Ấn Độ hủy kỳ thi đại học trong tranh cãi
Đầu tháng 6, ông Narendra Modi, Thủ tướng Ấn Độ, đã tuyên bố hủy bỏ các kỳ thi chuyển cấp và kỳ thi tuyển sinh đại học quốc gia.
Đây là những kỳ thi rất quan trọng nhằm giúp học sinh có cơ hội vào các trường phổ thông, đại học danh tiếng.
Trước đó, kỳ thi đại học dự kiến tổ chức vào tháng 5/2021 nhưng bị hoãn lại đến tháng 7. Chính phủ cho biết sẽ đánh giá tình hình thực tế vào đầu tháng 6 để quyết định lịch thi cụ thể. Tuy nhiên, kỳ thi này đã bị hủy do tình hình dịch bệnh tại Ấn Độ chưa thể kiểm soát hoàn toàn.
Quyết định hủy bỏ khiến nhiều thí sinh nhẹ nhõm vì không muốn tập trung và tiếp xúc với đông người tại các điểm thi. Nhưng sau giây phút “ăn mừng”, các em lại cảm thấy lo lắng.
Em Shubransu Dash, học sinh lớp 12 sống tại thành phố Cuttack, bang Odisha, cho biết: “Khi nghe tin kỳ thi bị hủy, em cảm thấy vui buồn lẫn lộn. Em sẽ không phải làm bài thi trong bối cảnh hiện tại. Nhưng em đã học tập chăm chỉ suốt thời gian qua nên giờ đây, em phải chứng minh năng lực như thế nào để vào các trường tốp đầu?”.
Trong hệ thống giáo dục Ấn Độ, kỳ thi tuyển sinh vào đại học đánh dấu sự thành bại trong tương lai của học sinh. Nếu trúng tuyển trường danh tiếng, cơ hội việc làm của các em sau khi tốt nghiệp sẽ rộng mở hơn các bạn học tại trường kém uy tín.
Theo thông báo của ông Modi, thí sinh lớp 12 sẽ được đánh giá năng lực qua hệ thống tiêu chí khách quan, rõ ràng. Nhưng các tiêu chí sẽ được công bố trong thời gian tới.
Hội đồng Giáo dục Trung học Trung ương (CBSE), cơ quan chính phủ quản lý kỳ thi, cho biết các chuyên gia sẽ cân nhắc mọi yếu tố để đưa ra những tiêu chí phù hợp nhất. Đề nghị được đưa cân nhắc nhiều nhất là chấm điểm học sinh dựa trên thành tích trong các kỳ thi tại trường hoặc trong khu vực.
Tuy nhiên, nhiều thí sinh phản đối quyết định này. Các em lập luận những kỳ thi trước đó là cơ hội để rèn luyện và thay đổi bản thân, không thể coi là thước đo đánh giá năng lực cuối cùng. Từ bài thi gần nhất, các em đã dành nhiều thời gian, miệt mài ôn luyện để sẵn sàng cho kỳ thi đại học. Do đó, kết quả của các em nếu thi đại học có thể rất khác so với điểm số trước kia.
Em Vishwas Dubey, học sinh lớp 12, chia sẻ: Sẽ không công bằng nếu sử dụng điểm số trước đây vì nhiều bài là thi thử để học sinh làm quen áp lực phòng thi, phân bổ thời gian. Mức độ đề thi ở các khu vực cũng rất khác nhau.
Đại diện CBSE giải đáp, nếu không hài lòng với điểm đánh giá từ các kỳ thi, thí sinh có thể kiến nghị làm một bài kiểm tra thay thế. Nhưng cách làm này có thể trì hoãn thời gian các em ứng tuyển vào các trường ĐH.
Không chỉ tranh cãi về phương thức đánh giá kết quả học tập, học sinh lớp 12 Ấn Độ bày tỏ tiếc nuối vì đã bỏ lỡ quãng thời gian cuối cùng tại trường phổ thông. Khi làn sóng Covid-19 thứ 2 xuất hiện tại Ấn Độ, học sinh các cấp đã tạm dừng đến trường, học trực tuyến từ tháng 3/2021. Mọi hoạt động của thầy trò đều diễn ra qua phần mềm Zoom.
Em Sanshray Ghorawat, học sinh lớp 12 tại thành phố Kolkata, cho biết: “2020 - 2021 là năm học đầy mất mát với học sinh lớp 12.
Hầu như toàn bộ thời gian chúng em ở nhà, học qua Zoom, không được trò chuyện trực tiếp cùng thầy cô, bạn bè. Chúng em thậm chí không thể tổ chức lễ tốt nghiệp. Điều này khiến chúng em cảm thấy rất thất vọng”.