Ấn Độ gia tăng chi tiêu quân sự
Theo báo cáo mới nhất của Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI), Ấn Độ đứng thứ ba sau Mỹ và Trung Quốc về chi tiêu quân sự toàn cầu. Trong năm 2019, chi tiêu quốc phòng của Ấn Độ đã đạt 71,1 tỷ USD, tăng xấp xỉ 6,8% so với năm 2018 và chỉ đứng thứ ba sau Mỹ và Trung Quốc.
Mặc dù có những dự đoán cho rằng New Delhi, giống như các nước khác, sẽ cắt giảm ngân sách quốc phòng trong những năm tới, do tác động của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 song tình hình bất ổn khu vực kéo theo những yêu sách bắt buộc về an ninh vẫn sẽ tiếp tục là những nhu cầu trọng yếu để Ấn Độ gia tăng phân bổ ngân sách quốc phòng trong những năm tiếp theo.
Ông Siemon T. Wezeman, nghiên cứu cấp cao tại SIPRI, giải thích: "Mối quan hệ căng thẳng và tình trạng thù địch giữa Ấn Độ với Trung Quốc và cả Pakistan là những động lực chính khiến nước này gia tăng chi tiêu quân sự". Sự gia tăng chi tiêu quân sự quy mô lớn này của Ấn Độ đã biến New Delhi trở thành nước nhập khẩu vũ khí lớn thứ hai trên thế giới, chỉ sau Saudi Arabia.
“Chọn mặt gửi vàng”
Ấn Độ cũng đã ký kết nhiều thương vụ nhập khẩu công nghệ quân sự với nhiều nước hàng đầu thế giới, trong đó nổi bật là Nga và Mỹ. Trong những năm gần đây, giá trị thương vụ của Mỹ cho New Delhi đã vượt xa so với của Moscow. Trong dài hạn, xu hướng này chắc chắn sẽ làm suy giảm thị phần xuất khẩu vũ khí của Nga cho New Delhi.
Gần đây, Thủ tướng Narendra Modi đã ký thương vụ quốc phòng trị giá 3 tỷ USD với Tổng thống Mỹ Donald Trump nhân dịp chuyến công du Ấn Độ hồi tháng 2-2020. Theo đó, Washington sẽ cung cấp cho New Delhi máy bay trực thăng và các thiết bị quốc phòng khác cho quân đội Ấn Độ.
Hơn nữa, Mỹ cũng đang hỗ trợ đầy đủ Ấn Độ đạt được mong muốn trở thành một cường quốc toàn cầu thông qua hỗ trợ quân sự. Lầu Năm Góc hồi tháng 10-2019 tuyên bố: "Trao đổi thương mại quốc phòng song phương giữa Washington và New Delhi dự kiến sẽ đạt 18 tỷ USD vào cuối năm 2019".
Mối quan hệ Ấn Độ-Mỹ về lĩnh vực quốc phòng tiếp tục tăng cường sau khi hai nước ký kết Thỏa thuận An ninh và Tương thích liên lạc (COMCASA) để thúc đẩy hợp tác quốc phòng chặt chẽ hơn. Trước đó, hồi tháng 8-2016, Ấn Độ cũng ký Thỏa thuận Trao đổi hậu cần (LEMOA) với Mỹ nhằm đối phó với tầm ảnh hưởng hàng hải ngày càng gia tăng của Trung Quốc.
Thỏa thuận này cho phép New Delhi và Washington tiếp cận các cơ sở của nhau để tiếp tế và sửa chữa. Hai nước cũng đã ký kết Hiệp định Thông tin quân sự và an ninh chung (GSOMIA) hồi năm 2002, tạo điều kiện thuận lợi để hai nước hợp tác ở phạm vi lớn hơn trong lĩnh vực công nghệ quân sự.
Động lực chính
Một lý do giải thích cho nỗ lực hiện đại hóa quân sự của New Delhi là nước này lâu nay ấp ủ mong muốn trở thành một cường quốc toàn cầu, chứ không chỉ dừng lại ở vai trò là một nước cân bằng lực lượng trong khu vực cũng như trên thế giới. Sau khi thành lập chính phủ đa số đầu tiên ở Ấn Độ do đảng Bharatiya Janata (BJP) lãnh đạo, New Delhi muốn trở thành một cường quốc thế giới "để giúp Ấn Độ có được vai trò dẫn đầu chứ không phải chỉ là một lực lượng cân bằng toàn cầu" như lời Thủ tướng Narendra Modi tuyên bố với giới chức ngoại giao trong nước sau khi lên nắm quyền hồi tháng 5-2014.
Tương tự, Ngoại trưởng Ấn Độ khi đó là Subrahmanyam Jaishankar cũng nuôi dưỡng ý tưởng rằng: "Ấn Độ hiện muốn trở thành một cường quốc dẫn đầu chứ không chỉ là một cường quốc đóng vai trò cân bằng lực lượng".
Vì vậy, theo những cách thức nhất định, New Delhi lâu nay chứng tỏ thiện chí và năng lực của mình để gây ảnh hưởng đối với tình hình toàn cầu. Ví dụ, vụ thử nghiệm thành công tên lửa đạn đạo tầm xa Agni-5, có khả năng mang theo vũ khí hạt nhân với tầm bắn trên 3.000 dặm (khoảng hơn 4.828 km), là một minh chứng cụ thể cho năng lực quân sự của Ấn Độ để gây ảnh hưởng các cường quốc khác trên toàn cầu.
Bên cạnh đó, đối với giới hoạch định chính sách diều hâu ở New Delhi, một Ấn Độ hùng mạnh về mặt quân sự có thể chi phối những vấn đề ở Nam Á nói riêng và tiếp đó có thể giúp mở rộng tầm ảnh hưởng của Ấn Độ trên phạm vi toàn cầu.
Ngoài ra, cuộc đối đầu hiện nay giữa Ấn Độ và Trung Quốc cũng như tình trạng xung đột và thù địch lâu nay giữa Ấn Độ và Pakistan liên quan đến tranh chấp biên giới cũng là một trong những động lực chính thúc đẩy New Delhi coi trọng tăng cường tiềm lực quốc phòng. Sự trỗi dậy về mặt quân sự của Trung Quốc đặt ra không ít thách thức đối với các nước ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Theo SIPRI, chi tiêu quân sự của Trung Quốc tăng liên tục kể từ năm 1994 và sự gia tăng này "đồng hành" với tăng trưởng kinh tế. Trong giai đoạn từ năm 2010-2019, chi tiêu quân sự của Trung Quốc không thay đổi, chiếm khoảng 1,9% GDP. Đồng thời, trục quan hệ Nga-Trung Quốc-Pakistan cũng là vấn đề gây quan ngại không chỉ đối với New Delhi mà cả các nước khác trong khu vực, trong đó có Mỹ và các đồng minh và đối tác của Mỹ.
Trong bối cảnh đó, New Delhi nhận thức được tầm quan trọng của việc tăng cường hợp tác quốc phòng với Washington để phòng ngừa rủi ro.
Tuy nhiên, có không ít ý kiến bày tỏ quan ngại rằng nỗ lực hiện đại hóa quân sự của New Delhi có thể làm gia tăng bất ổn và đặt ra những đe dọa an ninh đối với khu vực Nam Á, nhất là khi môi trường an ninh tại khu vực này lâu nay vẫn chứa đựng căng thẳng âm ỉ. Một cuộc đối đầu quân sự thông thường giữa hai đối địch lâu đời là Ấn Độ và Pakistan có thể nhanh chóng biến thành một cuộc chiến tranh hạt nhân giữa hai quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân ở khu vực Nam Á.
Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/hau-truong/an-do-gia-tang-chi-tieu-quan-su-599232/