Án chung thân cho cựu Đại tá nhận hối lộ để bảo kê xăng dầu lậu
Trong vụ án nhận hối lộ để bảo kê buôn lậu xăng dầu trên biển, 2 cựu Thiếu tướng, cựu Tư lệnh vùng Cảnh sát biển nhận mức án 12-15 năm tù.
Sau 4 ngày Tòa án Quân sự Quân khu 7 mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử 14 bị cáo trong vụ án “Buôn lậu”, “Nhận hối lộ”, “Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài” và “Không tố giác tội phạm” liên quan nhiều cựu sĩ quan Cảnh sát biển và Bộ đội Biên phòng liên quan đến đường dây buôn lậu gần 200 triệu lít xăng (trị giá gần 2.800 tỷ đồng), tối 15/7, HĐXX đã ra phán quyết đối với các bị cáo.
Theo đó, HĐXX tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thế Anh (cựu Đại tá, cựu Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang) tù chung thân về tội “Nhận hối lộ” và 2 năm tù về tội “Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép”. Tổng hợp hình phạt của hai tội danh là tù chung thân.
Với tội danh “Nhận hối lộ”, cựu Thiếu tướng, cựu Tư lệnh vùng Cảnh sát biển 4 Lê Văn Minh nhận mức án 15 năm tù; cựu Thiếu tướng, cựu Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 Lê Xuân Thanh 12 năm tù.
Cựu Thiếu tá, cựu Phó đoàn trưởng Trinh sát 2 Bộ tư lệnh Cảnh sát biển Lưu Thế Đức 4 năm 6 tháng tù. Cựu Đại tá, cựu Chỉ huy trưởng Biên phòng tỉnh Trà Vinh Phạm Văn Trên 10 năm tù.
Cựu Trung tá, cựu Hải đội trưởng 2 thuộc Biên phòng tỉnh Sóc Trăng Nguyễn Thanh Lâm 11 năm tù. Cựu Thượng tá, cựu Phó trưởng Phòng CSGT Công an tỉnh Trà Vinh Lê Văn Phương 3 năm 6 tháng tù.
Phạm Hồ Hải (cựu đại diện Cảng Cần Thơ tại Trà Vinh) 3 năm 6 tháng tù. Sơn Hoàng Ngự (cựu nhân viên Đồn Trường Long Hòa) 4 năm 6 tháng tù.
Phan Thị Xuân (vợ bị cáo Lê Xuân Thanh) 2 năm 6 tháng tù, cho hưởng án treo. Nguyễn Văn An (em họ bị cáo Nguyễn Thế Anh) 15 năm tù.
Phùng Danh Thoại (cựu Đại tá, cựu Trưởng phòng xăng dầu, Cục Hậu cần thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Cảnh sát biển) 7 năm tù về tội “Buôn lậu”.
Bị cáo Cao Phước Hoài (quê Bình Định, lao động tự do) bị tuyên phạt 6 tháng 21 ngày tù về tội “Không tố giác tội phạm”.
Về biện pháp tư pháp, HĐXX tuyên tịch thu toàn bộ số tiền thu lời bất chính của các bị cáo, trong đó bị cáo Nguyễn Thế Anh phải nộp hơn 19 tỷ đồng do nhận hối lộ (đến nay bị cáo Thế Anh chưa khắc phục).
Cựu Đại tá Nguyễn Thế Anh ra sức kêu oan
Trước đó, tại phần tranh luận, cựu Đại tá, Chỉ huy trưởng Biên phòng tỉnh Kiên Giang Nguyễn Thế Anh tiếp tục giữ quan điểm cho rằng các cơ quan tố tụng đã có sai phạm về tố tụng.
Bị cáo này nói mình bị ép cung, mớm cung trong quá trình điều tra. Cơ quan chức năng khám xét một số địa điểm và thu giữ đồ vật, tài liệu cũng không có mặt bị cáo.
Ngoài ra, bị cáo Nguyễn Thế Anh khai trong nhiều lần hỏi cung, các bản khai đã được viết sẵn nội dung cáo buộc bị cáo nhận tiền hối lộ. Sau đó, điều tra viên đưa cho bị cáo đọc lại rồi bắt viết theo.
Ngoài những nội dung trên, cựu Đại tá biên phòng cho rằng, cáo trạng và bản luận tội của VKS quân sự Bộ đội Biên phòng đã dựa vào lời khai không đúng của nhân chứng và người liên quan để cáo buộc bị cáo nhận hối lộ.
Bị cáo Nguyễn Thế Anh cũng phủ nhận đã thỏa thuận ăn chia, nhận tiền từ "trùm" buôn lậu xăng dầu Phan Thanh Hữu, giống như những gì đã khai báo trong phần thẩm vấn 2 ngày trước.
“Hơn 15 năm nay, chưa bao giờ có hoạt động vận chuyển xăng lậu sang Campuchia với số lượng lớn như vậy”, cựu Chỉ huy trưởng Biên phòng tỉnh Kiên Giang quả quyết. Ông ta cho rằng thị trường Campuchia cũng không thể tiếp nhận lượng xăng lớn như cáo trạng nêu con số là hơn 198 triệu lít.
"Ai có thể mớm cung được bị cáo?"
Đối đáp với những lý lẽ nêu trên, đại diện VKS quân sự Bộ đội Biên phòng lập luận đối với cáo buộc ông Nguyễn Thế Anh nhận hối lộ, ngoài lời khai của các bị cáo và nhân chứng, thì cơ quan công tố còn căn cứ nhiều tài liệu, chứng cứ đã thu thập được.
Một trong số đó, theo kiểm sát viên, là danh sách thể hiện các lần liên lạc giữa ông Thế Anh và "trùm" buôn lậu Phan Thanh Hữu được đơn vị viễn thông cung cấp. Trong đó, lịch sử cuộc gọi và địa điểm gọi hoàn toàn trùng khớp với hành vi của bị cáo.
Về lời khai cho rằng bị cáo bị ép cung, đại diện VKS phản bác cựu Đại tá Nguyễn Thế Anh có thời gian dài công tác trong lực lượng đấu tranh phòng chống tội phạm và đạt nhiều thành tích. "Thử hỏi ai có thể mớm cung, ép cung được bị cáo", công tố viên tranh luận.
Bên cạnh đó, khi bị bắt tạm giam hồi tháng 6/2021, bị cáo đã xin giấy từ giám thị để viết tâm thư, trong đó thừa nhận vì cám dỗ mà nhận tiền từ "trùm" buôn lậu Phan Thanh Hữu. Kiểm sát viên cho rằng bức tâm thư này do bị cáo tự viết ra, không ai có thể viết thay.
"Đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, xảy ra ở nhiều tỉnh thành, trong và ngoài quân đội với lượng người có liên quan là rất lớn và trên 5.000 bút lục", đại diện VKS quân sự đánh giá.
Theo VKS, toàn bộ quá trình khởi tố, điều tra, truy tố các bị cáo đều khách quan, dưới sự chứng kiến của nhiều cơ quan, đơn vị từ Trung ương đến địa phương.
"Không có cán bộ tiến hành tố tụng nào có thể mớm cung, ép buộc những người thân thiết, những người đồng chí khai báo về nhau. Cũng không có cán bộ tố tụng nào muốn làm xấu đi hình ảnh của đồng chí, đồng đội của mình, nhất là trong vụ án này có những sĩ quan cao cấp trong quân đội", kiểm sát viên lập luận.
Bị cáo Nguyễn Thế Anh bị cáo buộc đã nhận 6,2 tỷ đồng và 560.000 USD từ Phan Thanh Hữu thông qua bị cáo Nguyễn Văn An (em họ Thế Anh).
Sau khi đánh giá, VKS đề nghị phạt ông Nguyễn Thế Anh tù chung thân về tội Nhận hối lộ và 1-2 năm tù Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép. Tổng hợp hình phạt, VKS đề nghị tuyên bị cáo này mức án chung thân.