AMM-52: Tìm kiếm các giải pháp khả thi
Một quan chức Thái Lan nói với báo The Bangkok Post rằng ASEAN sẽ thảo luận những mối lo ngại đang diễn ra như tranh chấp trên biển Đông, gồm cả tiến trình về Bộ Quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC).
Quan chức này xác nhận: “Chúng tôi sẽ tìm cách giảm bớt căng thẳng, xây dựng niềm tin, tìm kiếm giải pháp khả thi”. Cùng với đó, sẽ có tổng cộng 27 cuộc họp đầy đủ cộng với các phiên họp bên lề tại sự kiện này.
Thảo luận nhiều vấn đề cấp bách
Tiếp theo các hoạt động trù bị cho Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 52 (AMM-52) và các hội nghị liên quan, ngày 30-7, tại Bangkok, các quan chức cao cấp ASEAN+3 (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc) và các quan chức cao cấp các nước tham gia Cấp cao Đông Á (EAS) đã họp để rà soát, hoàn tất công tác chuẩn bị cho Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN+3 lần thứ 20 và Hội nghị Bộ trưởng các nước tham gia Cấp cao Đông Á lần thứ 9 sẽ diễn ra vào ngày 2-8.
Các quan chức cao cấp các nước ASEAN+3 và EAS đã cập nhật tình hình triển khai hợp tác theo Kế hoạch công tác ASEAN+3 và Chương trình hành động Manila (2018-2022), rà soát tiến độ soạn thảo các văn kiện thuộc khuôn khổ ASEAN+3 và EAS để trình lên các hội nghị cấp cao cuối năm và trao đổi hướng thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực như hợp tác biển, phòng chống tội phạm xuyên quốc gia, an ninh mạng, ứng phó thiên tai, phát triển bền vững…
Trước đó đã diễn ra cuộc họp các quan chức cao cấp ASEAN (SOM) trù bị cho Hội nghị các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 52 (AMM-52) và các Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN với các đối tác (PMC+). Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng dẫn đầu đoàn Việt Nam dự cuộc họp.
Các quan chức cao cấp ASEAN đã trao đổi về các vấn đề nổi lên trong tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, kế hoạch triển khai tài liệu Quan điểm ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (AOIP), quan hệ giữa ASEAN với các đối tác như Australia, New Zealand, kế hoạch triển khai đoàn khảo sát của ASEAN tới Timor Leste, tình hình bang Rakhine của Myanmar, tiến trình đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC) và vấn đề biển Đông...
Theo kế hoạch, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN bắt đầu các hoạt động chính thức từ tối 30-7.
Giảm bớt căng thẳng
Tờ Bangkok Post ngày 30-7 đưa tin, ngoài 10 quốc gia Đông Nam Á, còn có 10 đối tác tham dự đối thoại. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị và Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov sẽ là đối tác đối thoại quan trọng tại các cuộc họp.
Ngoại trưởng Mỹ đến Bangkok trong ngày 30-7 để tái khẳng định cam kết của Mỹ với ASEAN. Ông Pompeo sẽ đồng chủ trì các Hội nghị Bộ trưởng Mỹ - ASEAN và Sáng kiến Hạ lưu sông Mê Công vào ngày 1-8. Một ngày sau, ông sẽ phát biểu tại Hiệp hội Siam về sự tham gia kinh tế của Mỹ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Sau đó, ông Pompeo sẽ tham dự Hội nghị Cấp cao Đông Á và Diễn đàn Khu vực ASEAN…
Cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana đã chỉ trích Trung Quốc vì những hành động mà ông cho là “hăm dọa” tại biển Đông và cho rằng những tuyên bố đảm bảo hòa bình của Bắc Kinh hoàn toàn trái ngược với hoạt động của nước này tại vùng biển tranh chấp.
Ông Lorenzana cho rằng các hành động gây hấn của Trung Quốc tại biển Đông ngày càng gia tăng.
Liên quan vấn đề này, một quan chức Thái Lan nói với báo The Bangkok Post rằng ASEAN sẽ thảo luận những mối lo ngại đang diễn ra như tranh chấp trên biển Đông, gồm cả tiến trình về Bộ Quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC). Quan chức này xác nhận: “Chúng tôi sẽ tìm cách giảm bớt căng thẳng, xây dựng niềm tin, tìm kiếm giải pháp khả thi”.
Trong khuôn khổ các hoạt động của Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 52 (AMM-52) tại Bangkok, chiều 30-7, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã cùng các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN gặp đại diện Ủy ban Chính phủ ASEAN về nhân quyền (AICHR).
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có cuộc gặp song phương với Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Retno Marsurdi. Hai Bộ trưởng đã nhất trí tăng cường quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam - Indonesia trên mọi lĩnh vực, trong đó có hợp tác trên biển. Hai bên đã thảo luận và chia sẻ quan điểm về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, khẳng định tầm quan trọng của việc thúc đẩy đoàn kết và vai trò trung tâm của ASEAN, đẩy mạnh hợp tác thực chất và hiệu quả trong khuôn khổ ASEAN cũng như giữa ASEAN với các đối tác. Về vấn đề biển Đông, hai bên khẳng định các bên cần tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên hiệp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS), nhằm duy trì hòa bình, ổn định và tăng cường tin cậy giữa các nước.
Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/amm52-tim-kiem-cac-giai-phap-kha-thi-607868.html