Ấn Độ đột ngột hủy bỏ Diễn đàn Kinh doanh Ấn – Trung, quan hệ hai bên lại trục trặc
Diễn đàn Kinh doanh Ấn Độ - Trung Quốc (India - China Business Forum) lần thứ 8 dự kiến được tổ chức tại New Delhi, Ấn Độ vào ngày thứ Tư (13/11), đã đột ngột bị hủy bỏ. Trước đó, Ấn Độ cũng vừa từ chối tham gia Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) gồm 10 nước thành viên ASEAN và 6 quốc gia Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand do Trung Quốc hỗ trợ.
Truyền thông Ấn Độ ngày 12 tháng 11 đưa tin, đây là diễn đàn thường niên được phối hợp tổ chức bởi Diễn đàn liên kết kinh doanh quốc tế (International Business Linkage Forum, IBLF) có trụ sở ở Ấn Độ và Phòng Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ (FICCI). IBLF chỉ đưa ra một thông điệp ngắn gọn, trên website chính thức: “Do hoàn cảnh không lường trước được, diễn đàn được thông báo hủy bỏ, hy vọng sớm có thể công bố thời gian biểu mới để có thể tiến hành".
Tờ Indian Express dẫn nguồn của nhân sĩ thạo tin nói, đoàn Trung Quốc gồm 70 người đã nộp đơn xin visa Ấn Độ cách đây vài tuần, nhưng đã không được phê chuẩn. Dường như có đơn vị tổ chức được sự ủng hộ chính phủ đã cố gắng để đôn đốc việc cấp visa của chính phủ để các vị khách Trung Quốc tới tham dự, nhưng cuối cùng đã được thông báo lại hiện vẫn không được cấp thị thực nhập cảnh.
Hội nghị Thượng đỉnh RCEP do Trung Quốc hậu thuẫn tại Bangkok hôm 4/11 đã không ký được Hiệp định do Ấn Độ bất ngờ rút ra vào phút chót.
Nguồn tin này cho biết Bộ Ngoại giao Ấn Độ ngày 8 tháng 11 đã thông báo cho đơn vị tổ chức chưa được sự phê chuẩn của Bộ Nội vụ Ấn Độ nên chưa thể cấp thị thực nhập cảnh.
Được biết, diễn đàn kinh doanh thường niên này ban đầu dự kiến được tổ chức tại New Delhi trong hai ngày 13 và 14/11, mời Bộ trưởng Giao thông và Đường cao tốc của chính phủ Ấn Độ Nitin Gadkari làm khách mời, mời cố vấn kinh tế hàng đầu K.Subramanian và các thành viên của tổ chức tư vấn chính phủ Ấn Độ có tên “Hội đồng chuyển đổi mô hình quốc gia” (NITI Aayog) đảm nhiệm vai trò những người phát biểu chính. Năm 2018 Diễn đàn Doanh nghiệp Ấn Độ - Trung Quốc lần thứ 7 đã được tiến hành tại thành phố Pune của Ấn Độ. Sự kiện này được bang Maharashtra đứng ra tổ chức, có hơn 200 đại biểu Trung Quốc tới tham dự
Thủ tướng Ấn Độ tham dự Hội nghị thượng đỉnh RCEP tại Bangkok.
Mấy ngày trước khi Ấn Độ không cấp thị thực cho các đại biểu phía Trung Quốc, Ấn Độ cũng đã từ chối tham gia “Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện về hợp tác khu vực” (RCEP) do Trung Quốc hỗ trợ. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi hôm 4/11 cho biết, Ấn Độ quyết định không đồng ý với các điều khoản hiện tại do sự bất đồng về thuế quan, thâm hụt thương mại với các quốc gia khác và các hàng rào phi thuế quan.
Theo các báo, Thủ tướng Modi hôm 4/11 đã phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh RCEP ở Bangkok: “Ngày nay, nhiều điều đã thay đổi kể từ khi đàm phán RCEP trong bảy năm qua, bao gồm cả tình hình kinh tế và thương mại toàn cầu. Chúng tôi không thể bỏ qua những thay đổi này. Hình thức hiện tại của RCEP không phản ánh đầy đủ tinh thần cơ bản và các nguyên tắc chỉ đạo đã được thống nhất. Trong hoàn cảnh đó, Ấn Độ không thể tham gia Hiệp định RCEP”.
Các nguồn tin nói rằng Trung Quốc đã thúc đẩy mạnh mẽ để ký kết Hiệp định tại hội nghị thượng đỉnh RCEP vào ngày 4/11. Động thái này được coi là để cân bằng các ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại kéo dài giữa họ với Mỹ.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi gặp gỡ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Chennai hôm 11/10.
Ấn Độ lo ngại rằng căn cứ theo điều khoản quy định giảm thuế từng bước trong RCEP, Ấn Độ sẽ phải mở cửa thị trường; điều này sẽ cho phép một số lượng lớn hàng hóa giá rẻ của Trung Quốc và nông sản từ Australia và New Zealand tràn vào Ấn Độ, gây thiệt hại cho các nhà sản xuất địa phương của Ấn Độ. Do sự rút lui đột ngột của Ấn Độ nên việc ký kết Hiệp định RCEP đã không được tiến hành và chỉ có thể diễn ra vào năm 2020.
Điều đáng nói là trước đó không lâu, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã tiến hành Hội nghị thượng đỉnh không chính thức lần thứ Hai tại thành phố Chennai, Ấn Độ vào ngày 11 tháng 10 để thảo luận làm thế nào cải thiện quan hệ thương mại và các vấn đề khác giữa hai nước. Hai ông đã nhất trí thiết lập một cơ chế đối thoại thương mại cấp cao để giải quyết các vấn đề cùng quan tâm. Trước đó, quan hệ hai nước đã trở nên căng thẳng vì vấn đề tranh chấp Kashmir sau khi Ấn Độ thay đổi cơ chế hành chính đối với bang Jamu & Kashmir là nơi hai bên có khu vực biên giới đang tranh chấp.
Trong bối cảnh quan hệ Trung Quốc - Ấn Độ đang xấu đi hiện nay, việc Diễn đàn kinh doanh hai nước bị hoãn lại càng gây nên sự quan tâm của giới quan sát.
Theo Đa Chiều