳ tổ chức, Liên hoan Chiến sĩ hát và hát về chiến sĩ đã trở thành một hoạt động văn hóa truyền thống thường niên, mang đậm dấu ấn riêng của tỉnh với ý nghĩa tôn vinh, ngợi ca những người chiến sĩ trong các đơn vị quân đội. Đây là dịp để các đơn vị trong lực lượng vũ trang, các đoàn nghệ thuật quần chúng giao lưu, thắt chặt thêm tình đoàn kết giữa quân và dân trong tỉnh. Thông qua liên hoan, những người làm công tác nghệ thuật quần chúng có điều kiện để đánh giá toàn diện chất lượng hoạt động văn hóa, văn nghệ tại các đơn vị quân đội. Từ đó, phát hiện và bồi dưỡng cho các hạt nhân, đồng thời động viên, khen thưởng những đơn vị có thành tích trong phong trào văn hóa văn nghệ tại cơ sở.
GIANG ĐÌNH