Ấn Độ dọn dẹp chất thải độc hại sót lại sau thảm họa khí đốt Bhopal
Mới đây, nhà chức trách Ấn Độ đã bắt đầu công tác loại bỏ hàng trăm tấn chất thải nguy hại còn sót lại sau hơn 40 năm kể từ khi xảy ra thảm họa công nghiệp tồi tệ nhất thế giới ở thành phố Bhopal.
Vào đêm 1/1, một đoàn gồm khoảng 10 xe tải đã bắt đầu vận chuyển 337 tấn chất thải nguy hại, được niêm phong bên trong các thùng chứa. Cảnh sát đã hộ tống đoàn xe đưa chất thải đến bãi xử lý cách đó 225 km tại thị trấn Pithampur.
Giám đốc Sở Cứu trợ và Phục hồi Khí đốt bang, ông Swatantra Kumar Singh, cho biết đoàn xe đã được triển khai với mức độ an ninh cao nhất từng được áp dụng trong việc vận chuyển chất thải công nghiệp ở Ấn Độ. Theo ông, chất thải sẽ được xử lý theo phương pháp khoa học thông qua quá trình đốt.
Hoạt động dọn dẹp này diễn ra sau khi tòa án cấp cao bang Madhya Pradesh ra phán quyết hồi tháng 12, theo đó yêu cầu nhà chức trách phải bắt đầu loại bỏ chất thải trong vòng 1 tháng.
Vụ tai nạn xảy ra vào đêm ngày 2/12/1984, khi 27 tấn methyl isocyanate (MIC) - một chất cực độc được sử dụng trong sản xuất thuốc trừ sâu, bị rò rỉ khỏi nhà máy Union Carbide tại thành phố Bhopal. Khoảng 3.500 đã thiệt mạng ngay sau vụ việc, với tổng số nạn nhân tử vong do các vấn đề sức khỏe lâu dài ước tính lên tới 25.000 người.
Trong suốt nhiều thập kỷ, cộng đồng địa phương cho rằng vụ rò rỉ khí độc là nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm nguồn nước ngầm trong khu vực, từ đó gây ra một loạt vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như ung thư, bại não, khuyết tật và các bệnh mãn tính khác.
Sau nhiều năm kiểm tra, cơ quan chức năng đã phát hiện các hóa chất trong nguồn nước với mức độ cao gấp 50 lần so với mức an toàn do Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ quy định, trong đó có các chất gây ung thư và dị tật bẩm sinh.