Ấn Độ bảo vệ quyền được mua vũ khí của Nga
Bất chấp đe dọa trừng phạt từ Mỹ, Ấn Độ đã bảo vệ quyền của mình trong việc mua hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga.
Ngày 1-10, AFP đưa tin, phát biểu với báo giới trong chuyến thăm Washington, Ngoại trưởng Ấn Độ S. Jaishankar tuyên bố New Delhi luôn giữ vững lập trường rằng, việc mua sắm và lựa chọn nhà cung cấp thiết bị quân sự hoàn toàn là quyền chủ quyền. “Chúng tôi không muốn bất cứ quốc gia nào bảo chúng tôi nên mua hoặc không nên mua những gì của Nga, cũng như không muốn bất cứ quốc gia nào bảo chúng tôi nên mua hoặc không nên mua từ Mỹ. Chúng tôi có tự do lựa chọn và chúng tôi cho rằng đó là lợi ích của tất cả các bên khi công nhận điều đó”, Ngoại trưởng S. Jaishankar nêu rõ. Người đứng đầu ngành ngoại giao Ấn Độ cho biết, New Delhi đang thảo luận những quan ngại của phía Mỹ, song từ chối dự báo về quyết định cuối cùng liên quan tới số phận thương vụ S-400 với Nga.
Hồi tháng 10-2018, Moscow và New Delhi đã ký kết thỏa thuận về việc Nga cung cấp cho Ấn Độ 5 trung đoàn tên lửa S-400 trị giá hơn 5 tỷ USD. Đây là thỏa thuận lớn nhất trong lịch sử cơ quan xuất khẩu vũ khí của Nga (Rosoboronexport). Việc mua hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga là một phần trong chương trình hiện đại hóa quân sự trị giá 100 tỷ USD của Ấn Độ. TASS dẫn lời Phó thủ tướng Nga Yuri Borisov cho biết, Ấn Độ sẽ bắt đầu tiếp nhận các hệ thống S-400 trong năm 2020. Trong khi đó, hãng thông tấn PTI đưa tin kế hoạch bàn giao S-400 cho Ấn Độ sẽ hoàn tất vào tháng 4-2023.
Cùng với Belarus, Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ trở thành quốc gia thứ 4 trong danh sách sẽ được Nga chuyển giao hệ thống S-400. Trước đó, Nhà Trắng xác nhận, Thổ Nhĩ Kỳ không còn cơ hội tham gia vào chương trình chế tạo máy bay tiêm kích tàng hình F-35 của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sau khi Ankara mua hệ thống S-400 của Nga trong khi Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho biết, Washington đang cân nhắc khả năng trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ liên quan tới thương vụ này.
Tạp chí National Interest đánh giá hệ thống S-400 chính là yếu tố làm “thay đổi cuộc chơi” thực sự vì có thể phóng các loại tên lửa đánh chặn khác nhau, gồm tên lửa có tầm bắn rất xa 40N6E (400km), tầm xa 48N6 (250km) và 9M96E2 (120km), tầm ngắn 9M96E (40km). Chuyên gia hàng không vũ trụ hàng đầu thế giới Carlo Kopp cho biết, tổ hợp S-400 có các radar được thiết kế để phát hiện, tiêu diệt các máy bay tàng hình hiện đại như F-22 và F-35. Ngoài khả năng đối phó với các máy bay tàng hình, tổ hợp S-400 còn có thể đe dọa những mục tiêu như máy bay cảnh báo sớm E-3 Sentry, vốn thường hoạt động ngoài tầm bắn của các hệ thống phòng không đối phương. “Tổ hợp S-400 của Nga hiện chưa có đối thủ thực sự xứng tầm từ Mỹ. Washington nên lo lắng khi tổ hợp S-400 ngày càng phổ biến trên thế giới trước khi mọi chuyện trở nên quá tệ và quá muộn”, tạp chí National Interest nhấn mạnh.
Trên thực tế, Mỹ đã luôn tìm cách ngăn chặn các nước thực hiện các thương vụ vũ khí lớn với Nga bằng việc ban hành Đạo luật chống đối thủ của Mỹ thông qua cấm vận (CAATSA) vào năm 2017. Đạo luật này cho phép Washington trừng phạt kinh tế nhằm vào những quốc gia thực hiện hợp đồng mua bán vũ khí quy mô lớn với Moscow. Tuy nhiên, tạp chí National Interest cho rằng, ít có khả năng Mỹ áp đặt trừng phạt đối với Ấn Độ liên quan tới thương vụ S-400 bởi quốc gia Nam Á này là thị trường vũ khí có tiềm năng rất lớn. Theo báo cáo của Viện nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), ngân sách quốc phòng của Ấn Độ trong năm 2017 lên đến 52,5 tỷ USD, trở thành quốc gia có ngân sách quốc phòng lớn thứ 5 thế giới. “Mỹ sẽ phải tiếp tục tỏ ra kiên nhẫn trong việc làm sâu sắc mối quan hệ với Ấn Độ trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng, thậm chí phải làm ngơ trước các biện pháp trừng phạt do chính họ đặt ra, kể cả khi New Delhi tiếp tục duy trì quan hệ trong lĩnh vực quân sự với Moscow”, tạp chí National Interest nhận định.