An cư, lạc nghiệp cho đồng bào dân tộc thiểu số

Những năm qua, tỉnh Thái Nguyên luôn triển khai có hiệu quả chính sách về đất đai để hỗ trợ kịp thời cho người dân vùng khó. Nhờ đó, đời sống của đồng bào ngày càng được nâng lên.

Đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Thái Nguyên từng bước thoát nghèo, xây dựng đời sống ấm no. Ảnh: Vân Khánh.

Đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Thái Nguyên từng bước thoát nghèo, xây dựng đời sống ấm no. Ảnh: Vân Khánh.

Cũng như nhiều địa phương khác trong cả nước, đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên chủ yếu sinh sống ở miền núi, nơi đất rộng, người thưa, nhưng nhiều hộ trong số đó thiếu đất ở, đất sản xuất. Đây là một trong những nguyên nhân trực tiếp dẫn đến khó thoát nghèo bền vững. Tháo gỡ vấn đề này, tỉnh Thái Nguyên đã ban hành chính sách đất đai dành cho đồng bào DTTS gắn với Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (Chương trình MTQG 1719).

Mới đây, xóm Liên Phương (xã Văn Lăng, huyện Đồng Hỷ) có 35 hộ dân nằm trong khu vực nguy hiểm, có nguy cơ sạt lở đã được bố trí nơi ở, nhà ở mới. Ông Hoàng Xuân Trường - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Văn Lăng cho biết, bà con rất vui khi khu tái định cư đang được tập trung đầu tư xây dựng. Khi hoàn thành, bà con sẽ được chuyển về nơi ở mới, an toàn, có điều kiện sống, sinh hoạt tốt hơn. Từ đó, đồng bào DTTS sẽ có thêm điều kiện vượt khó vươn lên thoát nghèo.

Cùng với việc bố trí chỗ ở cho 35 hộ dân ở Liên Phương, tỉnh Thái Nguyên đang triển khai xây dựng dự án Khu tái định cư tập trung ở Bản Tèn (cũng ở xã Văn Lăng, huyện Đồng Hỷ), để bảo đảm chỗ ở cho 30 hộ dân; dự án tái định cư tập trung xóm Tân Kim (xã Thần Sa, huyện Võ Nhai) bảo đảm chỗ ở cho 84 hộ dân. Ngoài ra, nhà máy nước hồ Núi Cốc cũng được vận hành tự động, mở rộng mạng lưới cung cấp nước sạch cho người dân nông thôn ở Thái Nguyên. Cả 3 dự án đều nằm trong Chương trình MTQG 1719. Đây được xem là một trong những chính sách đất đai, nhà ở vô cùng thiết thực dành cho đồng bào DTTS ở các địa bàn còn nhiều khó khăn đang sinh sống tại những điểm có nguy cơ sạt lở, lũ ống, lũ quét.

Nhằm nâng cao hiệu quả chính sách đất đai, Luật Đất đai năm 2024 đã được ban hành và đi vào cuộc sống. Những quy định của Luật được tỉnh Thái Nguyên cụ thể hóa theo hướng có lợi cho người dân. Để đảm bảo chính sách đi đúng hướng, Ủy ban MTTQ tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức phản biện xã hội đối với dự thảo Nghị quyết chính sách về đất đai đối với đồng bào DTTS sinh sống trên địa bàn tỉnh với sự tham vấn của các sở, ban, ngành. Qua hội nghị phản biện thấy rằng, đây là chính sách cần thiết, chính sách đặc thù, có ý nghĩa quan trọng góp phần làm chuyển biến bộ mặt nông thôn miền núi, đời sống đồng bào DTTS từng bước được cải thiện, tạo điều kiện để người dân được tiếp cận với các chính sách lớn của Đảng, Nhà nước và của tỉnh.

Sau thành công của hội nghị phản biện do MTTQ tỉnh Thái Nguyên tổ chức, tại kỳ họp thứ 20 của HĐND, tỉnh Thái Nguyên đã thông qua Nghị quyết quy định chính sách về đất đai đối với đồng bào DTTS sinh sống trên địa bàn. Nghị quyết quy định cụ thể một số nội dung hỗ trợ đất sinh hoạt cộng đồng, đất ở, đất sản xuất nông nghiệp, hỗ trợ thuê đất phi nông nghiệp không phải đất ở và nguồn kinh phí, quỹ đất thực hiện chính sách đối với đồng bào DTTS. Nghị quyết quy định đồng bào DTTS chưa có đất sinh hoạt cộng đồng; cá nhân là người DTTS không có đất ở hoặc thiếu đất ở so với hạn mức; chưa có hoặc diện tích đất nông nghiệp đang sử dụng không đủ 50% so với hạn mức giao đất nông nghiệp thì được hỗ trợ…

Ông Phan Đức Cường - Trưởng ban Dân tộc tỉnh Thái Nguyên cho biết, việc thực hiện hiệu quả chính sách đất đai đã giúp đồng bào DTTS ổn định cuộc sống, tập trung phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Đây là kết quả khả quan, khẳng định hiệu quả thiết thực từ chính sách về đất đai dành cho bà con vùng DTTS của tỉnh, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.

Phương Nguyên

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/an-cu-lac-nghiep-cho-dong-bao-dan-toc-thieu-so-10292217.html