'Ăn cơm nhà vác tù và' trong thời đại số:Bài 3: Đổi mới để theo kịp xu thế
Thời đại của công nghệ số, công nghiệp văn hóa, nông nghiệp xanh… đang tạo ra những đổi thay mạnh mẽ, đồng thời tác động đa chiều đến đời sống xã hội.
Thực tế phát triển đó đang đặt ra những vấn đề mới cho công tác Mặt trận cũng như những người “vác tù và hàng tổng” trên địa bàn Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung. Không đổi mới không thể theo kịp yêu cầu mới, nói cách khác, cán bộ Mặt trận phải đổi mới để theo kịp xu thế.
Hiệu quả từ cách tư duy mới
Để đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng khẳng định: “Mặt trận cần có sự đổi mới căn bản và đích đến là tổ chức bộ máy, cán bộ của hệ thống tổ chức Mặt trận tinh gọn, hoạt động có chất lượng, hiệu quả, phát huy vai trò trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nói chung và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố nói riêng đã và đang chủ trì phát động nhiều cuộc vận động, phong trào mới tạo động lực mạnh mẽ để các tầng lớp nhân dân phát huy khả năng sáng tạo, góp phần nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Điển hình như cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, hay phong trào “Đoàn kết, sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, hội nhập quốc tế”.
Chương trình bình chọn “Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích” của thành phố qua 14 năm vẫn là điểm nhấn trong triển khai cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, góp phần quảng bá các sản phẩm, hàng hóa Việt Nam đến người tiêu dùng trong nước và quốc tế.
Đơn cử như lần đầu tiên, tại không gian văn hóa sáng tạo Trịnh Công Sơn (quận Tây Hồ), vào tối 18-11-2023, UBND và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc theo quy mô cấp thành phố.Tại đây, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố đã tổ chức trưng bày, giới thiệu sản phẩm làng nghề, văn hóa ẩm thực, quảng bá sản phẩm du lịch đặc trưng của từng địa phương…
Tương tự tại Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp vừa diễn ra, nhiều quận, huyện đã trưng bày, triển lãm các tác phẩm nghệ thuật, cây cảnh, các gian hàng sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) tại khu vực tổ chức đại hội góp phần kích cầu tiêu thụ sản phẩm hàng Việt…
Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận Bắc Từ Liêm Văn Thúy Hoa cho biết: “Để thúc đẩy kết nối thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ các sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề, Ban Chỉ đạo “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” quận Bắc Từ Liêm từ đầu năm đến nay đã mở 2 đợt trưng bày, giới thiệu gần 100 sản phẩm OCOP tiêu biểu, sản phẩm làng nghề của địa phương”.
Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác mặt trận thôn Đồng Ké, xã Trần Phú (huyện Chương Mỹ) Nguyễn Viết Đăng, trên cương vị của mình đã tìm cách đưa bản sắc văn hóa dân tộc Mường quê hương mình vượt khỏi lũy tre làng.
“Hiện, thôn Đồng Ké đã thành lập đội văn nghệ gồm 24 người, trang bị 24 chiếc cồng chiêng và 20 bộ trang phục dân tộc Mường. Đội văn nghệ của thôn thường xuyên tham gia biểu diễn mỗi dịp lễ, tết và tại các chương trình văn hóa của địa phương, nhận được nhiều lời biểu dương, khen ngợi”, ông Nguyễn Viết Đăng chia sẻ.
Để nhận được sự hưởng ứng của nhân dân trong thôn - nơi có 82% dân số là dân tộc Mường, thông qua các buổi họp chi bộ, họp thôn và sinh hoạt của các hội đoàn thể, Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn Nguyễn Viết Đăng luôn tuyên truyền, vận động nhân dân giữ gìn và lan tỏa bản sắc văn hóa quê hương.
Đưa công nghệ số vào công tác Mặt trận
Thời đại số đòi hỏi người làm công tác mặt trận phải tiếp cận được những vấn đề mới, tạo bước chuyển mới phù hợp với thực tế và xu thế phát triển.
Bước chuyển mới này được thể hiện rõ nét tại Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các quận, huyện, thị xã nhiệm kỳ 2024-2029 vừa qua với 25/30 quận, huyện, thị xã tổ chức livestream trực tiếp các ngày làm việc của đại hội trên Fanpage Mặt trận các cấp. Hầu hết các đại hội đã mã hóa toàn bộ tài liệu bằng mã QR; báo cáo kết quả thực hiện nghị quyết đại hội được minh họa bằng phóng sự, trình chiếu hình ảnh, tạo sức lôi cuốn, sinh động; thiết kế logo (biểu trưng) riêng cho đại hội.
Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Sóc Sơn Vi Thị Bình Anh chia sẻ: “Từ việc mạnh dạn ứng dụng chuyển đổi số vào quá trình tổ chức đại hội, các tham luận đều có hình ảnh minh họa, tạo được “luồng gió mới” cho đại hội. Các đại biểu không còn cảm giác nặng nề ngồi cả tiếng đồng hồ nghe tham luận. Đại hội thành công, có sức lan tỏa lớn chính là nhờ việc áp dụng chuyển đổi số”.
Tại huyện Đan Phượng, trước khi áp dụng chuyển đổi số vào tổ chức Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện lần thứ XX, nhiệm kỳ 2024-2029, nhiều địa phương trên địa bàn đã cho ra đời mô hình “Thôn thông minh” với việc người dân thực hiện các ứng dụng dịch vụ công trực tuyến, cài đặt tài khoản thanh toán điện tử, cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng phương thức thanh toán, giao dịch thương mại điện tử...
Thực hiện mô hình này, các thôn đều thành lập Tổ công nghệ số cộng đồng để hỗ trợ bà con thực hiện chuyển đổi số. “Trong các tổ công nghệ số cộng đồng ấy, không thể thiếu vắng vai trò của Mặt trận. Cán bộ Mặt trận vừa vận động người dân triển khai ứng dụng số vào đời sống, vừa trực tiếp sử dụng các ứng dụng để vận động, tuyên truyền. Sau thành công của “Thôn thông minh”, Đan Phượng đã triển khai mô hình chuyển đổi số cấp xã”, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Đan Phượng Phạm Thị Kim Oanh cho biết.
Là cán bộ Mặt trận trẻ tuổi (34 tuổi) Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Hương Ngải (huyện Thạch Thất) Nguyễn Thị Loan xác định áp dụng công nghệ số vào hoạt động là tất yếu trong giai đoạn mới. “Nhiệm kỳ này, Mặt trận xã sẽ tăng cường triển khai họp trực tiếp kết hợp trực tuyến, triển khai công việc qua các nhóm Zalo. Trước mắt, khi địa phương thực hiện chuyển đổi số, mỗi thôn đều thành lập tổ công nghệ số, các thành viên Ban Công tác mặt trận của thôn đều nằm trong tổ này, đi tuyên truyền, vận động và giúp nhân dân cài đặt, tạo tài khoản ”.
Phường Phương Canh (quận Nam Từ Liêm) thực hiện chuyển đổi số trên 3 trụ cột: Chính quyền số, xã hội số và kinh tế số. Từ đầu năm đến nay, cán bộ Mặt trận từ phường đến các khu dân cư đã vào cuộc tích cực cùng địa phương thực hiện 4 nhiệm vụ: Xây dựng kênh Zalo OA của Đảng ủy - UBND phường; lắp đặt camera giám sát tại các điểm trục chính để bảo đảm an ninh, trật tự; xây dựng mô hình chính quyền điện tử, nâng cao sự hài lòng của người dân khi thực hiện thủ tục hành chính; thực hiện mô hình “Nhà trọ chuyển đổi số”.
Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác mặt trận tổ dân phố 5 Hòe Thị, phường Phương Canh Nguyễn Văn Trang cho biết: “Khi phường triển khai chuyển đổi số, chúng tôi đã nhập cuộc từ ngày đầu bằng việc học cách làm quen với công nghệ số - điều mà tưởng chừng những người cao tuổi không thể vượt qua được để cùng Đảng ủy, UBND phường, vận động nhân dân thực hiện mô hình “nhà trọ chuyển đổi số, lắp camera giám sát an ninh trật tự”. Đến nay, phường Phương Canh đã lắp đặt hơn 50 điểm camera giám sát an ninh tích hợp với phòng điều hành của Ban Chỉ huy Công an phường, 80% chủ nhà trọ phối hợp thực hiện “nhà trọ chuyển đổi số”.
Không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động, hệ thống Mặt trận từ cấp xã, phường, thị trấn đến cấp huyện, thành phố đều triển khai vận hành trang cộng đồng Facebook trong toàn hệ thống nhằm kịp thời thông tin, tuyên truyền các hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và tiếp thu ý kiến, phản ánh của nhân dân. Điều đó cho thấy, những người làm công tác Mặt trận Thủ đô đang từng bước bắt nhịp vào công cuộc chuyển đổi của thời đại.
Với tri thức mới và tác phong làm việc chuyên nghiệp, những người “ăn cơm nhà vác tù và trong thời đại số” sẽ nhanh nhạy và kịp thời hơn trong việc truyền tải thông tin, giúp chính quyền nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, “tiếp sức” hoàn thành các nhiệm vụ chính trị của địa phương, góp phần xây dựng Thủ đô ngày càng phát triển.
(Còn nữa)