Ấn Độ: Cho phép xuất khẩu các lô gạo tẻ đã đóng thuế, cấp hạn ngạch xuất khẩu gạo
Chính phủ Ấn Độ vừa cho phép xuất cảng các lô gạo tẻ trắng đã đóng thuế xuất khẩu trước ngày 20/7/2023 nhưng bị kẹt lại tại các cảng do nước này đột ngột áp dụng biện pháp cấm xuất khẩu gạo.
Hãng tin Reuters cho biết Bộ Thương mại Ấn Độ vừa quyết định cho phép xuất cảng các lô gạo tẻ trắng mà các doanh nghiệp xuất khẩu gạo đã đóng thuế xuất khẩu trước ngày 20/7/2023 - thời điểm Ấn Độ áp dụng lệnh cấm xuất khẩu toàn bộ các loại gạo tẻ. Gạo tẻ vốn chiếm đến 80% tổng sản lượng xuất khẩu gạo hàng năm của Ấn Độ. Trước thời điểm lệnh cấm xuất khẩu được áp dụng, các lô gạo xuất khẩu của nước này bị áp thuế lên tới 20%.
Chủ tịch Liên đoàn các nhà xuất khẩu gạo Ấn Độ, ông Prem Garg cho biết, quyết định mới của Bộ Thương mại Ấn Độ sẽ giúp khoảng 150.000 tấn gạo tẻ trắng vốn đang bị kẹt tại các cảng của Ấn Độ được vận chuyển đến khách hàng, qua đó giải tỏa rủi ro thiệt hại đối với các nhà xuất khẩu Ấn Độ.
Theo ông Prem Garg, phần lớn các lô gạo được cho phép xuất khẩu lần này sẽ được chuyển đến khu vực Đông và Tây châu Phi, góp phần đảm bảo an ninh lương thực ở những khu vực này. Trong năm 2022, Ấn Độ chiếm tới 40% thị phần gạo xuất khẩu toàn cầu với lượng gạo xuất khẩu cao kỷ lục 22 triệu tấn.
Bên cạnh đó, Chính phủ Ấn Độ vừa quyết định phân bổ hạn ngạch xuất khẩu gạo tẻ trắng cho ba quốc gia, gồm: Bhutan, Mauritius và Singapore. Cụ thể, Ấn Độ sẽ cho phép xuất khẩu 79.000 tấn gạo cho Bhutan, 50.000 tấn cho Singapore và 14.000 tấn cho Mauritius.
Xem thêm: "Ấn Độ có thể sớm bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo" trên Tạp chí Công Thương tại đây.
Cuối tuần trước, Ấn Độ đã áp thuế 20% đối với việc xuất khẩu gạo đồ (basmati) - loại gạo chiếm 20% lượng gạo xuất khẩu thông thường của nước này. Chính phủ Ấn Độ hiện cho biết việc áp thuế này sẽ kéo dài đến ngày 16/10/2023.
Các lô gạo đồ đã có đầy đủ giấy phép xuất khẩu, đang nằm tại cảng chuẩn bị xuất khẩu; hoặc chưa được hải quan cấp phép xuất khẩu (LEO) nhưng đã có chứng từ hợp lệ (LC) trước ngày 25/8/2023 sẽ không phải chịu mức thuế trên. Biện pháp này nhằm đảm bảo nguồn cung gạo cũng như kiểm soát giá bán lẻ gạo trên thị trường nội địa, giới truyền thông Ấn Độ cho biết.
Hiện thị trường gạo thế giới đang xuất hiện đồn đoán về việc Myanmar có thể sắp tạm ngưng xuất khẩu gạo trong vòng 45 ngày. Myanmar hiện là quốc gia xuất khẩu gạo lớn thứ 5 thế giới với khối lượng xuất khẩu đạt 2 triệu tấn/năm. Điều này có thể khiến nguồn cung gạo trên toàn cầu bị siết chặt hơn, đẩy giá mặt hàng này tăng cao hơn nữa trong thời gian tới.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, tính đến chiều ngày 31/8, giá gạo xuất khẩu loại 5% tấm và 25% tấm của Việt Nam lần lượt đạt 643 USD/tấn và 628 USD/tấn. Trong khi đó, giá gạo xuất khẩu loại 5% tấm và 25% tấm của Thái Lan lần lượt là 633 USD/tấn và 565 USD/tấn. Như vậy, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục ở mức cao nhất thế giới tuần thứ liên tiếp. Đây cũng là những mức giá cao nhất trong vòng 15 năm trở lại đây trên thị trường quốc tế đối với gạo Việt Nam.