Ấn Độ chuẩn bị đảm nhiệm vai trò chủ tịch G20, tuyên bố sẽ quay lại HĐBA LHQ vào năm 2028-2029
Ngày 15/12, Ngoại trưởng Ấn Độ S. Jaishankar thông báo New Delhi sẽ ứng cử vị trí thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) nhiệm kỳ 2028-2029.
Trước đó, vào ngày 13/12, ông Jaishankar đã tới Mỹ để chuẩn bị chủ trì hai sự kiện quan trọng về chống khủng bố và cải cách chủ nghĩa đa phương, với tư cách là Chủ tịch luân phiên HĐBA LHQ. New Delhi sẽ kết thúc thời gian 2 năm là thành viên được bầu của HĐBA vào ngày 31/12 tới.
Tại cuộc họp của HĐBA, Ngoại trưởng Jaishankar cho biết đây là lần thứ 8 được đảm nhiệm vai trò thành viên không thường trực HĐBA LHQ của Ấn Độ, đồng thời khẳng định quốc gia này sẽ tiếp tục ứng cử vào vị trí thành viên không thường trực trong nhiệm kỳ 2028-2029.
Trong suốt nhiệm kỳ vừa qua, New Delhi đã nỗ lực đưa nhiều chủ đề có tính thời sự vào trọng tâm chương trình nghị sự thảo luận tại LHQ như an ninh hàng hải, công nghệ trong việc gìn giữ hòa bình của LHQ, cải cách LHQ và chống khủng bố. Đặc biệt, Ấn Độ cũng đã tìm cách trở thành tiếng nói của Nam bán cầu trong nhiều vấn đề đáng chú ý.
Là một quốc gia dẫn đầu trong nỗ lực kêu gọi cải tổ HĐBA, New Delhi đã nhiều lần cho rằng với cấu trúc hiện tại, cơ quan này đang không phản ánh thực tế địa tình hình chính trị, đồng thời uy tín của HĐBA sẽ bị đe dọa nếu các cường quốc đang phát triển như Ấn Độ không có ghế cố định trong cơ quan quan trọng này.
Trước đó cùng ngày, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland đã gặp Ngoại trưởng Ấn Độ S. Jaishankar tại trụ sở LHQ ở New York (Mỹ) trước khi tham gia cuộc họp ngắn do Ấn Độ chủ trì tại HĐBA về chống khủng bố.
Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, ông Jaishankar và Thứ trưởng Victoria Nuland đã trao đổi về việc chuẩn bị cho vai trò Chủ tịch Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) của Ấn Độ, cũng như những nỗ lực song phương và đa phương của Mỹ đóng góp vào an ninh và thịnh vượng của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và cả thế giới.
Ngoài ra, theo một số nguồn tin, hai vị quan chức ngoại giao đã khẳng định tầm quan trọng của sự hợp tác chặt chẽ giữa Mỹ-Ấn Độ trong các diễn đàn đa phương, bao gồm HĐBA.