Ấn Độ lần đầu ghi nhận hơn 4.000 ca tử vong một ngày do COVID-19

Một khu vực hỏa táng bệnh nhân COVID-19 tại New Delhi, Ấn Độ, ngày 5/5/2021. - Ảnh: THX/TTXVN

Tình hình dịch COVID-19 tại "tâm dịch" Ấn Độ vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện khi nước này lần đầu tiên ghi nhận hơn 4.000 ca tử vong chỉ trong một ngày.

Cụ thể, trong 24 giờ qua, Ấn Độ đã ghi nhận thêm 4.187 trường hợp tử vong, nâng tổng số bệnh nhân không qua khỏi do COVID-19 lên 238.270 ca.

Nước này cũng ghi nhận thêm 401.078 ca mắc COVID-19 trong vòng 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc COVID-19 lên gần 21,9 triệu ca. Đây cũng là lần thứ tư quốc gia Nam Á này ghi nhận số ca mắc mới ở mức trên 400.000 ca/ngày.

Trong khi tình hình dịch bệnh ở các thành phố lớn như thủ đô New Delhi và Mumbai đang dần ổn định, với nguồn oxy y tế được bổ sung kịp thời và các giường bệnh được giải phóng, virus SARS-CoV-2 vẫn đang lây lan với tốc độ chóng mặt ở các bang miền nam và các vùng nông thôn.

Bang Karnataka, nơi có trung tâm công nghệ thông tin lớn Bangalore, đã áp đặt lệnh phong tỏa toàn bang kéo dài 2 tuần từ ngày 3/5 trong nỗ lực ngăn chặn dịch lây lan. TP Bangalore, với 1.907 ca tử vong do COVID-19 được ghi nhận trong tháng 4, đã thông báo có thêm 950 ca không qua khỏi chỉ trong 7 ngày đầu tháng 5.

Tình trạng thiếu oxy y tế và giường bệnh được cho là nguyên nhân khiến tỉ lệ tử vong tăng cao tại khu vực này. Trong khi đó, các ca mắc và tử vong do COVID-19 cũng tăng mạnh ở bang Tây Bengal. Thủ phủ bang này là Kolkata cũng đang đối mặt với tình trạng khan hiếm oxy y tế và giường bệnh trầm trọng.

Tại Lào, Bộ Y tế Lào chiều 8/5 cho biết nước này đã ghi nhận 28 ca mắc COVID-19 mới tại 6/18 tỉnh thành của cả nước. Đây là kết quả của 1.588 mẫu xét nghiệm mà ngành y tế Lào thu được trong 24 giờ qua.

Thủ đô Vientiane và tỉnh Bokeo tiếp tục là hai địa bàn có số người mắc cao nhất, lần lượt là 8 và 12 ca, tuy nhiên con số này đã thấp hơn nhiều so với những ngày trước đó. Điều này cho thấy tình hình dịch tại Lào đang bước đầu được kiểm soát nhờ các biện pháp quyết liệt của chính phủ và sự chấp hành nghiêm các quy định phòng chống dịch của người dân.

Sau khi Chính phủ Lào quyết định kéo dài thời hạn phong tỏa đến hết ngày 20/5, một số tỉnh thành có tình hình dịch vẫn phức tạp đã tăng cường các biện pháp giãn cách xã hội, áp đặt giờ giới nghiêm, cấm người dân ra khỏi nhà nếu không cần thiết.

Trong khi đó, Bộ Giáo dục và Thể thao Lào cũng ra thông báo cho toàn bộ học sinh các cấp học trên cả nước tiếp tục nghỉ học ít nhất đến ngày 20/5. Đến nay, Lào đã ghi nhận tổng cộng 1.233 ca mắc COVID-19, trong đó có gần 1.200 ca được phát hiện từ giữa tháng Tư đến nay và phần lớn đều là các ca lây nhiễm cộng đồng. Tính đến chiều 8/5, Lào đã chữa khỏi cho 150 bệnh nhân và hiện Lào vẫn là một trong số ít các quốc gia trên thế giới chưa có bệnh nhân tử vong do COVID-19.

Theo phóng viên TTXVN tại Nhật Bản, nhiều địa phương của nước này đã ghi nhận sự gia tăng trở lại các ca mắc COVID-19 mới trong ngày 7/5, chỉ một ngày sau khi kết thúc kỳ nghỉ dài. Theo đó, thủ đô Tokyo ghi nhận 907 ca mắc mới, quay lại mốc trên 900 ca/ngày chỉ cách đó một tuần. Theo thông tin từ chính quyền thành phố, số lượng các cuộc điện thoại gọi đến Trung tâm tư vấn triệu chứng sốt Tokyo đã tăng đột biến từ đầu tháng 5 với trung bình trên 2.000 cuộc/ngày và lên tới 2.700 cuộc vào ngày 5/5.

Tình trạng này từng xảy ra vào hồi cuối năm ngoái và đầu năm nay khi số ca nhiễm mới ở Tokyo tăng vọt lên 2.000 ca/ngày. Một trong những nguyên nhân của đợt bùng phát lần này là sự lây lan nhanh chóng của biến thể N501Y, chiếm tới 67,9% số ca mắc trong khoảng thời gian từ ngày 26/4-2/5 theo kết quả xét nghiệm của Viện An toàn Y tế Tokyo.

Tương tự, tỉnh Osaka cũng thông báo ghi nhận 1.005 ca mắc mới, tái lập tình trạng trên 1.000 ca/ngày sau 5 ngày giảm xuống dưới mức này. Đáng chú ý, Osaka đã ghi nhận số ca tử vong trong ngày cao nhất từ trước đến nay với 50 ca, nâng tổng số ca tử vong tại địa phương này lên con số 1.655.

Theo thông tin từ chính quyền tỉnh, hệ thống y tế tại Osaka đang quá tải, nhất là việc điều trị cho các ca bệnh nặng. Trong ngày 6/5, số bệnh nhân mắc COVID-19 ở tình trạng nặng tại Osaka là 440 người, trong khi chỉ có 364 giường đáp ứng điều kiện chữa trị cho bệnh nhân nặng.

Tính trên toàn quốc, trong ngày 7/5, Nhật Bản đã ghi nhận thêm 6.057 ca mắc COVID-19 mới, lần đầu tiên vượt ngưỡng 6.000 ca/ngày kể từ ngày 16/1 tới nay. Ngoài ra, Nhật Bản cũng có thêm 148 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong do dịch bệnh COVID-19 tại nước này lên 10.773 người.

Trong bối cảnh đó, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide đã tuyên bố gia hạn tình trạng khẩn cấp đối với 4 địa phương là Tokyo, Osaka, Hyogo và Kyoto đến hết ngày 31/5, đồng thời bổ sung thêm 2 tỉnh Aichi và Fukuoka vào danh sách áp dụng tình trạng khẩn cấp từ ngày 12/5. Ngoài ra, 3 tỉnh lân cận Tokyo thuộc Vùng thủ đô sẽ kéo dài các biện pháp trọng điểm phòng dịch đến hết tháng này. Các tỉnh Hokkaido, Gifu và Mie sẽ áp dụng các biện pháp trọng điểm phòng dịch từ ngày 9/5, trong khi tỉnh Miyagi sẽ được dỡ bỏ từ ngày 11/5.

Phát biểu tại họp báo tối 7/5, Thủ tướng Suga kêu gọi người dân Nhật Bản nâng cao hơn nữa tinh thần cảnh giác, hạn chế ra ngoài nếu không thực sự cần thiết. Các công sở ở Nhật Bản được khuyến khích giảm 70% số nhân viên làm việc trực tiếp. Ông cũng kêu gọi người dân ủng hộ chương trình tiêm chủng của chính phủ.

Theo kế hoạch, từ tuần tới, các địa phương ở Nhật Bản sẽ bước vào đợt tiêm chủng quy mô lớn với mục tiêu tiêm cho 1 triệu người mỗi ngày. Thủ đô Tokyo và tỉnh Osaka sẽ vận hành thêm Trung tâm tiêm chủng tăng cường từ ngày 24/5 với sự tham gia của cán bộ, nhân viên thuộc Bộ Quốc phòng và Lực lượng Phòng vệ.

Về nguồn cung vắcxin ngừa COVID-19, Thủ tướng Suga khẳng định sẽ đảm bảo đủ cho chiến dịch tiêm chủng sắp tới. Dự kiến cuối tháng 6 Nhật Bản sẽ có thêm 40 triệu liều vắcxin. Hãng dược phẩm Pfizer của Mỹ cũng đã cam kết cung cấp 50 triệu liều cho Nhật Bản vào tháng 9. Trong khi đó, chính phủ Nhật Bản đang tích cực đàm phán với các nhà cung cấp khác nhằm đảm bảo số lượng có 200 triệu liều vắcxin vào năm sau.

Tại Thái Lan, Thủ tướng Prayut Chan-o-cha đã tuyên bố sẽ mua tới 200 triệu liều vắcxin ngừa COVID-19 để chuẩn bị cho những trường hợp khẩn cấp khó lường trước khi đại dịch tiếp tục hoành hành ở nhiều nước.

Phát biểu trên chương trình PM Podcast hôm 7/5, Thủ tướng Prayut Chan-o-cha cho biết đại dịch toàn cầu không có dấu hiệu sẽ sớm biến mất, vì vậy chính phủ phải chuẩn bị để đối phó với mọi tình huống có thể phát sinh. Theo ông Prayut, ưu tiên đầu tiên sẽ là tăng số liều vắcxin lên 150 triệu liều hoặc hơn và chuẩn bị cho bất kỳ rủi ro nào liên quan đến những loại vắcxin đó.

Chính phủ Thái Lan đã đặt mục tiêu mua 100 triệu liều vắcxin để tiêm cho 50 triệu người trong tổng dân số khoảng 70 triệu người của Thái Lan nhằm tạo ra khả năng miễn dịch cộng đồng. Ông Prayut Chan-o-cha nói rằng Thái Lan có dân số trưởng thành khoảng 60 triệu người và do đó cần ít nhất 120 triệu liều vắcxin để tiêm mỗi người đủ 2 mũi.

Để chuẩn bị cho những rủi ro tiềm ẩn và sự không chắc chắn, Thái Lan có thể cần 150-200 triệu liều vắcxin cho các giai đoạn trong thời gian tới của chương trình tiêm chủng.

Cùng ngày, tổng cộng 1.389.600 liều vắcxin AstraZeneca phòng COVID-19 đã đến sân bay Soekarno Hatta, Cengkareng, Indonesia. Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi cho biết đây là số vắcxin mà Indoensia nhận được thông qua chương trình COVAX đa phương.

Trong khi đó, Chính phủ Anh ngày 7/5 đã công bố một "danh sách xanh" gồm các quốc gia và khu vực người dân nước này có thể đến du lịch mà không cần phải thực hiện cách ly khi trở về nước. Phát biểu trong một cuộc họp báo, Bộ trưởng Giao thông Anh Grant Shapps cho biết "danh sách xanh" nói trên bao gồm 12 quốc gia và khu vực, trong đó có Bồ Đào Nha, Israel, Singapore, Australia và New Zealand, và sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 17/5 tới.

Ông Shapps nêu rõ nhà chức trách Anh vẫn tiến hành các thủ tục phù hợp để đảm bảo việc đi lại có thể diễn ra an toàn, người dân vẫn phải xét nghiệm virus SARS-CoV-2 trước và sau khi đến các điểm du lịch trong "danh sách xanh".

Theo Bộ trưởng Shapps, đây được xem là một bước đi "thăm dò" do vẫn còn lo ngại "nguy cơ dịch COVID-19 bùng phát trở lại." Ông nhấn mạnh quyết định mới nhất của Chính phủ Anh là "một sự thận trọng cần thiết". Ông cho biết: "Chúng tôi phải đảm bảo rằng các quốc gia mà chúng tôi kết nối trở lại hiện đã an toàn".

Theo những điều chỉnh mới của Anh, Thổ Nhĩ Kỳ, Maldives và Nepal bị liệt vào "danh sách đỏ." Điều này đồng nghĩa với việc những người từ các quốc gia này trở về Anh sẽ phải thực hiện cách ly tại khách sạn trong 10 ngày. Các quốc gia trong danh sách màu xanh, màu hổ phách và màu đỏ - tương đương các cấp độ chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, sẽ được xem xét lại 3 tuần/lần, kể từ ngày 17/5 tới.

Theo số liệu thống kê chính thức công bố ngày 7/5, Anh ghi nhận thêm 2.490 bệnh nhân mới, nâng tổng số người mắc COVID-19 ở nước này lên 4.431.043 người. Bên cạnh đó, nước này cũng có thêm 15 trường hợp tử vong, nâng tổng người không qua khỏi đại dịch lên 127.598 người.

Tuy nhiên, những số liệu này chỉ tính đối với những ca tử vong trong vòng 28 ngày kể từ lần đầu cho kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2. Tính đến thời điểm này, hơn 35 triệu người tại Anh đã được tiêm liều đầu tiên của vắcxin ngừa COVID-19.

H.T (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/92/255403/an-do-lan-dau-ghi-nhan-hon-4-000-ca-tu-vong-mot-ngay-do-covid-19.html