Amazon thắng lớn trong thương vụ trị giá 3,4 tỷ USD của đối thủ Reliance
Ngày 6/8, hãng thương mại điện tử Amazon đã giành chiến thắng trong cuộc chiến pháp lý tại Ấn Độ khi Tòa án tối cao của nước này ra phán quyết chặn thương vụ trị giá 3,4 tỷ USD của đối thủ Reliance.
Tập đoàn Amazon, công ty thương mại điện tử Flipkart thuộc Walmart và tập đoàn Reliance đang cạnh tranh khốc liệt giành lợi thế trên thị trường bán lẻ trực tuyến tại đất nước 1,3 tỷ dân.
Tháng 8/2019, Amazon đầu tư vào Future Retail (nhà bán lẻ lớn thứ hai tại Ấn Độ và thuộc sở hữu của tập đoàn Future Group) thông qua việc mua 4,5% cổ phần của công ty này. Một năm sau, tập đoàn Reliance của tỷ phú Mukesh Ambani cũng thông báo ký thỏa thuận trị giá 3,4 tỷ USD với Future Group để tiếp quản mảng bán lẻ, bán buôn, hậu cần và kho bãi.
Thương vụ mua bán với Future Group - tập đoàn sở hữu một số siêu thị nổi tiếng của Ấn Độ như Big Bazaar, sẽ giúp củng cố vị thế của Reliance trong lĩnh vực thương mại điện tử vốn cạnh tranh gay gắt.
Tuy nhiên, Amazon cho rằng hợp đồng năm 2019 của họ bao gồm một điều khoản không cạnh tranh, trong đó cấm Future Retail và Future Group tiến hành kinh doanh với 30 tổ chức, bao gồm cả Reliance.
Tập đoàn của tỷ phú Jeff Bezos cáo buộc Future Group vi phạm các điều khoản của hợp đồng. Năm 2020, Amazon đã đệ đơn lên Trung tâm Trọng tài quốc tế Singapore, theo đó tòa trọng tài này quyết định đình chỉ thương vụ giữa Future Group và Reliance.
Tập đoàn Amazon khẳng định phán quyết của tòa trọng tài có tính chất ràng buộc trong khi Future Group phủ nhận điều này. Amazon buộc phải nhờ đến Tòa án Tối cao Ấn Độ trong nỗ lực ngăn chặn thương vụ mà tập đoàn này cho rằng sẽ gây “tác hại không thể khắc phục”.
Ngày 6/8, Tòa án Tối cao Ấn Độ ra phán quyết rằng quyết định của tòa trọng tài có hiệu lực, theo đó chặn thương vụ giữa Reliance và Future Group. Hiện các tập đoàn Reliance và Amazon chưa đưa ra bình luận gì về động thái nói trên.
Thị trường bán lẻ Ấn Độ là một trong những thị trường tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Theo Forrester Research, thị trường bán lẻ của Ấn Độ sẽ tăng trưởng 46% trong 4 năm tới, đạt quy mô 1.300 tỷ USD hằng năm. Mảng tạp hóa dự kiến đạt giá trị 740 tỷ USD/năm vào năm 2024.
Được thành lập bởi Kishore Biyani, người được mệnh danh là "ông vua" bán lẻ của Ấn Độ, Future Group đã thay đổi bộ mặt ngành bán lẻ của đất nước trong nhiều năm trở lại đây. Trong số 1.700 cửa hàng bán lẻ của Future tại 400 thành phố ở Ấn Độ, có khoảng 1.300 cửa hàng bán tạp hóa.
Các siêu thị bình dân của Future phục vụ tầng lớp trung lưu, bên cạnh các cửa hàng cao cấp với các sản phẩm nhập khẩu đắt tiền, khá đặc biệt và hiếm thấy trên thị trường bán lẻ của Ấn Độ. Điều này khiến Future trở thành nguồn tài nguyên đáng ao ước của cả hai “ông lớn” Reliance và Amazon.
Trong khi đó, Reliance là một trong những công ty lớn nhất và quyền lực nhất ở Ấn Độ, hoạt động trong tất cả các lĩnh vực của đời sống Ấn Độ từ viễn thông, giải trí, thương mại điện tử, nông nghiệp, bán lẻ, thời trang, dầu mỏ và khí đốt,… Reliance và Future thống trị thị trường bán lẻ truyền thống tại Ấn Độ. Tuy nhiên, theo ước tính của hãng UBS, trong số 11.000 cửa hàng bán lẻ của Reliance chỉ 800 cửa hàng cung cấp thực phẩm và tạp hóa.
Chuyên gia phân tích Satish Meena của Forrester dự đoán khối tài sản trong mảng bán lẻ của Future sẽ giúp Reliance lớn mạnh hơn gần 3 lần trong phân khúc hàng tạp hóa, đồng thời thúc đẩy các kế hoạch thương mại điện tử của tập đoàn.
Trong khi đó, Amazon lại đánh giá thương vụ đầu tư vào Future là một chiến lược dài hạn để tối ưu hóa chuỗi cung ứng giao hàng tạp hóa, một lĩnh vực không phải thế mạnh của Amazon tại thị trường Ấn Độ. Phán quyết mới nhất đánh dấu một chiến thắng nữa cho Amazon trong nỗ lực chiếm lĩnh thị trường bán lẻ Ấn Độ, ngăn chặn tham vọng dấn thân vào mảng bán lẻ của tỷ phú Mukesh Ambani.
Theo hãng tin Bloomberg, tập đoàn Amazon của tỷ phú giàu nhất thế giới Jeff Bezos đã cam kết đầu tư 6,5 USD vào Ấn Độ./.