Ấn Độ lên kế hoạch dùng mưa nhân tạo để xử lý ô nhiễm không khí
Trước tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng hiện nay, chính quyền thủ đô Ấn Độ lên kế hoạch sử dụng mưa nhân tạo để cố gắng cải thiện chất lượng không khí.
Tập đoàn IQAir của Thụy Sĩ cho biết, chỉ số chất lượng không khí của New Delhi liên tục chạm mức 400 trong tháng 11. Đây là mức độ được cho là gây nguy hiểm đến tính mạng của người dân.
Chính quyền Thủ đô New Delhi đã đưa ra thông báo đóng cửa tất cả các trường học công và tư từ ngày 9 - 18/11 để nghỉ đông sớm hơn dự kiến ban đầu là vào 11.
Khi chất lượng không khí trở nên tồi tệ, Tòa án Tối cao Ấn Độ trong ngày 7/11 đã ra lệnh cho các bang xung quanh New Delhi ngăn chặn nông dân đốt rác thải nông nghiệp. Lệnh ngừng hoạt động xây dựng và tuyên bố sẽ áp đặt các quy định hạn chế đối với phương tiện giao thông cũng đã được đưa ra.
Bên cạnh đó, chính quyền New Delhi lần đầu tiên lên kế hoạch tạo mưa để cố gắng cải thiện chất lượng không khí ở Thủ đô ô nhiễm nhất thế giới.
Ông Gopal Rai, người đứng đầu cơ quan môi trường thành phố New Delhi vào ngày 8/11 cho biết, chính quyền địa phương sẽ cố gắng gây mưa nhân tạo thông qua biện pháp gieo hạt trên đám mây trong tháng 11 nhằm nỗ lực chống ô nhiễm không khí ở thành phố này.
Kế hoạch trên bao gồm việc thả muối hoặc bạc iodide vào các đám mây từ máy bay nhằm thúc đẩy sự hình thành mưa. Các nhà khoa học Ấn Độ hy vọng, lượng mưa tạo ra sẽ giúp loại bỏ ô nhiễm khỏi không khí. Chính quyền khu vực Delhi cũng đang chờ phê duyệt từ các cơ quan quốc gia với hy vọng sẽ hoàn tất dự án trong tuần này.