An cư cho người dân di cư

Khoảng 25 năm trước, một số người đồng bào Mông, Tày, Nùng ở các tỉnh phía bắc như Hòa Bình, Lạng Sơn, Cao Bằng di cư vào cánh đồng lúa ở thôn Đoàn Kết, xã Ia Piơr, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai sinh sống. Dần dà, nhiều người thấy thế cũng chuyển vào đây mưu sinh.

Cuộc sống người dân thôn Đoàn Kết, xã Ia Piơr ổn định nhờ được Nhà nước quan tâm đầu tư

Cuộc sống người dân thôn Đoàn Kết, xã Ia Piơr ổn định nhờ được Nhà nước quan tâm đầu tư

Dù đất đai màu mỡ, nhưng nơi ở của các hộ còn thấp trũng, điều kiện sinh hoạt thiếu thốn. Với mong muốn giúp đồng bào có chỗ ở ổn định, Nhà nước lần lượt đầu tư 2 khu tái định cư. Khu tái định cư cho dân di cư ở thôn Đoàn Kết (xã Ia Pior, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) có địa thế bằng phẳng, một mặt giáp núi, bao quanh là đồng lúa mênh mông.

Ông Triệu Văn On, Trưởng thôn Đoàn Kết, dẫn chúng tôi đi tham quan một vòng quanh khu tái định cư. Nơi đây, nhà cửa xây dựng san sát nhau. Người dân tất bật dùng máy móc để làm đất trồng mì. Những thửa ruộng do được xây dựng kênh mương nên nước đầy ắp. Tại góc thôn, tiếng các em học sinh đánh vần vang rền núi đồi.

Dừng chân dưới bóng cây xoài đang trĩu quả, ông On vui mừng cho biết: “2 khu tái định cư được xây dựng từ năm 2004 và 2010. Bà con sau đó được di dời từ cánh đồng lúa lên đây. Khu tái định cư có đường sá, trường học, lại cao ráo, tốt hơn chỗ cũ nhiều. Nhờ ổn định chỗ ở nên bà con đã yên tâm làm ăn. Bà con đã biết dùng máy móc sản xuất trên cánh đồng lớn, hiệu quả tăng lên rõ rệt”.

Ngồi trước nhà, bà Hoàng Mùi Coi (thôn Đoàn Kết) vừa thoăn thoắt đan áo, vừa rôm rả bàn chuyện với hàng xóm về việc chọn giống bắp trồng cho năng suất cao. Bà chia sẻ: Mình quê Bắc Kạn, cuộc sống khó khăn. Thấy nhiều người rủ nhau vào thôn Đoàn Kết, mình cũng đi theo. Vào đất mới, được Nhà nước quan tâm đầu tư khu tái định cư cho dân di cư, mình rất vui. Hàng ngày mình trồng bắp, mì, lúa, cuộc sống tốt hơn ở quê cũ nhiều.

Ông Đinh Văn Dũng, Bí thư Huyện ủy Chư Prông, cho biết, nhiều dự án đã được đầu tư như làm đập dâng, kênh mương để tưới 500ha cây trồng; xây dựng trường học, nhà văn hóa… HĐND tỉnh Gia Lai cũng vừa phê duyệt 45 tỷ đồng đầu tư các hạng mục vào thôn Đoàn Kết, giúp bà con ổn định cuộc sống, nâng cao trình độ dân trí, an cư bền vững. Hiện thôn có khoảng 511 hộ và số hộ nghèo chỉ 6%. Thôn đã có chi bộ Đảng với 12 đảng viên.

Ngược về tỉnh Kon Tum, tin vui cho người dân ở các xã Đắk Long, Đắk Nhoong, Đắk Blô (huyện Đắk Glei) là tỉnh đã duyệt chi 30 tỷ đồng để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nhằm ổn định việc di dân tự do tại 3 xã này. Trong đó, năm 2023, sẽ xây dựng khu tái định cư rộng 4ha cùng các công trình giao thông, điện, cấp nước sinh hoạt, nhà sinh hoạt cộng đồng.

Ông Nguyễn Văn Hiềng, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Đắk Glei (chủ đầu tư dự án), cho biết, với 30 tỷ đồng được cấp, dự kiến đơn vị xây dựng bố trí ổn định chỗ ở cho 63 hộ ở các thôn Dục Lang (xã Đắk Long), thôn Đắk Nớ (xã Đắk Nhoong) và thôn Buôn Kon (xã Đắk Blô). Những hộ này có nhiều nguồn gốc, trong đó có một số hộ di cư từ Lào sang và đã nhập quốc tịch Việt Nam. Dự án này sẽ giúp họ an cư lạc nghiệp.

HỮU PHÚC

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/an-cu-cho-nguoi-dan-di-cu-post687818.html