Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương: Không gian chiến lược hay công cụ đối trọng

Suốt thập kỷ vừa qua, việc xem Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương như một không gian chiến lược là một khái niệm được nhiều nước ủng hộ.

Nhiều nước ủng hộ Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là một không gian chiến lược. (Nguồn: Strategist)

Khái niệm đang nổi lên

Nhật Bản ủng hộ khái niệm Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương rất sớm khi Thủ tướng Shinzo Abe nói về khu vực nằm giữa Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trong bài phát biểu trước Quốc hội Ấn Độ năm 2007. Gần đây hơn, Thủ tướng Abe đã ủng hộ khái niệm về một “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở”, trong khi Australia cũng nhắc đến khái niệm này trong các phát biểu chính thức của mình.

Ngày 1/6/2019, trước thềm Đối thoại Shangri-La ở Singapore, Bộ Quốc phòng Mỹ công bố báo cáo chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đầu tiên, trong đó nêu rõ mục đích chính là kiềm chế sự trỗi dậy và ảnh hưởng của Trung Quốc. Trước đó, năm 2018, Mỹ đổi tên Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương thành Bộ Chỉ huy Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Ấn Độ chính thức thừa nhận góc nhìn này trong bài phát biểu của Thủ tướng Narendra Modi tại Đối thoại Shangri-La năm 2018. Tại đây, Thủ tướng Modi đã tiếp bước nhà lãnh đạo Nhật Bản thừa nhận Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là khu vực trải dài từ phía Tây Thái Bình Dương tới bờ biển phía Đông châu Phi, đồng thời nhấn mạnh yếu tố bao trùm và đa dạng này.

Để trấn an những lo ngại, New Delhi chính thức thừa nhận tính trung tâm của ASEAN và tuyên bố rằng hợp tác tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương sẽ được thúc đẩy thông qua các thể chế được ASEAN dẫn dắt.

Trong khi đó, ASEAN thì lo ngại rằng khái niệm này sẽ làm giảm “tính trung tâm” của khối, với tư cách một tiếng nói quyết đoán trong các cấu trúc an ninh và kinh tế khu vực. Tuy nhiên, gần đây ASEAN đều đã có những thay đổi nhất định trên phương diện này.

ASEAN không còn phản đối khái niệm về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, song lại tự đưa ra định nghĩa riêng của mình về khu vực này, “không đơn thuần chỉ là một không gian địa lý mà còn là một khu vực hội nhập và kết nối chặt chẽ, với ASEAN nắm giữ vai trò trung tâm và chiến lược”. Có thể nói, cách ASEAN định nghĩa về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là nhằm tránh việc đẩy khối này vào cuộc đối đầu Mỹ-Trung gay gắt.

"Tầm nhìn" của Trung Quốc...

Trung Quốc ban đầu phản đối với lý do cho rằng đó thực chất chỉ là một công cụ để thu hút sự chú ý, và sẽ nhanh chóng phai nhạt. Tuy nhiên, hiện nay, trên truyền thông Trung Quốc và những bài bình luận học thuật, người ta bắt đầu sử dụng khái niệm Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương thường xuyên hơn. Nhiều viện nghiên cứu chính sách Trung Quốc thậm chí còn tổ chức các hội nghị với chủ đề là Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Mục đích của những thay đổi này là để hạn chế những nội dung bài Trung trong khu vực.

Trong báo cáo gần đây về Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Mỹ thể hiện rõ quan điểm chống lại các toan tính “tái sắp đặt khu vực theo hướng có lợi cho mình” của Trung Quốc và vì vậy, nhóm “Bộ Tứ” (gồm Mỹ, Ấn Độ, Australia, và Nhật Bản) sẽ đóng vai trò quan trọng trên phương diện này. Đổi lại, Trung Quốc không những đã thay đổi quan điểm về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, mà còn chỉ trích “Bộ Tứ” là một “NATO châu Á”.

Trung Quốc chỉ trích "Bộ Tứ" - một trụ cột trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ là một "NATO châu Á". (Nguồn: Indian Express)

Đại sứ Dương Yến Di, lãnh đạo phái đoàn Trung Quốc sang thăm Ấn Độ hồi tháng 6 vừa qua, tuyên bố: “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nên là một khu vực tập trung giải quyết những vấn đề như giảm đói nghèo, thay vì khoét sâu mâu thuẫn… Châu Á-Thái Bình Dương và khu vực Ấn Độ Dương không nên bị xem là một không gian lãnh thổ tiếp giáp mà nên được đón nhận như một khu vực hội nhập và kết nối chặt chẽ”.

Thông điệp của Trung Quốc rất rõ ràng: Nếu các quốc gia như Ấn Độ ủng hộ một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương toàn diện, họ cần phải tách khỏi Bộ Tứ.

... và hàm ý với ASEAN

Câu hỏi đặt ra là liệu Trung Quốc có thực sự tôn trọng vai trò trung tâm của ASEAN và một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương toàn diện hay không?

Từ năm 2002, Trung Quốc và ASEAN đã đàm phán một bộ quy tắc ứng xử ở Biển Hoa Nam (Biển Đông), một khu vực thuộc Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương song không đạt nhiều tiến triển. Tới năm 2017, hai bên đã đạt thỏa thuận khung song nhiều người cho rằng nội dung này chỉ đơn thuần là liệt kê quan điểm của mỗi nước thành viên ASEAN, thay vì lập trường chung cho bộ quy tắc. Trong khi đó, Trung Quốc cũng có những đòi hỏi của riêng mình.

ASEAN khó có thể nhượng bộ những đòi hỏi của Trung Quốc song toan tính của cường quốc này là rất rõ ràng và trái ngược với những gì mà họ tuyên bố về một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương dựa trên luật pháp.

Mục tiêu của Trung Quốc là “tái sắp đặt khu vực theo hướng có lợi cho mình”. Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương với trật tự dựa trên luật pháp là khái niệm được các bên thừa nhận rằng khi quyền lực của Mỹ trong khu vực suy yếu cũng là lúc một trật tự đa cực tại châu Á nổi lên, với các cường quốc như Ấn Độ và Trung Quốc đóng vai trò then chốt.

Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn khăng khăng bám lấy mô hình nơi các lợi ích chính trị, kinh tế và an ninh của họ mới là thứ chiếm ưu thế.

Chừng nào Trung Quốc chưa chấp nhận một trật tự đa phương thì chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vẫn là một trong những công cụ cần thiết để đối trọng sức mạnh của Trung Quốc, với vai trò trung tâm trong chiến lược này thuộc về nhóm Bộ Tứ.

Hồng Phúc

(theo Tribune India)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/an-do-duong-thai-binh-duong-khong-gian-chien-luoc-hay-cong-cu-doi-trong-106497.html