Ấn Độ ban hành gói kích thích kinh tế lần thứ 2

Ngày 12/10, bà Nirmala Sitharaman - Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ - đã công bố gói kích thích kinh tế lần thứ 2 trị giá 467 tỷ Rupi (khoảng 6,5 tỷ USD, tương đương 0,2% GDP) để kích thích nhu cầu tiêu dùng, trong đó có việc trả trước một phần tiền lương của nhân viên chính phủ liên bang và các khoản vay không lãi suất cho các bang, nhằm mục đích thúc đẩy chi tiêu tiêu dùng trong mùa lễ hội của Ấn Độ và tăng chi tiêu vốn.

Theo đó, Chính phủ sẽ cho phép các nhân viên chi tiền trợ cấp đi lại được miễn thuế vào việc mua hàng hóa và dịch vụ, đồng thời, Ấn Độ cũng sẽ thúc đẩy đầu tư bằng việc chi thêm 250 tỷ Rupi (3,4 tỷ USD) vào các dự án đường sá, cảng, phát triển đô thị và quốc phòng, và cung cấp các khoản vay không lãi suất thời hạn 50 năm trị giá 120 tỷ Rupi cho các chính quyền bang để chi tiêu vào cơ sở hạ tầng trước ngày 31/3/2021.

Ấn Độ kỳ vọng các biện pháp này sẽ tạo ra nhu cầu bổ sung ở mức 730 tỷ Rupi, khoảng 10 tỷ USD, và gói kích thích này sẽ không làm xấu thêm tình trạng thâm hụt ngân sách do chính phủ liên bang phải vay thêm bất kỳ khoản tiền nào.

Tuy nhiên, các tổ chức tài chính và các chuyên gia kinh tế không đánh giá cao gói kích thích kinh tế 2.0 này.

Ngày 15/10, cơ quan xếp hạng tín nhiệm Moody’s cho rằng, gói kích thích kinh tế thứ hai của Ấn Độ ban hành ngày 12/10 vừa qua sẽ không giúp ích nhiều cho nền kinh tế Ấn Độ vốn đang bị tổn thương nặng nề bởi đại dịch Covid 19. Việc chính phủ hy vọng kích thích kinh tế mới sẽ tăng thêm khoảng 0,5% GDP, một mức tăng nhỏ so với mức giảm 11,5% của GDP thực tế cho năm tài chính kết thúc vào tháng 3/2021, niềm tin của người tiêu dùng vẫn giảm.

Tổng giá trị hai gói kích thích của chính phủ cho hỗ trợ tài chính chỉ chiếm 1,2% GDP, con số này quá nhỏ so với mức trung bình khoảng 2,5% GDP của các quốc gia đồng cấp được xếp hạng BAA-. Cơ quan này cho biết, mặc dù đợt kích thích mới nhất sẽ thúc đẩy chi tiêu của người tiêu dùng trong thời gian tới khi các biện pháp giãn cách xã hội tiếp tục được nới lỏng và mùa lễ hội của Ấn Độ bắt đầu, nhưng sự hỗ trợ cho tăng trưởng sẽ rất ít.

Chính phủ của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi hiện đang nỗ lực mở cửa hoàn toàn để thúc đẩy nền kinh tế trước mùa lễ hội, là khoảng thời gian chứng kiến hoạt động tiêu dùng ở mức cao. Ấn Độ đã áp đặt lệnh phong tỏa toàn quốc nghiêm ngặt từ cuối tháng 3/2020 nhằm ngăn chặn sự lây lan của Corona virus, đến nay đã trải qua 5 giai đoạn mở cửa trở lại nền kinh tế. Chính phủ Ấn Độ tháng trước khẳng định sẽ duy trì mục tiêu vay vốn ở mức 12.000 tỷ Rupi trong năm tài chính hiện tại kết thúc vào tháng 3/2021, so với 7.800 tỷ Rupi ước tính trước đó.

Các nhà kinh tế không mấy ấn tượng với gói kích thích kinh tế mới nhất nhằm thúc đẩy nhu cầu trong nước trị giá khoảng 10 tỷ USD của Ấn Độ, và có một số ý kiến nghi ngờ về hiệu quả của các biện pháp mới này trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Ấn Độ trong dài hạn.

Bà Sonal Varma và ông Aurodeep Nandi, các nhà kinh tế Ấn Độ cho rằng, quy mô gói kích thích kinh tế mới nhất của Ấn Độ không quá lớn, theo đó tính hiệu quả của gói kích thích này lên tăng trưởng là khá hạn chế. Với quy mô của các đợt hỗ trợ tài chính, tương đương 1,2% GDP là quá nhỏ để có thể mang lại cú huých đối với tăng trưởng kinh tế Ấn Độ và cho thấy tình hình tài chính yếu kém hiện nay của nước này.

Các nhà kinh tế cho rằng Chính phủ Ấn Độ đã miễn cưỡng công bố gói kích thích tài chính trên do lo ngại các biện pháp phong tỏa đang áp dụng sẽ làm giảm hiệu quả của các biện pháp được triển khai để thúc đẩy các hoạt động kinh tế. Trong khi đó, bà Aditi Nayar, nhà kinh tế thuộc cơ quan xếp hạng tín dụng ICRA, một chi nhánh của Moody's tại Ấn Độ, nói rằng các kế hoạch mới sẽ mang đến sự thúc đẩy tạm thời đối với tâm lý người tiêu dùng và hoạt động kinh tế.

Các nhà kinh tế cho hay Ấn Độ có rất ít dư địa để tăng quy mô gói kích thích kinh tế mà không làm xấu thêm tình trạng thâm hụt ngân sách.

Bùi Trung Thướng - Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/an-do-ban-hanh-goi-kich-thich-kinh-te-lan-thu-2-145633.html