Ăn chặn từ thiện và làm giả sao kê ngân hàng có thể bị xử lý hình sự

Sau khi Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam công khai tập tin sao kê, loạt ảnh nghi 'fake' số tiền ủng hộ dấy lên nghi vấn về việc ăn chặn từ thiện.

Chiều 12/9, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam công khai tập tin sao kê tài khoản ngân hàng được sử dụng để người dân cả nước chuyển tiền ủng hộ đồng bào miền bắc khắc phục hậu quả do thiên tai do bão số 3. Hành động này đã nhận được đông đảo sự ủng hộ của cộng đồng mạng.

Tuy nhiên, nhờ có việc sao kê của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cộng đồng mạng đã đem so sánh, đối chiếu với một số ảnh chụp màn hình chuyển khoản của các cá nhân những ca sĩ, diễn viên, người nổi tiếng… Bất ngờ, cộng đồng mạng đã phát hiện nghi có hành vi làm giả tin nhắn chuyển tiền, có dấu hiệu ăn chặn tiền từ thiện của một số cá nhân, tập thể, tổ chức.

Cụ thể, theo đối chiếu từ hơn 12.000 trang sao kê ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng bởi bão số 3 do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam công khai, xuất hiện nhiều nội dung chuyển khoản mang danh nghĩa của tập thể nhưng số tiền chuyển khoản lại rất nhỏ. Hay sao kê này có nội dung thiếu "nhiều số 0" - lên đến trăm triệu đồng so với những hình ảnh mà một số người nổi tiếng đã đăng tải trên mạng.

Danh sách sao kê tài khoản do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam công khai - (Ảnh chụp màn hình).

Danh sách sao kê tài khoản do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam công khai - (Ảnh chụp màn hình).

Ở đây chúng ta không nói về việc một tập thể chuyển khoản ít hay nhiều, mà là tính logic của số tiền chuyển khoản này liệu có hợp lý với sự đóng góp từ thiện của cả một tập thể hay không? Hay ở đây đang có dấu hiệu của việc người đứng ra đại diện nhận tiền quyên góp của một tập thể, tổ chức đã lợi dụng, ăn chặn hầu hết số tiền từ thiện mà mục đích chính của số tiền là dành cho đồng bào, bà con vùng chịu ảnh hưởng của thiên tai bão lũ.

Mới đây, trên trang cá nhân của một tài khoản facebook có tên N.B đã đăng tải nội dung liên quan đến việc tố cáo hành động ăn chặn tiền từ thiện của một cá nhân. Sau đó, người bị vạch trần hành động ăn chặn cũng đã đăng bài xin lỗi về hành vi của mình.

Người bị vạch trần hành động ăn chặn cũng đã đăng bài xin lỗi về hành vi của mình - (Ảnh chụp màn hình).

Người bị vạch trần hành động ăn chặn cũng đã đăng bài xin lỗi về hành vi của mình - (Ảnh chụp màn hình).

Hơn nữa, có rất nhiều trường hợp sử dụng phần mềm chỉnh sửa số tiền quyên góp để đăng lên nhằm “phông bạt”, đánh bóng tên tuổi, hoặc dùng để lừa đảo chiếm đoạt số tiền quyên góp từ thiện.

Điển hình trong số đó có Phạm Như Phương (Louis Pham), cộng đồng mạng đã "soi" có một tài khoản tên Phạm Như Phương chuyển khoản ủng hộ 500.000 đồng vào ngày 9/9. Giao dịch này có nhiều nội dung giống với ảnh chụp màn hình chuyển khoản đã được cựu vận động viên thể dục dụng cụ Phạm Như Phương đăng tải trên trang cá nhân. Tuy nhiên, con số lại khác nhau. Thậm chí bill chuyển khoản được cho là “fake” có con số lên đến hàng trăm triệu đồng.

Cư dân mạng "soi" nội dung sao kê có tên "PHAM NHU PHUONG" - (Ảnh chụp màn hình).

Cư dân mạng "soi" nội dung sao kê có tên "PHAM NHU PHUONG" - (Ảnh chụp màn hình).

Hình ảnh một tổ chức đăng ủng hộ số tiền 200.000.000 đồng cho Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhưng khi sao kê ra số tiền thật sự chỉ là 200.000 đồng - (Ảnh chụp màn hình).

Hình ảnh một tổ chức đăng ủng hộ số tiền 200.000.000 đồng cho Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhưng khi sao kê ra số tiền thật sự chỉ là 200.000 đồng - (Ảnh chụp màn hình).

Trả lời phóng viên phóng viên Báo Công Thương, Luật sư Trần Xuân Tiến (Trưởng văn phòng Luật sư Đồng Đội - Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho biết, hành vi ăn chặn tiền từ thiện cấu thành tội danh nếu người phạm tội dùng thủ đoạn gian dối từ đầu, đưa thông tin không đúng sự thật nhằm làm người khác tin hoạt động từ thiện là thật và quyên góp tiền ủng hộ.

Tùy thuộc vào tính chất hành vi, người phạm tội sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về một trong hai tội danh quy định tại Điều 174 Bộ luật hình sự 2015 về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và điều 175 Bộ luật hình sự 2015 về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.

“Với tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo Điều 175 Bộ luật Hình sự 2015, người vi phạm được xác định phạm tội nếu họ kêu gọi quyên góp từ thiện, sau đó nảy sinh ý định chiếm đoạt tài sản, không sử dụng một phần hoặc toàn bộ số tiền vào mục đích ban đầu.

Tài sản bị chiếm đoạt phải có giá trị từ 4 triệu đồng trở lên, nếu dưới 4 triệu đồng, người vi phạm sẽ bị xử lý hình sự nếu từng bị xử phạt hành chính do chiếm đoạt tài sản; đã bị kết án về một số tội theo luật định mà chưa được xóa án tích hay tài sản bị chiếm đoạt là phương tiện kiếm sống chính của bị hại”, Luật sư Tiến cho biết thêm.

Luật sư Trần Xuân Tiền (Trưởng văn phòng Luật sư Đồng Đội) - (Ảnh: NVCC)

Luật sư Trần Xuân Tiền (Trưởng văn phòng Luật sư Đồng Đội) - (Ảnh: NVCC)

Từ phân tích trên, Luật sư Trần Xuân Tiền cũng đánh giá, tùy thuộc vào số tiền chiếm đoạt và tính chất vi phạm, người phạm tội có thể đối diện với mức án tối đa 20 năm tù.

Đối với hành vi làm giả ảnh chuyển khoản ngân hàng nhằm mục đích ăn chặn tiền từ thiện, đây là hành vi cấu thành tội danh Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 174, Bộ luật Hình sự 2015. Hành vi phạm tội này nếu thỏa mãn các điều kiện quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015, thì người phạm tội có thể đối diện với mức án cao nhất là tù Chung thân.

Theo đó, việc ăn chặn tiền từ thiện không chỉ dẫn tới những hậu quả rất nghiêm trọng về mặt pháp luật mà còn ảnh hưởng tới uy tín, danh dự của cá nhân hoặc tổ chức liên quan, gây ra sự mất niềm tin của cộng đồng, ảnh hưởng tới hoạt động các tổ chức từ thiện khác.

Mỗi cá nhân hãy tự ý thức trách nhiệm được hành vi của mình, không chỉ để tránh khỏi những hậu quả đáng tiếc mà còn góp phần xây dựng một xã hội có lòng tin và trách nhiệm.

Trường An

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/an-chan-tu-thien-va-lam-gia-sao-ke-ngan-hang-co-the-bi-xu-ly-hinh-su-345642.html