Ăn của rừng rưng rưng nước mắt

'Ăn của rừng rưng rưng nước mắt', âu đó cũng những gì chúng ta đã và đang phải trả giá cho lòng tham của mình khi quyết đánh đổi, tàn sát thiên nhiên trong suốt nhiều năm để đổi lấy tiền.

Bởi ai đó đã nói rằng, nếu cứ san núi bạt rừng, bới đất lật cỏ lên mãi thì chỉ còn có mỗi âm ty và địa ngục.

Mấy ngày nay, các tỉnh miền Bắc, đặc biệt là Thanh Hóa phải hứng chịu hậu quả hết sức nặng nề của cơn bão số 3. Uớc tính đến chiều 6/8 đã có đến 21 người chết và mất tích; hơn 500 ngôi nhà hư hỏng; hàng ngàn, hàng vạn người dân đã và đang phải đối mặt với quá nhiều hiểm nguy, khốn khó...

Điều đáng nói đây không phải là lần đầu tiên người dân cả nước phải chứng kiến đồng bào oằn mình chống chọi với thiên nhiên.

Có những năm, nước lũ dâng cao hàng chục mét, dìm bằng hết nhà cửa, trâu bò, bờ xôi ruộng mật với hàng triệu bữa ăn của đồng bào vào trong bụng nước. Ca nô, tàu cứu hộ tẽ nước chạy phành phành trên hàng loạt các khoảng không vốn là mái nhà, vườn cây, ao cá để tìm cứu người mắc nạn.

Nhưng liệu ai có thể còn sống giữa biển nước mênh mông, lút cả cột điện, ngọn xoan vòi vọi giữa núi xanh mây trắng?

“Ăn của rừng rưng rưng nước mắt”, âu đó cũng những gì chúng ta đã và đang phải trả giá cho lòng tham của mình khi quyết đánh đổi, tàn sát thiên nhiên trong suốt nhiều năm để đổi lấy tiền. Bởi ai đó đã nói rằng, nếu cứ san núi bạt rừng, bới đất lật cỏ lên mãi thì chỉ còn có mỗi âm ty và địa ngục.

Rừng bị tàn phá ở nhiều nơi

Rừng bị tàn phá ở nhiều nơi

Mới cách đây vài năm, tôi đã từng mất nhiều ngày nhiều giờ, gặn chắt đến chút sức lực cuối cùng để băng qua Thập tầng đại sơn A Pa Chải. Khi đi mướt mải trong những trảng rừng cổ thụ cây nào cây nấy đều cành lá la đà, nghều ngào, mềm mụp phủ đầy rêu, tôi đã từng nghĩ, cả một gầm trời toàn rừng và muông thú nhởn nhơ kia, nó có thể cải tạo, thu phục, làm thay đổi nhân sinh quan, thế giới quan của bạn một cách màu nhiệm nhất.

Lạc vào đó, bạn như kẻ mê muội được thứ ánh sáng thánh thần trong vắt nào đó gột rửa khỏi mọi ti tiện, ganh ghét, tị hiềm, hiếp đáp.

Ấy thế mà chỉ trong vài năm, diện tích rừng A Pa Chải giảm đến hàng vạn hecta. Toàn những đinh lim, sến, táu, mà mỗi thân cây đều là một kho tàng, một cuốn lịch biên niên của mấy trăm năm gió lớn, rét buốt và nắng nỏ bị người ta xẻ thịt. Máu rừng luênh loang chảy…

Và, không chỉ riêng A Pa Chải mà hầu hết những cánh rừng nguyên sinh nằm dọc dài biên giới phía Bắc rồi men theo dãy Trường Sơn kéo mãi vào đến Tây Nguyên, hút lên tận Bờ Y, tất cả đều cùng chung số phận.

Lâm tặc như chuột chũi, sống chui sống lủi, thỉnh thoảng lại ăn trộm một cây cổ thụ. Chúng dùng cưa máy có hệ thống giảm thanh, như súng giảm thanh trong phim hành động. Chúng cưa vài phút ngã một cây gỗ đường kính cả mét, cứng như sắt thép, nhưng không gây ra tiếng động nào đáng kể.

Chúng cắm hệ thống “ống xả” của cưa máy vào… nước suối. Khi cưa, chỉ ùng ục tiếng giãy chết của rừng già.

Không còn vòng tay che chở của đại ngàn, phận người chỉ như cỏ rác

Không còn vòng tay che chở của đại ngàn, phận người chỉ như cỏ rác

Chúng đẵn gỗ, bỏ lại trong rừng, bao giờ cây rêu mốc, ải mục vỏ rồi mới lên khiêng dần về. Cán bộ tóm được thì bảo: “Ta chỉ đi thu lượm cây ngã đổ thôi. Gió bão nó phá rừng mà, chứ có phải ta phá đâu?!”.

Thậm chí, có những cán bộ tỉnh, huyện, xã, kiểm lâm, biên phòng thoái hóa còn tận lực tiếp tay cho lâm tặc. Không chỉ cung cấp tiền bạc, lương thực, dầu gạo mắm muối, có khi họ còn làm ra đa, “chim lợn”, nhắn tin cho cho đám phá rừng trước mỗi đợt “ra quân” của lực lượng chức năng.

Thực tế cũng đã chứng minh điều đó, khi đã có quá nhiều cán bộ bị vạch mặt, bị đưa ra trước vành móng ngựa vì tội “bắt tay” hay “chống lưng” cho lâm tặc phá rừng.

Khi chính những người “được trả lương để giữ rừng” lại không muốn giữ, hoặc muốn phá thì rừng không bị “chảy máu” mới là chuyện lạ.

Mỗi khi rừng bị tàn sát, người ta hay vin vào cái cớ giờ lâm tặc tinh vi, liều lĩnh lắm, chúng tôi lực lượng mỏng, trang thiết bị vừa thiếu, vừa yếu. Biết đấy, cố gắng rồi đấy, nhưng lực bất tòng tâm. Thế là... hòa cả làng.

Không phải ngẫu nhiên mà lâu nay vẫn tồn tại một sự thật: Khi phát hiện ra các vụ phá rừng, phần lớn người dân đều báo cho… nhà báo hoặc quan chức cấp trung ương, chứ chả mấy khi họ thông tin cho cán bộ thôn, xã, huyện, tỉnh. Vì sao như vậy? Đó là bởi họ đã mất niềm tin vào chính quyền cơ sở.

Ngay cả khi nhà báo về điều tra, chính quyền hay các lực lượng chức năng ở nhiều nơi còn tìm mọi cách làm khó dễ, thậm chí là dùng cả vũ lực để ngăn cản họ tiếp cận hiện trường. Hoặc có báo cáo, cung cấp thông tin cũng chỉ rặt những chối đẩy, bao biện hay lấp liếm kiểu như làm gì có chuyện đó, rừng còn xanh ngằn ngặt thế kia, phá đâu mà phá.

Thế nhưng, có những trận bão, gỗ bị nước lũ cuốn đi rồi đem phơi phủ khắp các cánh đồng, rông núi, ven sông. Thế là bao gian dối, lấp liếm bỗng… “cháy nhà mới ra mặt chuột”.

Rất nhiều gỗ đã được người dân vớt từ giữa dòng sông Mã trong mấy ngày vừa qua

Rất nhiều gỗ đã được người dân vớt từ giữa dòng sông Mã trong mấy ngày vừa qua

Và cũng chả phải vô cớ mà cứ sau mỗi đợt lũ về, người dân lại ùn ùn rủ nhau đi vớt gỗ. Như ở Thanh Hóa mấy ngày vừa qua, dù nước trên sông Mã lên cao, chảy cuồn cuộn, thế nhưng vẫn có nhiều người dân ở các huyện Quan Hóa, Bá Thước, Hoằng Hóa… vẫn liều mình bơi xuồng ra giữa dòng tìm đinh lim sến táu...

Từ trước đến nay, đã có quá nhiều cái chết tang thương vì gỗ chìm trong lũ. Bởi, khi những cây gỗ lớn trôi trong bụng dòng nước, nó sẽ tạo ra sức mạnh kinh thiên, giúp thiên nhiên trả vố con người. Ví như trận lũ lịch sử năm 2004, xảy ra ở Sủng Hoảng (Phìn Ngan, Bát Xát, Lào Cai).

Vào một đêm mưa, cả ngàn mét khối đất núi, khi đó tan rữa trong nước như một thứ nước súp bùn đặc sệt, dội xuống như thác. Kèm theo mưa không kịp vuốt mặt, những tảng đá, khúc gỗ ầm ầm lao xuống như đàn thú chạy trối chết trong cơn động rừng.

Bốn ngôi nhà nằm dưới những chân ruộng bậc thang đẹp như tranh biến mất trong thứ lũ đá, lũ bùn, lũ của một thiên nhiên phẫn nộ. 23 con người chết vùi trong đất, trong đó có những đứa trẻ tay vẫn còn cầm thìa, miệng vẫn đương bú mẹ. Đó là ngày đại tang của Sủng Hoảng, của Phìn Ngan...

Quả thật, khi không còn vòng tay che chở của đại ngàn, trước những cơn cuồng nộ của thiên nhiên, phận người chỉ như cỏ rác.

Chừng nào chúng ta còn dùng những lý luận chỉ đủ lừa trẻ lên ba để trả lời công luận, để làm chiếu lệ lấp liếm kiểu đổ gáo nước lạnh vào sự tử tế của những người yêu thương và tri ân rừng, thì rừng còn bị phá, phá cho đến lúc không còn gì để phá nữa thì thôi. Lúc đó, chắc chắn chúng ta sẽ còn phải hứng chịu thêm rất nhiều nỗi đau và mất mát.

T.Thành

Nguồn CL&XH: http://conglyxahoi.net.vn/phong-su/an-cua-rung-rung-rung-nuoc-mat-23321.html