An cư song hành sinh kế
Suốt một năm qua, các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh đã quyết liệt trong công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát, song hành cùng công tác giảm nghèo hiệu quả để người dân không chỉ an cư mà còn ổn định cuộc sống dài lâu.
Các huyện, các xã đã và đang nỗ lực xóa nhà tạm, nhà dột nát, không chỉ dựa vào nguồn lực của Nhà nước mà còn từ nguồn xã hội hóa.
Ðiển hình như xã Khánh An, huyện U Minh. Trong năm 2024, xã vận động được nguồn tài trợ xã hội hóa xây dựng 31 căn nhà cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ khó khăn tại các ấp, với tổng số tiền lên đến hơn 1,5 tỷ đồng; triển khai xây mới 1 căn và sửa chữa 8 căn theo chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát, với tổng số tiền là 300 triệu đồng. Ngoài ra, vận động 5 chiếc xe lăn cho đối tượng bảo trợ xã hội, trị giá 10 triệu đồng.
Ông Lê Tấn Nhanh, Ấp 14, xã Khánh An, là hộ nghèo từ năm 2022, đã quyết ra khỏi diện hộ nghèo trong năm 2024 nhờ sự hỗ trợ hết lòng từ Ðảng ủy, UBND xã Khánh An. Ông được hỗ trợ tiền xây nhà mới là 50 triệu đồng do Công ty Thương nghiệp Cà Mau tài trợ. Ông Nhanh chia sẻ: "Tết này tôi sẽ có nhà khang trang đón Tết nên rất mừng. Ngoài ra, tôi cũng được hỗ trợ thêm vốn để trồng trọt, chăn nuôi tại nhà. Tôi thấy phấn khởi vì vừa có nhà vừa tự kiếm được đồng vô đồng ra. Lớn tuổi nhưng có điều kiện làm ăn phù hợp với mình từ các trợ giúp lẫn mô hình từ xã hướng dẫn, tôi tự tin thoát nghèo".
Bên cạnh việc xóa nhà tạm, nhà dột nát, xã Khánh An còn nỗ lực trong công tác giảm nghèo bền vững, tìm những giải pháp để xóa nghèo phải từ gốc. Kết quả, từ năm 2023-2024, xã giảm từ 72 hộ nghèo xuống còn 31 hộ nghèo, chiếm 0,6% và hộ cận nghèo từ 34 hộ giảm còn 29 hộ, chiếm 0,64%. Ðảng ủy, UBND xã phấn đấu trong năm 2025 giảm 50% hộ nghèo lẫn cận nghèo.
Ông Ngô Thanh Phong, Chủ tịch UBND xã, cho biết: “Xã sẽ rà soát, phân loại hộ nghèo. Ví dụ, đối với hộ còn trong độ tuổi lao động, xã sẽ liên hệ với các doanh nghiệp trên địa bàn để hỗ trợ xin việc làm tại địa phương, hoặc hỗ trợ làm hồ sơ lao động gửi Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh để đưa đến các doanh nghiệp ngoài tỉnh. Nếu có người thân ở TP Hồ Chí Minh, chúng tôi sẽ liên hệ với những người thân đó để nhờ họ tìm việc làm ở Bình Dương hoặc TP Hồ Chí Minh giúp người lao động. Ðối với hộ nghèo còn khả năng đầu tư chăn nuôi, sản xuất, xã hỗ trợ vay nguồn vốn Ngân hàng Chính sách xã hội để chăn nuôi nhỏ. Ðối với những đối tượng già yếu, không lao động được thì có giải pháp riêng là lao động tại nhà như nuôi cá, bán buôn nhỏ”.
Xã Khánh An nói riêng, huyện U Minh nói chung đang là địa phương có công tác giảm nghèo đạt nhiều kết quả khả quan. Năm 2024, U Minh giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 2,7% (năm 2023 là 1.238 hộ nghèo, năm 2024 còn 723 hộ). UBND huyện đã thực hiện nhiều giải pháp, thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc qua về giảm nghèo bền vững, cùng với phát động chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát. Phó chủ tịch UBND huyện Nguyễn Thanh Liêm cho biết: “Chúng tôi thực hiện chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát theo 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 hoàn thành 75 căn trong năm 2024, phần còn lại phải thực hiện xong đến tháng 8/2025. Song song đó, chúng tôi cũng tiến hành nhiều giải pháp giúp các hộ nghèo, hộ cận nghèo có công ăn việc làm, sinh kế ổn định từ các mô hình trồng trọt, chăn nuôi..., hướng đến việc an cư và ổn định cuộc sống. Vì nếu có nhà cửa nhưng không có công ăn việc làm tạo được kinh tế thì cũng không thể xóa nghèo bền vững".
Xóa nhà tạm, nhà dột nát là chủ trương lớn của Ðảng, Nhà nước. Tuy nhiên, an cư phải song hành với lạc nghiệp, ổn định cuộc sống. Như phát biểu của ông Nguyễn Quốc Thanh, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tại cuộc họp tổng kết 9 tháng về giảm nghèo: “Xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người dân có nơi ăn chốn ở ổn định là điều cần thiết, nhưng phải biết cách tạo "cần câu" để các hộ nghèo, cận nghèo... làm kinh tế, có công việc ngay chính tại địa phương thì càng quan trọng hơn. Không phải chỉ cho họ cái nhà tươm tất là xóa nghèo. Có nhà nhưng bình quân thu nhập không tăng thì không được gọi xóa nghèo bền vững".
Ông Nguyễn Quốc Thanh cũng chia sẻ điều phấn khởi: "Qua kiểm tra nhiều địa phương, tôi mừng khi nhiều nơi báo cáo đúng thực tiễn tình hình. Dù nhiều huyện, xã còn nhiều hộ nghèo, cận nghèo, thậm chí không đạt chỉ tiêu đề ra, nhưng các hộ nghèo, cận nghèo được báo cáo xóa trắng lại có cuộc sống rất ổn định, thu nhập tốt, nghĩa là họ xóa nghèo thực chất, không thành tích”.
Tính đến trung tuần tháng 12/2024, toàn tỉnh còn 4.400 căn nhà tạm, dột nát, trong đó cần xây mới 3.463 căn, sửa chữa 937 căn, với tổng kinh phí thực hiện ước tính 236 tỷ đồng. Trong số đó, đối tượng hộ nghèo chiếm 1.322 căn, đối tượng hộ cận nghèo chiếm 1.566 căn. Ðồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HÐND tỉnh Nguyễn Tiến Hải khẳng định, xóa nhà tạm, nhà dột nát cần triển khai đúng kế hoạch đề ra, nhưng cũng phải linh động và có giải pháp cụ thể đối với giảm nghèo, tạo sinh kế cho các hộ có nhà. Ðồng thời đề nghị, các địa phương rà soát và triển khai xây dựng, sửa chữa nhà ở cho những hộ đủ điều kiện, đảm bảo hoàn thành trước tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025./.
Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/an-cu-song-hanh-sinh-ke-a36459.html