Nga muốn đạt được thỏa thuận với Ấn Độ về việc mua tên lửa hành trình siêu thanh chống hạm PJ-10 BrahMos - một cải tiến của New Delhi từ nguyên mẫu Yakhont - phiên bản xuất khẩu của P-800 Onyx.
Thông tin trên đã được ông Alexander Maksichev - đồng giám đốc đến từ Nga của liên doanh BrahMos Aerospace - nhà sản xuất tên lửa BrahMos thông báo trong cuộc trả lời phỏng vấn tờ ArmyInform.
Để bắt đầu, chúng ta hãy phác thảo các đặc điểm của tên lửa PJ-10 BrahMos do Ấn Độ sản xuất để hiểu chính xác vì sao Nga muốn mua vũ khí này nhằm phục vụ các cuộc tấn công mới vào lãnh thổ Ukraine.
Được biết tùy theo phiên bản sửa đổi mà tầm bắn của tên lửa BrahMos có thể thay đổi từ 300 đến 450 km, khối lượng đầu đạn trong khoảng 200 đến 450 kg, trong khi trọng lượng tác chiến của quả đạn lên đến 3 tấn.
Theo nhà sản xuất, BrahMos có thể được sử dụng từ bệ phóng mặt đất, hoặc trên tàu hải quân, hoặc từ máy bay chiến đấu Su-30MKY. Số lượng tên lửa PJ-10 đã xuất xưởng không được tiết lộ trong các nguồn tin mở.
Tiếp theo, cần phải tìm hiểu lý do nào đã gây ra tình trạng thiếu hụt tên lửa P-800 Onyx trong thành phần tác chiến của Quân đội Nga. Từ các nguồn mở, chúng ta có thể tính toán quân Nga đã bắn khoảng 40 quả Onyx vào các mục tiêu ở miền Nam Ukraine.
Theo ông Oleksandr Kovalenko, một nhà quan sát quân sự - chính trị của tổ chức phi chính phủ Ukraine có tên "Thông tin kháng chiến", đây chỉ là 10% trong kho dự trữ tên lửa Onyx của Nga trước chiến tranh, lên tới 400 đơn vị.
Nhưng ở thời kỳ đỉnh cao của mình, Nga chỉ có thể sản xuất tối đa 55 tên lửa P-800 mỗi năm. Ngoài ra rố lượng đạn Onyx trong Hạm đội Biển Đen của Liên bang Nga không chỉ được sử dụng bởi các đơn vị phòng thủ bờ biển.
Theo thống kê, Lữ đoàn số 11 và 15 của lực lượng phòng thủ bờ biển, và đơn vị "Object 100" quản lý tổng số khoảng 20 bệ phóng di động và cố định. Ngoài ra còn 4 tàu hộ tống tên lửa thuộc Dự án 21631 Buyan-M, mỗi chiếc có 8 bệ phóng đa năng.
Bên cạnh đó, một số bằng chứng bắt đầu "phát lộ" cho thấy quân Nga đang gặp phải một số vấn đề về tình trạng kỹ thuật đối với P-800 Onyx, điều này trực tiếp hạn chế việc sử dụng các tên lửa này.
Trong tình cảnh thiếu các bảng mạch điện tử và chip xử lý công nghệ cao do những biện pháp hạn chế từ phương Tây, Nga rất khó khăn trong việc tiếp tục chế tạo, hay thậm chí là sửa chữa vũ khí thế hệ mới của mình.
Rõ ràng trước tình cảnh trên, Điện Kremlin đã quyết định hỏi mua tên lửa hành trình PJ-10 BrahMos. Nhưng Ấn Độ khó có thể đồng ý bán vũ khí này cho Moskva, do New Delhi lo ngại sẽ trở thành đối tượng của các lệnh trừng phạt từ Mỹ.
Thực tế là bản thân Ấn Độ cũng cần tên lửa PJ-10 BrahMos để đề phòng hai đối thủ lớn là Trung Quốc và Pakistan, New Delhi chưa sản xuất đủ số lượng vũ khí này cho nhu cầu của bản thân.
Trường hợp Ấn Độ khác hoàn toàn Iran, Tehran có khả năng cung cấp cho Nga số lượng lớn máy bay không người lái do chẳng phải lo ngại sự cô lập từ bên ngoài, trong khi New Delhi thì không thể như vậy.
Bạch Dương