Ấn Độ cân nhắc trang bị pháo tự hành diệt tăng Sprut

Theo thông tin từ Bộ Quốc phòng Ấn Độ, New Delhi đang tính toán phương án đặt mua dòng pháo tự hành diệt tăng Sprut (tạm dịch: Bạch tuộc) của Nga.

Giới chức quân sự Ấn Độ cho biết, dòng pháo tự hành Sprut với trọng lượng nhẹ và khả năng cơ động cao phù hợp với việc hoạt động ở vùng núi cao như tại Ladakh. Cùng với đó, Sprut sử dụng đạn tương tự như các dòng xe tăng T-72 và T-90S nên khả năng tương thích với bộ máy hậu cần của Ấn Độ là rất dễ dàng.

Tờ The Time of India đăng tải, quân đội Ấn Độ đã tìm kiếm dòng xe tăng hạng nhẹ mới trong vài năm qua. Tuy nhiên, các yêu cầu về hỏa lực mạnh, khả năng hoạt động phù hợp ở vùng núi sao khiến sự lựa chọn của New Delhi bị giới hạn. Quyết định đặt mua dòng pháo tự hành diệt tăng Sprut của Nga được đẩy nhanh trong thời gian gần đây khi nó là phương án tối ưu giữa hỏa lực, khả năng tương thích và giá thành.

 Pháo tự hành diệt tăng Sprut có thể thay thế vai trò của các dòng xe tăng hạng nhẹ với hỏa lực của dòng xe tăng chủ lực hiện đại.

Pháo tự hành diệt tăng Sprut có thể thay thế vai trò của các dòng xe tăng hạng nhẹ với hỏa lực của dòng xe tăng chủ lực hiện đại.

Cùng với Sprut, quân đội Ấn Độ cũng thông qua một loạt chương trình mua sắm quân sự khẩn cấp khác, trong đó có thiết bị bay không người lái từ Israel, súng trường tấn công Sig Sauer của Đức và các tổ hợp vũ khí phòng không di động mới…

Pháo tự hành diệt tăng Sprut được thiết kế theo học thuyết Liên Xô về phương tiện chiến đấu cơ động cao, mang hỏa lực mạnh để hỗ trợ bộ binh và tiêu diệt các phương tiện thiết giáp hạng nặng của đối phương với chi phí thấp. Sprut hiện là dòng xe chiến đấu hỗ trợ hỏa lực mạnh nhất thế giới hiện nay. Do dùng chung nòng pháo tăng cỡ 125mm với các dòng xe tăng chủ chiến hiện đại của Nga, nó có sức mạnh hỏa lực tương đương. Mặt khác, việc sử dụng khung gầm thiết giáp hạng nhẹ giúp Sprut có thể dễ dàng cho vận chuyển bằng đường biển, đường không và khả năng lội nước. Đặc điểm cơ động giúp giúp bù lại điểm yếu về vỏ giáp của dòng pháo tự hành diệt tăng này.

Pháo tự hành chống tăng xuất hiện lần đầu tiên trong chiến tranh thế giới lần thứ 2 với mục tiêu lấp đầy khoảng trống hỏa lực khi quá trình sản xuất không thể bù đắp kịp số lượng xe tăng bị thiệt hại trong chiến đấu. Trên thế giới cũng có nhiều quốc gia phát triển pháo tự hành diệt tăng theo hướng này, nhưng do hạn chế về khung gầm xe chiến đấu, pháo chính của các dòng xe chiến đấu nói trên thường là các loại pháo tự động cỡ nhỏ và uy lực kém.

 Khả năng cơ động cao trên nhiều loại địa hình khác nhau tạo ra ưu thế cho Sprut trên chiến trường.

Khả năng cơ động cao trên nhiều loại địa hình khác nhau tạo ra ưu thế cho Sprut trên chiến trường.

Hiện tại, pháo tự hành chống tăng Sprut cũng nhận được sự quan tâm của nhiều quốc gia trên thế giới với nhiệm vụ cung cấp hỏa lực hỗ trợ cho lực lượng lính thủy đánh bộ.

TUẤN SƠN (theo Defense News)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/tin-tuc/an-do-can-nhac-trang-bi-phao-tu-hanh-diet-tang-sprut-627311