Lựa chọn thủ tướng tiếp theo của Pháp

Kết quả vòng 2 bầu cử Quốc hội Pháp có thể gây bất ngờ, nhưng vẫn nằm trong kịch bản được dự đoán trước. Nước Pháp đang hướng đến tình trạng 'Quốc hội treo', với ba nhóm chính trị có cương lĩnh khác nhau, không có truyền thống hợp tác cùng nhau. Đây sẽ là bài toán với nhiều biến số, và ở trong tình thế 'chơi vơi' về chính trị như hiện tại, không ai rõ con đường để thành lập chính phủ mới, chỉ định thủ tướng mới của Pháp sẽ ra sao.

Sau khi Thủ tướng Gabriel Attal đệ đơn từ chức, theo Hiến pháp, Tổng thống Macron sẽ quyết định ai nhận trách nhiệm yêu cầu thành lập chính phủ. Nhưng bất cứ ai mà ông chọn đều phải đối mặt với một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội vào ngày 18/7. Điều này có nghĩa là Tổng thống Macron cần chỉ định một người được đa số các nhà lập pháp chấp nhận.

LIÊN MINH MẶT TRẬN BÌNH DÂN MỚI NẮM QUYỀN

Liên minh Mặt trận bình dân mới giành được nhiều ghế nhất trong Quốc hội, và gương mặt nổi bật trong liên minh này là ông Jean-Luc Melenchon theo chủ nghĩa dân túy và là nhà lãnh đạo lâu năm của đảng Nước Pháp bất khuất đã ngay lập tức yêu cầu Tổng thống Macron trao quyền thành lập chính phủ.

Tuy nhiên, để làm được điều này, các đảng trong liên minh này cần thống nhất về một chương trình nghị sự chung, khi tất cả những gì giúp họ đoàn kết trước đó chỉ là mục tiêu ngăn cản phe cực hữu nắm quyền.

Ngoài ông Melenchon và ông Hollande, những người gần như chắc chắn không thể được đề cử, những gương mặt khác đang được cân nhắc, bao gồm ông Olivier Faure của đảng Xã hội hay bà Marine Tondelier của đảng Sinh thái.

ÔNG ATTAL TẠI NHIỆM

Một viễn cảnh khác là việc Tổng thống Macron từ chối đơn đề nghị của ông Attal, giống như ông từng làm sau cuộc bầu cử lập pháp năm 2022. Bản thân ông Attal cũng khẳng định sẵn sàng tiếp tục vai trò "nếu được yêu cầu", đặc biệt trong bối cảnh Pháp sẽ khai mạc Thế vận hội ba tuần tới.

LIÊN MINH “CẦU VỒNG”

Theo giới quan sát, điều có khả năng xảy ra nhất là việc là hình thành một “chính phủ cầu vồng”, gồm nhiều sắc thái chính trị như thường thấy tại Bỉ, trên cơ sở một quốc hội đa nguyên.

Trong trường hợp đó, ông Macron sẽ cần tới sự ủng hộ của các đảng Xã hội, Sinh thái và Những người Cộng hòa, với ông Raphael Glucksmann có thể là một ứng viên tiềm năng để lãnh đạo đất nước.

MỘT CHÍNH PHỦ TẠM THỜI

Nếu các bên không thể thành lập một liên minh đa số, các đảng chính của Pháp, ngoại trừ đảng cực hữu Tập hợp Quốc gia, có thể xem xét thành lập một chính phủ tạm thời, với những kế hoạch tối thiểu nhằm giúp đất nước vận hành trong 1 năm tới, khi Tổng thống có thể giải tán Quốc hội 1 lần nữa.

Trong bất kỳ trường hợp nào, Tổng thống tại Pháp sẽ không đưa ra quyết định ngay lập tức. Hiến pháp nước này không quy định thời hạn cho hành động này, còn Điện Elysee thì khẳng định Tổng thống sẽ phân tích kết quả bầu cử, đồng thời sẽ đợi Quốc hội mới được thành lập trước khi thực hiện các bước đi tiếp theo.

Mời quý vị theo dõi nội dung chi tiết!

QT

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/lua-chon-thu-tuong-tiep-theo-cua-phap-228258.htm