An Bình (Văn Yên) phát huy mô hình 'làng nông thuận thiên'

Thời gian qua, dưới sự hướng dẫn từ mô hình mẫu 'Làng nông thuận thiên' do Trung tâm Nông nghiệp Nhiệt đới quốc tế hỗ trợ, nhiều hộ nông dân xã An Bình, huyện Văn Yên tích cực ứng dụng các giải pháp điều chỉnh hoạt động, tập quán sản xuất theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH).

Ông Lương Kim Vân áp dụng phương pháp bẫy ruồi vàng, hạn chế sâu bệnh cho cây.

Ông Lương Kim Vân áp dụng phương pháp bẫy ruồi vàng, hạn chế sâu bệnh cho cây.

"Làng nông thuận thiên" đang được coi là cộng đồng đi tiên phong trong việc thực hiện các giải pháp nông nghiệp ứng phó thông minh với BĐKH. Các giải pháp này sẽ cải thiện năng suất một cách bền vững, tăng cường khả năng chống chịu, giảm phát thải khí nhà kính và đòi hỏi phải có kế hoạch giải quyết những xung đột và hòa hợp giữa ba trụ cột gồm: năng suất, thích ứng và giảm phát thải.

Mô hình kết hợp vườn - ao - chuồng - rừng của ông Ngô Quốc Khánh, thôn Khe Trang là một mô hình nông nghiệp thông minh như thế. Gia đình ông Khánh có 50 con dê, 200 con gà, 2 ha chè, 2 ha quế và ao cá. Nguồn chất thải sau chăn nuôi được ông Khánh tận dụng nuôi giun quế vừa giảm mùi hôi vừa tạo nguồn phân bón sạch vừa tạo nguồn thức ăn giàu đạm cho gà, cá.

Ông Khánh chia sẻ: "Gà, cá khi ăn giun quế phát triển khá nhanh, thịt chắc, ngon, đạt năng suất rất cao. Ngoài ra, sau khi tiêu hóa các thành phần thức ăn, giun quế còn thải ra phân chứa nhiều hỗn hợp vi sinh có hoạt tính cao, dễ hòa tan trong nước, bón cho chè rất tốt. Tôi còn trồng các băng cỏ ở những phần đất dốc vừa chống xói mòn vừa tạo nguồn thức ăn xanh cho cá và dê. Đồi chè cũng được ứng dụng kỹ thuật tưới tiên tiến, tiết kiệm nước”.

Như vậy, một mô hình sản xuất tuần hoàn, khép kín bền vững được hình thành, đảm bảo cho các nhân tố trong quy trình đều được tận dụng triệt để, không những thấy được cái lợi trước mắt mà còn cả về lâu về dài. Hiện nay, trung bình mỗi năm, ông Khánh thu về trên 150 triệu đồng, chi phí phát sinh cho sản xuất khá thấp.

>> Yên Bái hướng tới nền nông nghiệp thông minh

Gia đình ông Lương Kim Vân ở thôn Trung Tâm có khoảng 300 cây ổi. Để ổi phát triển tốt, ông đã áp dụng các giải pháp để đuổi và diệt ruồi vàng - một trong những sâu bệnh phổ biến của cây ăn quả bao gồm cả ổi khi vào thời tiết oi nóng của mùa hè.

Ông Vân chia sẻ: "Tôi đang áp dụng các cách: sử dụng rượu nặng 50 độ ngâm với hỗn hợp tỏi, ớt xay nhuyễn để phun lên cây đuổi ruồi vàng; treo các bẫy ruồi có chứa mật ong pha loãng để dụ ruồi. Ngoài ra, tôi cũng áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật, nói không với thuốc trừ sâu, trừ cỏ, thuốc bảo vệ thực vật và phân bón hóa học. Nhờ đó, hàng năm, trên 10 tấn ổi của gia đình luôn được người dân trong, ngoài xã ưa chuộng, đem về thu nhập gần 200 triệu đồng.

Việc lạm dụng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu và nước tưới nhằm gia tăng năng suất là nguyên nhân khiến nông nghiệp trở thành nguồn phát thải khí nhà kính lớn thứ hai sau ngành năng lượng. Bởi vậy, mô hình nông nghiệp của ông Khánh, ông Vân đã chuyển đổi thực hành sản xuất nông nghiệp truyền thống sang hướng thích ứng với BĐKH và bền vững với môi trường.

Những mô hình này cũng đang được chính quyền cùng ngành nông nghiệp địa phương thúc đẩy nhân rộng. Ông Nguyễn Ngọc Bắc - Phó Chủ tịch UBND xã An Bình cho biết: "Năm 2021, mô hình làng nông thuận thiên được triển khai đã tập huấn, hỗ trợ cho 14 hộ nhiều kiến thức hữu ích. Đến nay, những mô hình này đang được người dân ứng dụng tích cực và phát huy hiệu quả. Đây là nơi người dân có thể trực tiếp tham quan, học tập cũng là cơ sở để địa phương tiếp tục nhân rộng các cách làm này trong thời gian tới. Hiện, mô hình này bước đầu được nhân rộng tới trên 20 hộ trên địa bàn”.

BĐKH được dự đoán sẽ có ảnh hưởng nghiêm trọng đến con người, sinh kế, dinh dưỡng, an ninh lương thực. Nếu bắt đầu ngay, chúng ta có thể chuyển những tác động tiêu cực sang giảm thiểu rủi ro cũng như tạo ra các cơ hội. Thích ứng với BĐKH cần một quá trình kiên trì để đạt được sự bền vững.

Hoài Anh

Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/12/286707/an-binh-van-yen-phat-huy-mo-hinh-lang-nong-thuan-thien.aspx