Ấn Độ đặt mục tiêu thành quốc gia phát triển trong 25 năm tới
Thủ tướng Narendra Modi cho biết Ấn Độ đặt mục tiêu trở thành một quốc gia phát triển trong vòng 1/4 thế kỷ tới, bằng việc thúc đẩy các chính sách hỗ trợ sản xuất trong nước về điện, quốc phòng và công nghệ kỹ thuật số.
Reuters đưa tin, trong bài phát biểu kỷ niệm 75 năm Ngày Quốc khánh Ấn Độ (15/8/1947 – 15/8/2022) tại Pháo đài Đỏ, Thủ tướng Narendra Modi đã kêu gọi thế hệ thanh niên cần "hướng tới mục tiêu lớn" và cống hiến tuổi trẻ cho sự nghiệp của đất nước.
"Chúng ta phải biến Ấn Độ trở thành một quốc gia phát triển trong 25 năm tới, trong cuộc đời của chúng ta. Đây là một quyết tâm lớn và chúng ta cần theo đuổi nó bằng tất cả khả năng của mình”, ông Modi nhấn mạnh.
Ngân hàng Thế giới (WB) đang phân loại Ấn Độ là nền kinh tế có thu nhập trung bình thấp (các quốc gia có tổng thu nhập bình quân đầu người từ 1.086 - 4.255 USD) khi đang đạt mức 2.100 USD/người. Ấn Độ là nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới và dự kiến sẽ tăng trưởng trên 7% trong năm tài chính hiện tại (kết thúc vào tháng 3/2023). Đây là mức tăng nhanh nhất trong số các nền kinh tế lớn.
Nhiều chuyên gia kinh tế dự đoán rằng, nền kinh tế Ấn Độ có thể tiến tới cột mốc nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới vào năm 2050, sau Mỹ và Trung Quốc. Với dân số khoảng 1,4 tỷ người, Ấn Độ dự kiến sẽ vượt qua Trung Quốc để trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới vào năm 2023.
Đồng thời, Ấn Độ đã chứng kiến sự gia tăng của số lượng các tỷ phú và giới siêu giàu. Quốc gia này hiện là quê hương của hơn 100 tỷ phú, tăng so với 9 tỷ phú vào đầu thế kỷ 21. Trong số đó có ông trùm cơ sở hạ tầng Gautam Adani, (người có giá trị tài sản ròng hơn 130 tỷ USD, theo Forbes) và ông Mukesh Ambani, người sáng lập Reliance Industries (người có khối tài sản lên tới 95 tỷ USD).
Tuy nhiên, bất chấp sự tăng trưởng kinh tế, hàng triệu người Ấn Độ vẫn đối mặt với nghèo đói. Trong khi đó, 10% người giàu nhất nước này nắm giữ 80% tài sản của cả nước, theo Oxfam. Ngoài ra, Ấn Độ vẫn còn nhiều vấn đề nội tại như sự phân chia khu vực phát triển, ngôn ngữ và tín ngưỡng khác nhau.
Bên cạnh việc phát triển kinh tế, Ấn Độ đang nuôi dưỡng tham vọng trong lĩnh vực không gian. Năm 2017, quốc gia này đã phá kỷ lục thế giới khi phóng 104 vệ tinh trong một nhiệm vụ. Theo McKinsey, vào năm ngoái, Ấn Độ đã chi gần 2 tỷ USD cho chương trình không gian, chỉ sau Mỹ và Trung Quốc. Quốc gia này dự kiến sẽ thực hiện sứ mệnh không gian có người lái đầu tiên vào năm 2023.
Bình luận về sự kiện kỷ niệm 75 năm giải phóng đất nước, ông Rohan Venkat, nhà tư vấn của Trung tâm Nghiên cứu Chính sách của Tổ chức tư vấn Ấn Độ nhận định, trong 75 năm đầu tiên, chính quyền New Delhi đã đảm bảo sự tồn tại của cái tên Ấn Độ. Nhưng trong 75 tiếp theo, quốc gia này phải vượt qua những thách thức to lớn để thực sự trở thành một nhà lãnh đạo toàn cầu, không chỉ về vấn đề dân số.
"Mặc dù Ấn Độ có thể trở thành quốc gia lớn có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới trong vài năm tới, nhưng kinh tế dự báo vẫn sẽ kém hơn so với nước láng giềng Trung Quốc. Tuy nhiên, giới chức hy vọng tốc độ tăng trưởng có thể đạt hai con số”, ông Venkat nói.