Ăn cơm hộp, ngủ lán... giúp dân
Về xã Hua Thanh, huyện Điện Biên (tỉnh Điện Biên), nơi Trung đoàn 82 (Quân khu 2) thực hiện hoạt động tổng hợp biên giới hướng Tây mùa khô năm 2020-2021, tôi gặp lại Binh nhất Lù Văn Tiến, chiến sĩ thuộc Đại đội 3, Tiểu đoàn 4.
Chỉ mới hơn 6 tháng không gặp mà trông Tiến rắn rỏi, chững chạc lên nhiều. Còn nhớ lúc mới vào quân ngũ, Tiến kể mình rất hay ủ rũ, buồn chán vì nhớ nhà. Nở nụ cười tươi rói trên khuôn mặt ngăm đen vì nắng gió biên cương, Lù Văn Tiến tâm sự: “Hơn một tháng ở lán trại, hằng ngày đi làm đường, làm cầu, dựng nhà, dù vất vả nhưng tôi thấy rất tự hào vì được góp sức giúp dân bản vơi bớt khó khăn”. Quả thật, nhận thức của Tiến đã khác hẳn so với lần trò chuyện cùng tôi trước đó.
Hua Thanh là xã biên giới giáp Lào, đời sống nhân dân ở nhiều bản còn khó khăn với “3 không”: Không điện lưới, không nước sạch, không internet. Thực hiện kế hoạch hoạt động tổng hợp biên giới hướng Tây mùa khô năm 2020-2021, Đảng ủy Trung đoàn 82 cử gần 100 cán bộ, chiến sĩ, đa số là con em các dân tộc thiểu số, có trình độ văn hóa, hiểu biết phong tục tập quán để tham gia công tác dân vận, giúp dân tại hai bản: Nậm Ti 1, Nậm Ti 2 (xã Hua Thanh). Gặp chúng tôi, Binh nhất Sìn Văn Mạnh, tâm sự: “Tôi nhớ nhất là đêm đầu tiên có mặt tại bản Nậm Ti 1. Hôm đó, trời tối đen như mực; ngoài trời nhiệt độ chỉ khoảng 4-5 độ C. Chúng tôi phải bật đèn pin dựng nhà bạt dã chiến rộng gần 100m2, rồi xuống bản mượn gỗ ghép giường làm nơi ngủ nghỉ”. Do ở trên đồi cao, không có nước nên mỗi lần hành quân buổi chiều các chiến sĩ đều mang theo quần áo, để lúc về tận dụng mó nước tắm rửa ngay tại chỗ. Khó khăn là vậy, nhưng với quyết tâm cao, đến nơi cán bộ, chiến sĩ nhanh chóng ổn định nơi ăn, nghỉ để bắt tay vào nhiệm vụ.
Chúng tôi có mặt tại bản Nậm Ti 1, đúng lúc cán bộ, chiến sĩ vừa giúp dân bản hoàn thiện cây cầu gỗ dài 30m, rộng 3,5m, bắc qua con suối Nậm Ti. Ông Lò Văn Bình, Phó chủ tịch UBND xã Hua Thanh, cho biết: “Cây cầu này từng là nỗi lo sợ của dân bản vì xuống cấp, ván gãy mục, rất nguy hiểm mỗi khi qua suối. Nay có cây cầu gỗ to, rộng, nhân dân đi lại an toàn, phấn khởi lắm”. Trước đó, hơn 40 cán bộ, chiến sĩ cùng thanh niên dân bản đã băng rừng khai thác gỗ tạp, thiết kế, cưa xẻ, dầm mình trong nước nhiều ngày liền để dựng cầu.
8 giờ sáng, khi núi rừng còn chìm trong sương mù, tại bản Nậm Ti 2, Thiếu úy Nguyễn Xuân Chúc, Trung đội trưởng Trung đội 2, cùng tốp chiến sĩ khẩn trương san lấp ổ gà, cắt sống trâu, tỉa cây ven đường. Đoạn đường cách lán trại 10km nên buổi trưa, cơm hộp được đội hậu cần tiếp tế ra tận nơi, bộ đội trải áo mưa, ăn nghỉ tại chỗ. Theo Trung tá Nguyễn Gia Khuyến, Phó chủ nhiệm chính trị Trung đoàn 82: Với quyết tâm cao, sau 1 tháng chúng tôi đã tu sửa, khai thông 15km đường liên bản; giúp điểm Trường Mầm non và Trường Tiểu học xã Hua Thanh quét vôi ve 79m tường bao; đổ sân bê tông 200m2; tu sửa nhà, làm nương (300 công); tổ chức 1 điểm cắt tóc miễn phí cho nhân dân (102 lượt người)...
Theo lãnh đạo đơn vị, để chiến sĩ có cơ hội cống hiến, với tiêu chí, lựa chọn những địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn, từ năm 2015 Trung đoàn 82 đã ký kết hoạt động kết nghĩa và biên bản ghi nhớ nội dung phối hợp với huyện Điện Biên. Theo đó, thời gian qua, cùng với việc vận động nhân dân phòng, chống buôn bán, tàng trữ, vận chuyển và sử dụng trái phép chất ma túy, xóa bỏ hủ tục, phát hiện, ngăn chặn tình trạng truyền đạo trái pháp luật... trung đoàn đã giao nhiệm vụ cho đơn vị hành quân dã ngoại, tham gia giúp nhân dân xây dựng, sửa chữa các công trình phúc lợi, hướng dẫn nhân dân lao động sản xuất tại các xã khó khăn của huyện Điện Biên.
Thượng tá Cao Xuân Thành, Chính ủy Trung đoàn 82 tâm sự: “Điều dễ nhận thấy là sau mỗi đợt hành quân dã ngoại, được lao động, học tập nơi gian khó, các chiến sĩ trưởng thành hơn, chững chạc hơn, rắn rỏi hơn rất nhiều. Ngoài việc biết yêu thương, đoàn kết các em còn sống có trách nhiệm hơn với bản thân, gia đình và xã hội”.