Ấn bản 'Việt Nam sử lược' kỷ niệm 100 năm phát hành
Kỷ niệm 100 năm cuốn sách 'Việt Nam sử lược' của Trần Trọng Kim được xuất bản lần đầu, buổi Tọa đàm – ra mắt sách ấn bản nhân tác phẩm nổi tiếng này tròn 1 thế kỷ đã được tổ chức vào sáng 10/12/2020 tại Nhà sách Cá Chép, Hà Nội.
Việt Nam sử lược của học giả Trần Trọng Kim ra mắt năm 1920. Theo nhà báo, nhà nghiên cứu Kiều Mai Sơn, tác phẩm có một vai trò quan trọng trong lịch sử Việt Nam. Bắt đầu từ các bài giảng về Nam sử đăng trên Đông Dương tạp chí và có dạng sơ thảo là cuốn Sơ học An Nam sử lược dùng trong nhà trường (1917) đến bản in đầu tiên năm 1920, trong vòng ba năm, học giả Trần Trọng Kim làm cùng một lúc ba việc: đọc các bộ sử viết bằng chữ Hán, dịch ra chữ quốc ngữ và biên soạn lại thành Việt Nam sử lược.
Điểm nổi bật của Việt Nam sử lược là việc thoát khỏi hẳn lối chép sử biên niên theo tuyến tính thời gian đơn thuần. Không chú trọng liệt kê từng sự kiện lịch sử rời rạc như các bộ sử thời trước, Trần Trọng Kim đã phân tích, tổng hợp, chắt lọc từng dữ kiện cốt yếu và khéo léo kết nối chúng thành một vấn đề sử học có ý nghĩa, hay nói cách khác, là một vấn đề sử học "đáng ghi nhớ". Học giả Trần Trọng Kim đã xây dựng bố cục tác phẩm thành năm thiên, tương ứng với năm thời đại để phản ánh dòng chảy lịch sử Việt Nam, từ huyền sử họ Hồng Bàng cho đến khi Pháp lập xong cuộc bảo hộ ở Đông Dương.
Ở mỗi thời đại, tác giả lại nhóm thành từng vấn đề chính yếu để bàn thảo và kê cứu như việc tài chính, việc quan chế, việc võ bị, việc khoa cử..., giúp cho độc giả hình dung nhanh chóng về bối cảnh xã hội và chính trị đương thời, từ đó có thể so sánh sự khác biệt và tiến triển của xã hội Việt Nam qua các triều đại.
Việt Nam sử lược được đánh giá là một tác phẩm thông sử hấp dẫn, giọng văn kể chuyện lôi cuốn, thể hiện tư duy sử học tiến bộ của tác giả và xứng đáng là quyển sách vỡ lòng cho những ai muốn thâm nhập toàn bộ dòng chảy lịch sử Việt Nam. Cuốn sách cũng đã nhiều lần được tái bản trong một thế kỷ qua.
Nhân dịp kỷ niệm 100 năm cuốn sách ra đời, Đông A đã ra mắt bản in đặc biệt có bổ sung thêm một số chi tiết trong nội dung của các bản in năm 1920, 1928, 1971. Những người làm sách cũng đã đối chiếu Việt Nam sử lược với các bộ chính sử như Đại Việt sử ký toàn thư, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, bao gồm cả phần tiếng Hán, để làm rõ những tồn nghi và hiệu chỉnh sai sót.
Bên cạnh 189 nguyên chú của tác giả, ban biên tập đã đưa thêm 759 chú thích mới, được chia thành hai loại: Một là chú thích địa danh, tham khảo chủ yếu từ Đại Việt sử ký toàn thư; hai là chú thích làm rõ những chỗ tồn nghi trong văn bản gốc. Ra đời cách đây 100 năm, Việt Nam sử lược không tránh khỏi sai sót khách quan lẫn chủ quan, do điều kiện và thời gian soạn thảo hạn chế, do sự tam sao thất bản qua các lần in. Việc bổ sung chú thích của Đông A sẽ giúp cho bản in chỉn chu về mặt nội dung.
Ngoài ra, Việt Nam sử lược - ấn bản kỷ niệm 100 năm xuất bản lần đầu cũng được bổ sung gần 60 minh họa từ các nguồn: bản in năm 1928, tranh dân gian Đông Hồ, ảnh tư liệu hiện vật bảo tàng, ảnh tư liệu của các nhiếp ảnh gia người Pháp…
Trong khuôn khổ buổi tọa đàm, Đông A cũng trưng bày một số ấn bản Việt Nam sử lược hiếm như: ấn bản đầu tiên năm 1920 của Trung-Bắc Tân-Văn, ấn bản năm 1928 của Imprimerie Vĩnh & Thành Hà Nội, ấn bản năm 1954 của NXB Tân Việt, ấn bản năm 1971 của Trung tâm học liệu Bộ Giáo dục. Đặc biệt, ấn bản năm 1943 của NXB Lê Thăng lần đầu tiên được giới thiệu tới công chúng. Sáchthuộc bộ sưu tập của nhà sưu tầm Nguyễn Ngọc Hoài Nam.