Ấn Độ đặt mục tiêu đạt 500 tỷ USD cho ngành điện tử vào năm 2030
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã ca ngợi tiềm năng công nghệ của quốc gia, đồng thời nói rằng đất nước đặt mục tiêu tăng trưởng ngành điện tử lên 500 tỷ USD vào cuối thập kỷ này.
Vào tuần này, Thủ tướng Ấn Độ đã ca ngợi những lợi thế của đất nước trong các lĩnh vực như chất bán dẫn trong một hội nghị về sản xuất chip ở ngoại ô thủ đô New Delhi. Đất nước này hiện ước tính thị trường điện tử của mình vào khoảng 155 tỷ USD.
Ấn Độ đang cố gắng thu hút thêm nhiều nhà sản xuất chip vào nước này, tương tự như cách trợ cấp đã khuyến khích Apple lắp ráp iPhone trị giá 14 tỷ USD tại quốc gia Nam Á này.
Cho đến nay, chính quyền của ông Modi đã phê duyệt hơn 15 tỷ USD đầu tư vào chất bán dẫn. Trong đó bao gồm đề xuất của tập đoàn Tata Group về việc xây dựng nhà máy sản xuất chip lớn đầu tiên của đất nước và nhà sản xuất bộ nhớ Micron Technology (Hoa Kỳ) dự kiến xây dựng cơ sở lắp ráp trị giá 2,75 tỷ USD tại tiểu bang Gujarat, quê hương của ông Modi.
Trong khi đó, công ty Tower Semiconductor (Israel) đang tìm cách hợp tác với tỷ phú Gautam Adani để xây dựng một nhà máy chế tạo trị giá 10 tỷ USD ở miền tây Ấn Độ.
Chất bán dẫn đã trở thành một nguồn tài nguyên quan trọng, đặc biệt là khi “hố sâu” địa chính trị giữa Bắc Kinh và Washington tiếp tục mở rộng và các nhà nhập khẩu tìm cách giảm sự phụ thuộc vào các nhà sản xuất nước ngoài tại các địa điểm như Trung Quốc và Đài Loan (Trung Quốc).
Một số quốc gia bao gồm Hoa Kỳ, Đức, Nhật Bản và Singapore đều đang đầu tư mạnh mẽ để thúc đẩy sản xuất chip trong nước, đảm bảo cung cấp các thành phần cần thiết cho các công nghệ từ AI đến ôtô điện.
Tại cùng sự kiện, các giám đốc điều hành ngành chip từ Ấn Độ và nước ngoài đã vạch ra kế hoạch tăng trưởng của họ tại quốc gia này. Tổng giám đốc điều hành của NXP Semiconductors NV Kurt Sievers cho biết nhà sản xuất chip của Hà Lan sẽ đầu tư hơn 1 tỷ USD vào Ấn Độ trong vài năm tới để mở rộng các nỗ lực nghiên cứu và phát triển của mình trong khu vực.