Ấn Độ kiểm soát xuất khẩu kiềm chế lạm phát

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đang thúc đẩy các biện pháp kiểm soát xuất khẩu để kiềm chế lạm phát, điều đang gây nhiều khó khăn cho gia đình và ngành công nghiệp hạ nguồn.

Tuy nhiên, trong khi một nửa số quan chức chính phủ đang nỗ lực thúc đẩy mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu 1 nghìn tỷ USD vào năm 2025, thì số còn lại đang phản đối chính sách này.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. (Nguồn: THX/TTXVN)

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. (Nguồn: THX/TTXVN)

Trước đó vào tháng Năm Ấn Độ đã cấm xuất khẩu lúa mỳ trong bối cảnh sản lượng sụt giảm do đợt nắng nóng gay gắt vừa qua đẩy giá lúa mỳ trong nước lên cao chưa từng thấy.

Cùng với đó, xuất khẩu đường bị giới hạn ở mức 10 triệu tấn (trong khi sản xuất được 36 triệu tấn), thuế xuất khẩu thép sẽ bị áp ở mức 15%.

Ngoài ra, có thông tin cho rằng, bông cũng sẽ là mặt hàng tiếp theo bị kiểm soát xuất khẩu để đảm bảo nguồn cung trong nước và hạn chế giá cả leo thang.

Mặc dù được thực hiện nhằm kiềm chế lạm phát, song các biện pháp kiểm soát xuất khẩu sẽ ảnh hưởng đến uy tín của Ấn Độ, cũng như làm giảm kim ngạch xuất khẩu khi đây vẫn là một trong những yếu tố chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nước này giữa lúc tiêu thụ trong nước và hoạt động đầu tư tư nhân kém khả quan.

Ngoài ra, chính sách kiểm soát trên không chỉ ảnh hưởng đến mục tiêu xuất khẩu năm 2025 của Ấn Độ, mà còn làm suy yếu nguồn dự trữ ngoại hối, gây thêm áp lực lên đồng rupee, vốn đã ở mức thấp chưa từng có hồi tháng Năm, khi lần đầu tiên 77 rupee đổi được 1 USD.

Nếu đồng rupee tiếp tục mất giá thì sẽ gây ra nhiều khó khăn cho nền kinh tế vĩ mô của Ấn Độ, khi giá dầu thô và phân bón hóa học tăng, cũng như khiến chính phủ phải tăng ngân sách trợ cấp.

Các chính sách kiểm soát xuất khẩu sẽ làm giảm doanh thu của các nhà sản xuất thép, đường cũng như lúa mỳ. Theo đó, nguồn vốn đầu tư vào các lĩnh vực này có thể sẽ giảm, ảnh hưởng đến nguồn cung các sản phẩm trong tương lai. Ngoài ra, các chính sách kiểm soát sẽ dẫn đến việc phụ thuộc vào nhập khẩu, trong khi Thủ tướng Modi luôn đề cao sự tự lực của Ấn Độ.

Chính sách bảo hộ ngành thép đã dẫn đến tình trạng dư thừa nguồn cung trong nước. Các nhà sản xuất Ấn Độ đang ngày càng phụ thuộc vào việc xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc – quốc gia đang có chính sách hạn chế các ngành công nghiệp gây ô nhiễm. Ngoài ra, doanh thu từ việc xuất khẩu luôn cao hơn so với việc bán các sản phẩm ở thị trường nội địa.

Sau khi có thông tin tăng thuế xuất khẩu thép, các nhà đầu tư đã bán hàng loạt cổ phiếu của các nhà sản xuất lớn như công ty thép và năng lượng Jindal Steel và Power – thường xuất khẩu khoảng 30% lượng dự trữ, trong khi đó JSW Steel và Tata Steel lần lượt xuất khẩu 25% và 15%.

Trong bối cảnh giá thép tăng cao do chi phí quặng sắt, than cốc và năng lượng tăng, việc áp thuế đối với sản phẩm thép xuất khẩu dường như không thể làm hạ giá thép ở trong nước. Để giảm chi phí sản xuất thép, Thủ tướng Modi đã bãi bỏ thuế nhập khẩu đối với than cốc.

Tuy nhiên, chính sách áp thuế xuất khẩu 50% đối với các loại quặng sắt đã không khuyến khích nhà đầu tư tham gia lĩnh vực khai thác quặng này. Trước các chính sách hạn chế xuất khẩu của Thủ tướng Modi, các nhà sản xuất thép hàng đầu Ấn Độ đang cân nhắc lại các kế hoạch sản xuất.

Bên cạnh đó, việc kiểm soát xuất khẩu có thể có thể gây khó khăn cho các đối tác nước ngoài, đặc biệt là khi họ không thể tìm ra sản phẩm thay thế, trong đó có mặt hàng nông sản thiết yếu như lúa mỳ. Cùng với đó, chính sách hạn chế xuất khẩu thép và đường đang thúc đẩy các ngành công nghiệp khác áp dụng các biện pháp tương tự. Mặt hàng dệt đang gặp khó khăn khi giá bông tăng, trong khi đó lệnh cấm xuất khẩu bông sẽ ảnh hưởng đến lợi ích của người trồng bông.

Để giải quyết những tồn tại trên, Chính phủ Ấn Độ có thể giảm hoặc bãi bỏ thuế nhập khẩu nguyên liệu đầu vào. Điều này sẽ giúp các nhà sản xuất thép trong nước tiết kiệm chi phí, tạo điều kiện thuận lợi cho việc giám sát hành vi thao túng giá và kiểm soát giá thép. Ngoài ra, chính phủ Ấn Độ cần thúc đẩy một thị trường thương mại tự do hơn, qua đó góp phần ổn định giá cả trong nền kinh tế thị trường.

Điều quan trọng nữa là Ấn Độ cần nhận ra các vấn đề ở Biển Đen và tình hình liên quan đến việc các nhà máy ở Trung Quốc giảm công suất sản xuất, dẫn đến gia tăng nhu cầu nhập khẩu hàng hóa từ Ấn Độ. Theo đó, Ấn Độ cần nắm cơ hội này để đồng thời thể hiện là một nhà cung cấp đáng tin cậy, cũng như là một sự lựa chọn thay thế cho hàng hóa của Trung Quốc.

Các lệnh cấm xuất khẩu trên đối với thép, đường, lúa mỳ hay các hàng hóa khác sẽ khiến Ấn Độ trở thành một nhà cung cấp không đáng tin cậy, ảnh hưởng đến triển vọng xuất khẩu và tác động xấu tới tăng trưởng GDP. Bên cạnh đó, các chính sách hạn chế xuất khẩu sẽ làm giảm doanh thu của các nhà sản xuất ở trong và ngoài nước. Điều này có thể sẽ làm suy giảm hoạt động sản xuất của các công ty trong nước, ảnh hưởng tới hy vọng về sự phục hồi của đầu tư tư nhân, nhất là khi lãi suất bắt đầu gia tăng./.

Thành Trung (Theo Nikkei Asia)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/an-do-kiem-soat-xuat-khau-kiem-che-lam-phat/247780.html