Amazon mạnh tay với những nhân viên 'trốn' lên văn phòng

'Coffee badging', tình trạng nhân viên nán lại công ty vài giờ, chỉ đủ uống ly cà phê, đang khiến ban lãnh đạo Amazon phải đưa ra siết chặt hoạt động quản lý.

 Amazon yêu cầu nhân viên có mặt tại văn phòng nhiều hơn. Ảnh: Jenny Chang-Rodriguez/Business Insider.

Amazon yêu cầu nhân viên có mặt tại văn phòng nhiều hơn. Ảnh: Jenny Chang-Rodriguez/Business Insider.

Amazon, nhà bán lẻ lớn nhất nhì thế giới, quyết định theo dõi số giờ có mặt tại văn phòng của nhân viên. Động thái này nhằm quản lý những người đang cố gắng "lách" chính sách quay trở lại văn phòng của công ty.

Thời gian gần đây, một số bộ phận thuộc Amazon, bao gồm cả các đơn vị bán lẻ và điện toán đám mây, được thông báo rằng họ phải có mặt ở văn phòng tối thiểu 2 giờ đồng hồ. Một số khác được yêu cầu nán lại đủ 6 tiếng.

Mục tiêu của Amazon là giải quyết vấn đề "coffee badging", thuật ngữ dùng để chỉ việc nhân viên ghé văn phòng ít giờ, chỉ đủ uống cà phê và làm một số việc cơ bản bắt buộc rồi nhanh chóng về nhà, nhằm đáp ứng chính sách quay trở lại văn phòng làm việc (RTO) của công ty một cách đối phó.

Năm ngoái, Amazon đã yêu cầu đa số nhân viên phải đến văn phòng 3 lần một tuần, nhưng họ không nêu rõ thời gian ở công ty phải kéo dài bao lâu, theo Business Insider.

Chính sách khắt khe

Động thái theo dõi giờ làm việc mới nhất này thúc đẩy cuộc đấu tranh đưa người lao động trở lại văn phòng của Amazon. Kể từ khi công bố chính sách RTO, Amazon đã phải đối mặt với làn sóng phản đối gay gắt từ nhân viên, với khoảng 30.000 người ký đơn phản đối chính sách.

Đáp lại, Amazon buộc một số nhân viên chuyển đến sống gần công ty và từ chối thăng chức cho những người không tuân thủ chính sách. Andy Jassy, CEO Amazon, thậm chí còn cảnh báo những ai phản đối hãy rời khỏi công ty.

Trong email gửi tới Business Insider, Margaret Callahan, người phát ngôn của Amazon, cho biết công ty bắt đầu trò chuyện trực tiếp với những nhân viên ít có mặt tại văn phòng để đảm bảo họ hiểu tầm quan trọng của việc dành thời gian chất lượng cùng với đồng nghiệp của mình.

 Nhân viên Amazon biểu tình chống lại chính sách RTO vào năm ngoái tại Seattle (Mỹ). Ảnh: Spencer Soper/Bloomberg.

Nhân viên Amazon biểu tình chống lại chính sách RTO vào năm ngoái tại Seattle (Mỹ). Ảnh: Spencer Soper/Bloomberg.

Cô nói thêm: "Hơn một năm trước, chúng tôi đã yêu cầu nhân viên đến văn phòng 3 ngày trở lên mỗi tuần vì tin rằng điều đó sẽ mang lại kết quả lâu dài tốt nhất cho khách hàng, doanh nghiệp và văn hóa của chúng tôi.

Thực tế cũng chứng minh như vậy. Đại đa số nhân viên có mặt ở văn phòng thường xuyên hơn cũng như môi trường làm việc có thêm nhiều năng lượng, kết nối và sự hợp tác hơn. Chúng tôi nghe được điều này từ chính những những nhân viên và các doanh nghiệp xung quanh".

Song, nhiều nhân viên bày tỏ sự thất vọng với quy định mới của Amazon, cho rằng nó quá nghiêm ngặt và khó hiểu. Họ đặt câu hỏi liệu đến văn phòng chỉ để đi ăn trưa 2 tiếng có được tính là một ngày làm việc hay không, và thời gian sẽ được theo dõi như thế nào hoặc liệu điều đó có hợp pháp hay không.

Một số người chỉ trích sự thiếu minh bạch vì Amazon chưa bao giờ lên tiếng giải thích chính thức về chính sách này. Những người khác thì cho rằng nhân viên vẫn sẽ tìm được cách lách luật đồng thời cảnh báo rằng việc không tuân thủ có thể dẫn đến sa thải. Họ còn nhận xét rằng việc Amazon đối xử với nhân viên như học sinh trung học sẽ khiến họ hành động tương ứng.

Khắc phục tình trạng

Thực tế, Amazon không phải công ty duy nhất đang đối mặt với "coffee badging". Một cuộc khảo sát của Owl Labs, công ty sản xuất các thiết bị hội nghị truyền hình, vào năm ngoái cho thấy 58% nhân viên hybrid (làm việc kết hợp online lẫn tại văn phòng) thừa nhận có hành vi này.

 Ngày càng nhiều công ty trở nên khắt khe hơn trong yêu cầu nhân viên phải có mặt tại văn phòng để làm việc. Ảnh minh họa: cottobro studio/Pexels.

Ngày càng nhiều công ty trở nên khắt khe hơn trong yêu cầu nhân viên phải có mặt tại văn phòng để làm việc. Ảnh minh họa: cottobro studio/Pexels.

Nhiều công ty cũng bắt đầu hành động để giải quyết thực trạng trên. Một cuộc khảo sát vào tháng 7 của WFH Research cho thấy các nhà quản lý ngày càng cứng rắn hơn trong việc thực thi chính sách RTO.

Vào tháng 2/2024, 23% số người được khảo sát cho biết những nhân viên không tuân thủ sẽ bị sa thải, tăng từ 11% vào năm 2022. Trong khi đó, chỉ 17% cho biết cấp trên không trừng phạt những người vi phạm, giảm mạnh so với 34% vào năm 2022.

Dù vậy, một số nhân viên của Amazon vẫn tìm ra cách để lách luật. Một trong số họ đã chia sẻ rằng bản thân có thể quẹt thẻ chấm công của mình ở phòng sau tại một cửa hàng Whole Foods địa phương (thuộc sở hữu của Amazon). Dù cửa không mở, thao tác vuốt vẫn được ghi nhận là có mặt tại văn phòng trên hệ thống của Amazon.

Thiên Thanh

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/amazon-manh-tay-voi-nhung-nhan-vien-tron-len-van-phong-post1487569.html