An cư cho người dân vùng đất lở

Con đường từ Chiềng 2 đi vào xóm Nhàng (xã Kim Thượng, huyện Tân Sơn) đang dần hoàn thiện dài hơn 2km, nhìn từ xa như dải lụa nhỏ, chạy quanh ôm lấy sườn đồi. Tiết trời vào Thu mát dịu, những vạt bồ đề xanh mướt trên đồi đến tuổi khai thác cùng những thửa ruộng lúa uốn câu, trĩu hạt, như những gam màu tươi sáng của cuộc sống người dân nơi đây...

Đồi Nhàng có vết nứt ngang dài 100m, nguy cơ gây mất an toàn

Đồi Nhàng có vết nứt ngang dài 100m, nguy cơ gây mất an toàn

Những năm qua, cùng với sự quan tâm hỗ trợ của Đảng, Nhà nước và các cấp chính quyền, người dân xóm Nhàng đã phát huy tinh thần đoàn kết, năng động trong phát triển kinh tế. Toàn khu có 187 hộ dân, 100% người dân tộc Mường. Những năm gần đây, đời sống của bà con đã khá hơn rất nhiều, không còn nhà nào phải lo chạy ăn từng bữa trong những ngày giáp hạt. Tổng diện tích toàn khu 410ha; trong đó chỉ có 23ha đất nông nghiệp, 195ha đất lâm nghiệp, còn lại là khe suối, rừng phòng hộ.

Nhà ít đất ruộng thì trồng ngô để chăn nuôi, nhà có ruộng chủ động đưa nước về mỗi năm cấy hai vụ lúa. Nhà cửa khang trang, tiện nghi đầy đủ cũng từ gà, lợn, trâu, bò, dê và cây nguyên liệu mà ra. Chất lượng cuộc sống của bà con ngày càng được nâng lên. Tỷ lệ hộ nghèo mỗi năm đều giảm, hộ khá tăng lên. Toàn khu còn 34 hộ nghèo, 139 hộ khá giả, điển hình như nhà ông Hà Văn Minh, Hoàng Văn Minh, Hà Văn Hùng, Hà Văn Hòa, Phùng Đình Đợi, Phùng Trọng Loan... đầu tư phát triển chăn nuôi, làm dịch vụ và trồng cây nguyên liệu cho thu nhập ổn định.

Các hộ dân mong chuyển nơi ở mới

Các hộ dân mong chuyển nơi ở mới

Trưởng khu Hà Văn Thản vừa chăn nuôi lợn cắp nách, vừa nuôi vịt suối, mỗi năm thu nhập trên 100 triệu đồng cho biết: “Mình là trưởng khu mà còn nghèo, còn khổ thì làm sao nói được bà con. Nói phải đi đôi với làm, mình bảo bà con bỏ cách chăn nuôi cũ, làm ăn theo hướng đáp ứng nhu cầu thị trường, nâng cao giá trị hàng hóa. Có bột thì mới gột nên hồ, muốn thoát nghèo, phát triển kinh tế thì phải có vốn.

Vốn thì không thiếu, chỉ sợ đồng bào không quyết tâm. Nhà nước sẽ hỗ trợ vốn cho đồng bào theo 19 chương trình vốn vay của Ngân hàng Chính sách Xã hội. Có vốn rồi, đồng bào không biết cách chăn nuôi, trồng trọt, phòng bệnh cho đàn vật nuôi, cây trồng thì Nhà nước lại hỗ trợ chương trình đào tạo nghề... Các công trình nước sạch, công trình vệ sinh được đầu tư kiên cố, do đó, đồng bào biết giữ gìn vệ sinh môi trường chung, không chăn thả gia súc, phóng uế bừa bãi. Các hủ tục lạc hậu đã được loại bỏ. Đồng bào tiếp thu cái tiên tiến nhưng vẫn giữ gìn được bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Việc học của con em trong xóm đều được cha mẹ, thầy cô chăm lo.

Các cháu đến tuổi đều ra lớp, học sinh tốt nghiệp THCS thì học lên THPT, học nghề, bổ túc văn hóa. Nhiều lao động trong khu thoát ly đi làm công nhân ở các khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Nhiều bạn trẻ ở lại phát triển kinh tế gia đình VACR, xây dựng xóm làng ngày càng giầu đẹp...”.

Diện tích đất lâm nghiệp của xóm Nhàng chiếm đến gần 90% tổng diện tích đất canh tác của khu, cho nên chính quyền tuyên truyền, vận động người dân phát triển lâm nghiệp, chuyển hóa rừng cây gỗ lớn cho giá trị kinh tế cao hơn với trồng cây nguyên liệu.

Mới đây, 66 hộ dân xóm Nhàng nằm trong vùng nguy cơ sạt lở cao đón nhận tin vui, sắp được về nơi ở mới an toàn hơn, thuận tiện hơn. Chỉ tay về quả đồi trước mặt, Phó Chủ tịch UBND xã Phùng Trọng Thắng cho biết: “Năm 2017, do ảnh hưởng của trận mưa lũ lớn kéo dài đã làm cho đồi Nhàng có vết nứt ngang dài 100m, rộng 70m; nguy cơ gây mất an toàn cho hàng chục hộ sống ở khu vực đó. Thiết thực chăm lo cho sự an toàn của người dân, chính quyền các cấp đã về khảo sát và triển khai Dự án điểm định canh, định cư cho 68 hộ, nằm trong vùng có nguy cơ cao sạt lở, lũ ống, lũ quét xóm Nhàng (trong đó có 2 hộ tái định cư tại chỗ).

Các hạng mục dần được hoàn thiện, dự kiến đến tháng 11/2024 sẽ hoàn thành.

Chỗ ở mới được xây dựng cách khu ở cũ khoảng 1km tại Khú Môn có tổng diện tích 5.000m2 được khởi công cuối năm 2022 có tổng mức đầu tư trên 34,5 tỷ đồng, từ nguồn vốn dự phòng ngân sách Trung ương và vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030...”.

Là một trong 66 hộ phải di dời, chị Phùng Ánh Tuyết chia sẻ: “Chúng tôi mong ngày mong đêm Dự án hoàn thiện để ra nơi ở mới. Ở đây chúng tôi không yên tâm làm ăm mà nơm nớp lo không biến lúc nào núi lở. Không lo sao được khi mà biến đổi khí hậu, thiên tai, lũ lụt bất thường; dòng suối Nhàng hiền hòa bao quanh xóm, mang nguồn nước đến cho đồng bào canh tác sản xuất, ấy vậy mà khi mùa mưa đến, nước từ thượng nguồn đổ về đục ngàu, cuồn cuộn dâng cao đến mép bờ, có khi tràn cả ra ngoài đã làm bao phen dân bản hoảng sợ”.

Mong ước của chị Tuyết và các hộ dân đã sắp thành hiện thực. Các hạng mục san ủi nền nhà, kè bê tông, đường giao thông, rãnh thoát nước, công trình điện nước đang dần được hoàn thiện. Dự kiến đến tháng 11/2024 sẽ hoàn thành hạ tầng, đảm bảo cho các hộ dân chuyển đến sinh sống an toàn.

Thúy Hằng

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/an-cu-cho-nguoi-dan-vung-dat-lo-218987.htm