Âm vang truyện 'Lục Vân Tiên' trong ca dao Nam Bộ
Sử dụng điển cố là một thủ pháp quan trọng trong sáng tác văn học trung đại.
Khi dụng điển cố, người sáng tác thường nhắm tới mục đích lời ít ý nhiều, ngắn gọn, sâu sắc trong biểu đạt nhằm tăng cường sức biểu hiện cũng như mở rộng, đổi mới ý thơ, tạo sự hàm súc cho ngôn từ. Chỉ cần đôi ba chữ, điển cố có thể gợi cho người đọc văn bản cả một câu chuyện, một tấm gương, một bài học, một quan niệm nhân sinh.
Nghệ thuật sử dụng điển cố vốn là một đặc trưng nghệ thuật tiêu biểu của văn học thành văn thời trung đại, tuy nhiên đúng như nhà nghiên cứu Đặng Đức Siêu đã viết “thực ra việc dùng điển cố không phải là biện pháp riêng biệt của các tác phẩm văn thơ Nôm. Biện pháp tu từ này đã từng được các tác giả vô danh trong nhân dân quần chúng sử dụng một cách tài tình khi sáng tạo ca dao tục ngữ”. Trong khuôn khổ một bài viết, tôi xin đi vào phác họa vài nét cơ bản về việc sử dụng điển cố có nguồn gốc từ văn chương trung đại Việt Nam trong ca dao Nam Bộ.
Khi tiếp cận ca dao Nam Bộ, một điều dễ nhận thấy rằng, bên cạnh điển cố từ thi liệu văn trong văn học Trung Quốc, những bài ca dao của vùng đất mới này còn vận dụng điển cố từ thi liệu văn liệu của văn học Việt Nam. Truyện Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu là một truyện Nôm được truyền tụng rộng rãi ở Nam Bộ và đã được người bình dân Nam Bộ hết sức mến mộ. Từ đó một số chi tiết, nhân vật đã bước từ trang văn của cụ Đồ Chiểu để đi vào ca dao:
Chiều chiều vịt lội ao sen
Tình cờ tôi gặp người quen tôi chào
Chào cô trước mũi tiên phuông
Chào cô sau lái mặt vuông chữ điền
Hỏi thăm cô bác xóm giềng
Người nào là vợ Vân Tiên
Nói cho tôi biết chào liền chị dâu
Người nào người nghĩa tôi đâu
Nói cho tôi biết kết câu ân tình
Bài ca dao trên gợi nhắc đến chi tiết: Sau khi đánh tan tác giặc Cốt Đột, Lục Vân Tiên bị lạc vào rừng, gặp một căn nhà nhỏ. Chính trong căn nhà này chàng đã gặp được Nguyệt Nga. Sau đó thì Hớn Minh cũng vừa đem quân tới. Biết được Lục Vân Tiên đã gặp được Nguyệt Nga, Hớn Minh vui mừng:
Minh rằng: “Tẩu tẩu ở đâu,
Cho em ra mắt chị dâu thế nào”.
(Lục Vân Tiên)
Tấm lòng chung thủy sắc son của Nguyệt Nga đối với chàng Lục Vân Tiên đã trở thành một kiểu mẫu mà người con gái Nam Bộ nào cũng muốn hướng tới:
- Bông sen hết nhụy bỗng tàn
Em đây giữ tiết như nàng Nguyệt Nga
- Mấy lời than của anh nghe sao mà thiết yếu
Nước mắt em riu ríu tuôn ra
Anh ơi, không nhớ thuở xưa kia anh Vân Tiên mắc nạn, chị Nguyệt Nga đợi chờ
Có rất nhiều bài ca dao Nam Bộ đã ca ngợi khí tiết của Nguyệt Nga. Đây cũng là minh chứng sinh động cho thấy người bình dân Nam Bộ vô cùng tâm đắc với những bài học đạo lí vô cùng gần gũi của cụ Đồ Chiểu được gửi gắm trong những vần thơ mộc mạc trong truyện thơ Lục Vân Tiên:
Trai thời trung hiếu làm đầu
Gái thời tiết hạnh làm câu trao mình
Người bình dân Nam Bộ xem Nguyệt Nga là kiểu mẫu, là hệ quy chiếu:
Chim lẻ bạn còn bay về non đảnh
Cảnh nhớ thương là tình cảnh mặn
Dù cho vợ Trang Tử kia còn lỡ đạo thờ chồng
Còn em giữ một dạ, một lòng như chị Nguyệt Nga
Khoảnh khắc Nguyệt Nga trao tín vật cho Vân Tiên cũng đã trở thành cảm hứng để người bình dân Nam Bộ cảm tác:
Bây giờ em gặp chàng đây
Chàng cho em mượn chiếc khăn này làm ghi
Yêu em còn tiếc làm gì
Có cho em mượn, chàng thì đưa đây
Hay là sợ mẹ, sợ thầy
Xin chàng phải nói nước mây em tường
Ví dù chàng có lòng thương
Khăn này sánh với xuyến vàng Nguyệt Nga
Giữa đường gặp gỡ đôi ta
Cùng nhau kết tóc xe tơ vẹn tròn
Mỗi người một nước một non
Vàng kia không tiếc, lại còn tiếc khăn!
Bên cạnh sự thủy chung, người bình dân Nam Bộ còn ngợi ca hành động dũng cảm của Kiều Nguyệt Nga quyết giữ vẹn thủy chung với chàng Lục Vân Tiên can trường:
- Đôi đứa ta như Nguyệt Nga ngày trước
Đã trao lời nguyện ước với Vân Tiên
Liều mình qua cống Tây Phiên
Vai mang bức tượng, giữ lời nguyền không phai
- Anh thương em thì phải thương luôn
Đừng cho kẻ biển người nguồn Thuấn, Nghiêu
Em dặn chàng ai dỗ đừng xiêu
Ở sao có nghĩa như Kiều Nguyệt Nga
Vân Tiên mắc nạn đường xa
Thủy chung chờ đợi thiệt là sáu năm
Người bình dân Nam Bộ thể hiện sự đồng cảm sâu sắc với tâm trạng của Kiều Nguyệt Nga. Đây là điều thú vị, xem như người bình dân “đồng sáng tạo” bởi lẽ trong nguyên tác Nguyễn Đình Chiểu không mô tả cụ thể tâm trạng tương tư của Kiều Nguyệt Nga nhưng trong bài ca dao sau, chúng ta nhận thấy một Kiều Nguyệt Nga hiện lên thật sinh động:
Đêm nằm chép miệng thở than
Thiếp ơi có nhớ nghĩa chàng hay không?
Dang tay rớt chén rượu nồng
Vái cùng Nguyệt lão tơ hồng xe dây
Xin cho đó hiệp cùng đây
Đừng cho gió tạt mưa bay điều gì
Mỗi ngày mỗi thảm sầu bi
Lê mê thấy cảnh, li bì thấy duyên
Ta đây vốn thật Vân Tiên
Đó phải Nguyệt Nga cất tiếng, ta khuyên vài lời
Xưa rày mỗi đứa mỗi nơi
Đám đông như hội đến chơi cũng buồn
Trong thế giới ca dao Nam Bộ có những bài ca dao yêu thương da diết thể hiện nỗi nhớ nhung li biệt. Chính sự xa cách của Lục Vân Tiên và Kiều Nguyệt Nga đã trở thành đối tượng so sánh với nỗi nhớ nhung li cách giữa “thiếp - chàng”:
Kể từ ngày thiếp cách chàng xa
Như Vân Tiên lâm bệnh, Nguyệt Nga cống Hồ
Thiếp xa chàng, ruột héo gan khô
Hang Thương Tòng chàng đợi, chốn Biển Hồ thiếp thương
Sống làm chi cách trở hai phương
Liều mình thác xuống suối vàng gặp nhau
Nếu như Nguyệt Nga là biểu tượng cho lòng thủy chung thì cha con Võ Thể Loan lại là biểu tượng cho sự phản trắc, bội bạc:
Chẳng thà em chịu đói, chịu rách học theo cách bà Mạnh, bà Khương
Chớ không như Võ hậu đời Đường
Làm cho bại hoại cang thường nhơ danh
Chẳng thà nghèo khó ở túp lều tranh
Chớ không đành bội nghĩa như cha con Võ công tham tài
Đặc biệt trong truyện Lục Vân Tiên có chi tiết cha con Bùi Kiệm ép duyên Nguyệt Nga, là chi tiết được người bình dân Nam Bộ chú ý:
- Má hồng mình cũng như ta
Đêm nằm thơ thẩn vào ra một mình
Em thương hay không tự ý của mình
Không phải anh như Bùi Kiệm ép duyên tình Nguyệt Nga
- Kiến bất thủ như tầm thiên lí
Thương không thương tự ý của mình
Đừng như Bùi Kiệm ép tình Nguyệt Nga.
Vậy nên Bùi Kiệm và Vân Tiên đã trở thành cặp hình ảnh đối lặp. Nếu Vân Tiên đại diện cho tất cả những phẩm cách của đấng nam nhi trung nghĩa vẹn toàn thì Bùi Kiệm lại là biểu tượng của kẻ thất phu, phản trắc, dâm ô:
Anh đi Lục tỉnh giáp vòng
Đến đây trời khiến đem lòng thương em
- Gá duyên thì phải lựa, phải xem
Coi thử đó là thằng Bùi Kiệm, hay anh Vân Tiên, em mới trao lời.
Như vậy, trong tâm thức dân gian, Lục Vân Tiên chính là hình mẫu, là mơ ước của những người con gái mong muốn có được tấm chồng xứng đáng như Vân Tiên.
Trong những bài ca dao có kết cấu đối – đáp, sự hiểu biết về truyện Lục Vân Tiên cũng là đề tài để đôi lứa thách đố:
Nào ai bị rớt xuống sông?
Nào ai thất lạc vườn hồng năm canh?
Nào ai phá ngục khai thành?
Nào ai bị trói năm canh bão bùng?
Nào ai giữ trọn hiếu trung?
Trai nam nhi đáp được gái nữ hồng kết duyên.
- Vân Tiên bị rớt dưới sông
Nguyệt Nga thất lạc vườn hồng năm canh
Hớn Minh phá ngục khai thành
Tiểu đồng bị trói năm canh bão bùng
Tử Trực giữ trọn hiếu trung
Trai nam nhi đây đối được gái nữ hồngtính s ao?
- Đời có sinh có tử
Có người dữ người hiền
Đố anh trong truyện Vân Tiên
Có ai thọ bịnh theo tiên chầu trời?
Ai bị một gậy bỏ đời?
Ai mà thổ huyết chết nơi gia đàng?
Ai mà vừa tới lâm san
Bị cọp ăn thịt chẳng oan ức gì?
Ai mà ăn ở bất nghì
Giữa đường bị cá nuốt đi?
Ai mà hùng hổ một khi
Kéo quân chật đất, ngựa phi dậy trời
Xưng tài giỏi nhất trần đời
Bị Tiên một nhát đứt lìa đầu đi?
Anh mà phân rõ thị phi
Em đây thí phát vô chùa đi tu
- Một năm có Đông, có Xuân, có Hạ, có Thu
Em lắng tai nghe anh đáp, nhưng đừng có đi tu, anh phiền
Lục bà thọ bịnh theo tiên
Phong Lai gãy cổ vì Tiên đánh đầu
Võ công là kẻ cơ cầu
Bị chàng Tử Trực nói câu động lòng
Hổ thân, thổ huyết mạng vong
Mẹ con họ Võ ăn ở hai lòng
Bị cọp ăn thịt chẳng oan uổng gì
Trịnh Hâm là đứa vô nghì
Xuống sông xuồng lật, cá thì nuốt ngay
Còn tướng Cốt Đột thày lay
Bị Tiên rượt chém chết ngay chiến trường
Anh đà phân giải tỏ tường
Em có đi tu, cho anh theo làm sãi đặng ăn chay trường với em
Cùng với sự xuất hiện của truyện Lục Vân Tiên, nói thơ Vân Tiên phổ biến tại miền Nam, trong đó có Bến Tre từ cuối thế kỷ XIX. Qua việc phân tích ảnh hưởng của Lục Vân Tiên đối với ca dao Nam Bộ, người viết nhận thấy: Việc xuất hiện điển cố trong văn học dân gian Nam Bộ là hệ quả của những loại hình sinh hoạt văn hóa xuất hiện phổ biến trong đời sống tinh thần của người Nam Bộ thời bấy giờ là: Nói thơ Vân Tiên. Loại hình diễn xướng này là minh chứng sống động cho giá trị, tầm vóc văn hóa mà Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu để lại cho hậu thế. Những lời thơ của ông đi vào lòng dân bằng lối biểu đạt hết sức mộc mạc, tự nhiên. Ca dao Nam Bộ cũng đã nhắc đến hình thức diễn xướng độc đáo này:
Vân Tiền, Vân Tiễn, Vân Tiên
Ai cho đồng tiền tôi kể Vân Tiên
Bên cạnh đó chúng ta còn dễ dàng nhận thấy một điều: Việc vận dụng điển cố trong ca dao Nam Bộ luôn gắn với nhu cầu bày tỏ quan điểm khen – chê, đồng tình – phản đối của người bình dân Nam Bộ đối với các nhân vật văn học (đây có thể xem là một hình thức tiếp nhận văn học?). Thế nên kết cấu phổ biến trong những bài ca dao có vận dụng điển cố thường có hình thức so sánh:
- Không phải anh như Bùi Kiệm ép duyên tình Nguyệt Nga
- Em đây giữ tiết như nàng Nguyệt Nga
Ca dao là tiếng nói tâm tình của người bình dân. Tuy nhiên, qua những điều đã trình bày chúng ta nhận thấy ẩn tàng đằng sau những câu ca dao của vùng đất mới là vai trò của người trí thức bình dân xưa trong sáng tác ca dao (Cụ thể ở đây là sáng tác của cụ Đồ Chiểu). Họ là “nguồn” cung cấp những thi liệu văn liệu của văn chương bác học phổ biến trong sáng tác dân gian. Dần dà chúng đã trở nên quen thuộc và được sử dụng phổ biến rộng khắp trong quần chúng nhân dân lao động.
Đồng thời trên nền tảng sự giao thoa của nhiều loại hình nghệ thuật trong quá trình tiếp nhận, người bình dân ở Nam Bộ lại có những cách vận dụng, cải biến thú vị để qua đó tạo nên những bài ca dao đặc sắc mang dấu ấn đời sống tâm hồn tình cảm của những con người đã khai phá vùng đất mới Nam Bộ. Cũng từ đó, hậu thế có thể cảm nhận được “âm vang mạnh mẽ của truyện Lục Vân Tiên trong ca dao Nam Bộ”. Đây chính là tình cảm yêu mến mà người bình dân dành cho sáng tác nổi tiếng của danh nhân văn hóa Nguyễn Đình Chiểu.