Viện Công nghệ Đại dương Quốc gia Ấn Độ (NIOT) thông báo đã xác định được vị trí chiếc máy bay vận tải An-32 số hiệu K-2743 mất tích, hiện phương tiện đang nằm dưới đáy biển, cách bờ biển Chennai khoảng 310 km.
Thông báo chính thức từ Bộ Quốc phòng Ấn Độ nói thêm, việc khảo sát được thực hiện ở độ sâu 3.400 mét bằng cách sử dụng nhiều thiết bị khác nhau như sonar đa tia, sonar khẩu độ tổng hợp và ảnh có độ phân giải cao.
Đại diện Không quân Ấn Độ (IAF) sau đó khẳng định: "Những hình ảnh thu về đã được nghiên cứu kỹ lưỡng và tìm thấy sự tương ứng với máy bay vận tải An-32".
"Phát hiện này diễn ra tại địa điểm có thể đã xảy ra vụ tai nạn, không có ghi chép nào khác về sự biến mất của bất kỳ máy bay nào khác trong cùng khu vực, cho thấy mảnh vỡ nhiều khả năng thuộc về chiếc An-32 số hiệu K-2743 của IAF đã bị rơi".
Mảnh vỡ chiếc An-32 được tìm thấy bởi tàu lặn không người lái Ocean Mineral Explorer 6000 do công ty Kongsberg Maritime chế tạo. Phương tiện nói trên được thả xuống gần vị trí cuối cùng được biết của chiếc máy bay mất tích và đã tìm thấy bằng chứng quan trọng.
Cần nhắc lại, vào buổi sáng ngày 22/7/2016, một chiếc An-32 của IAF cất cánh từ căn cứ không quân Tambaram ở Chennai với 29 người trên máy bay, bao gồm cả phi hành đoàn.
Sau khi cất cánh từ Chennai vào khoảng 8 giờ sáng, máy bay dự kiến sẽ hạ cánh tại căn cứ của Lực lượng Hàng không Hải quân Ấn Độ mang tên Utkrosh ở Port Blair.
Nhưng ít lâu sau khi cất cánh, khi đang bay qua Vịnh Bengal, chiếc An-32 đã biến mất khỏi màn hình radar. Một chiến dịch tìm kiếm cứu nạn lớn nhất trong lịch sử Ấn Độ đã được triển khai nhưng gần 8 năm sau mới có kết quả.
Máy bay vận tải cánh quạt An-32 được xem là bản nâng cấp của chiếc An-26 với động cơ mạnh mẽ hơn (gần gấp đôi), thường đảm nhiệm vai trò chuyên chở hàng hóa cũng như con người di chuyển các quãng đường ngắn.
Vận tải cơ An-32 có chiều dài 23,78 m; sải cánh 29,2 m; chiều cao 8,75 m; diện tích cánh 75 m2; trọng lượng rỗng 16.800 kg; trọng lượng cất cánh tối đa 27.000 kg.
Chiếc An-32 được lắp 2 động cơ cánh quạt ZMKB Progress AI-20DM công suất 3.812 kW (5.112 mã lực) mỗi chiếc cho vận tốc lớn nhất 540 km/h, vận tốc hành trình 480 km/h, tầm bay 2.500 km, trần bay 9.500 m.
Máy bay được điều khiển bởi phi hành đoàn bao gồm 3 người, khoang chở quân có sức chứa lên tới 50 binh sĩ hoặc 24 cáng cứu thương.
Các máy bay vận tải An-32 hiện vẫn còn hoạt động trong lực lượng không quân một số quốc gia. Hiện nay có khoảng 240 chiếc vẫn đang phục vụ trên toàn thế giới, trong tổng số 357 chiếc đã xuất xưởng.
Hầu hết các quốc gia có điều kiện thời tiết xấu thường đặt mua máy bay vận tải hạng nhẹ An-32 do đặc tính bay đặc biệt đáng tin cậy của nó.
Được biết hiện tại ngay cả Không quân Nga cũng đang sử dụng những chiếc máy bay vận tải An-32, cùng với thế hệ trước của nó là dòng An-26 với số lượng tương đối lớn.
Thêm một chi tiết đáng chú ý nữa, đơn giá của máy bay vận tải An-32 tại thời điểm đầu những năm 2000 chỉ từ 6 triệu đến 9 triệu USD một chiếc, con số rẻ đến mức rất khó đối thủ nào cạnh tranh nổi.