Ấn Độ giải thích phiếu trắng cho nghị quyết LHQ về xung đột Nga-Ukraine, EU nói đề xuất của Trung Quốc 'không phải kế hoạch hòa bình'
Trong số 193 thành viên của ĐHĐ LHQ, 141 thành viên bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết, trong khi 7 quốc gia như Nga, Triều Tiên bỏ phiếu chống. Ấn Độ và Trung Quốc nằm trong số 32 quốc gia bỏ phiếu trắng đối với nghị quyết.
Đại hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ) ngày 23/2 (theo giờ New York) đã thông qua nghị quyết kêu gọi chấm dứt xung đột ở Ukraine.
Sự kiện này diễn ra nhân 1 năm ngày nổ ra cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine. Giống như tất cả các nghị quyết quốc tế khác về cuộc xung đột, Ấn Độ lại bỏ phiếu trắng khi cho rằng động thái này không đủ để đạt được mục tiêu hòa bình lâu dài.
Đại diện thường trực của Ấn Độ tại LHQ, Đại sứ Ruchira Kamboj khẳng định, Ấn Độ vẫn cam kết thực hiện chủ nghĩa đa phương và duy trì các nguyên tắc trong Hiến chương LHQ, song nghị quyết này tồn tại “những hạn chế cố hữu” trong việc đạt được mục tiêu mong muốn.
Bà Ruchira Kamboj cho biết “chúng tôi sẽ luôn kêu gọi đối thoại và ngoại giao như là lối thoát khả thi duy nhất. Mặc dù chúng tôi ghi nhận mục tiêu đã nêu của nghị quyết, song do những hạn chế cố hữu của nó trong việc đạt được mục tiêu mong muốn của chúng tôi là đảm bảo một nền hòa bình lâu dài nên chúng tôi buộc phải bỏ phiếu trắng…
Cách tiếp cận của Ấn Độ đối với cuộc xung đột Ukraine sẽ tiếp tục lấy người dân làm trung tâm. Chúng tôi đang cung cấp cả hỗ trợ nhân đạo cho Ukraine và hỗ trợ kinh tế cho một số nước láng giềng của chúng tôi ở Nam bán cầu gặp khó khăn về kinh tế do phải đối mặt với chi phí lương thực, nhiên liệu và phân bón ngày càng leo thang - vốn là hậu quả của cuộc xung đột đang diễn ra”.
Cũng liên quan xung đột Nga-Ukraine, ngày 24/2, Quan chức cấp cao phụ trách chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell nhấn mạnh đề xuất của Trung Quốc về giải quyết xung đột ở Ukraine là “thú vị” nhưng không phải một kế hoạch toàn diện để dẫn đến hòa bình.
Phát biểu tại Liên hợp quốc, ông Borrell nói: “Đó không phải một kế hoạch hòa bình, mà là một tài liệu… nơi Trung Quốc đưa vào tất cả các lập trường mà nước này đã thể hiện từ đầu”.
Ông Borrell nhận định, đề xuất trên có những điểm thú vị về việc sử dụng vũ khí hạt nhân, trao đổi tù binh, xuất khẩu ngũ cốc, song để trở thành một kế hoạch thì cần được đưa vào vận hành. Nhà ngoại giao EU cho rằng để có được uy tín, Trung Quốc nên gửi đề xuất này cho Kiev.