Ấn Độ lo ngại việc Trung Quốc ào ạt đầu tư vào Maldives

Những dự án đầu tư của Trung Quốc vào Maldives khiến Ấn Độ lo ngại nguy cơ Bắc Kinh lợi dụng nhằm phục vụ mục đích quân sự và địa chính trị chiến lược.

Những khoản đầu tư của Trung Quốc vào Maldives từ lâu là chủ đề thu hút sự quan tâm và gây nhiều quan ngại. Maldives là quốc gia quần đảo có vị trí chiến lược quan trọng nằm dọc tuyến hàng hải đi qua Ấn Độ Dương.

Truyền thông Ấn Độ, đối tác truyền thống quan trọng nhất của Maldives, thường xuyên cảnh báo các khoản đầu tư của Trung Quốc là những bước đi mở đường cho Bắc Kinh tiếp cận về mặt quân sự đối với quần đảo này, theo báo cáo mới của trung tâm nghiên cứu CSIS.

Hợp đồng thuê cù lao Feydhoo Finolhu

Feydhoo Finolhu là cù lao nhỏ, có diện tích khoảng 1,3 km2, nằm cách thủ đô Male của Maldives khoảng 3 hải lý. Tháng 12/2016, một công ty không tiết lộ danh tính của Trung Quốc được chính phủ Maldives cho phép thuê lại cù lao này với giá hữu nghị chỉ 4 triệu USD.

Vị trí chiến lược của Feydhoo Finolhu cho phép người làm chủ hòn đảo kiểm soát giao thông đến và đi từ sân bay quốc tế ở thủ đô Male, cũng như các vùng biển lân cận.

Hợp đồng thuê Feydhoo Finolhu rẻ một cách khó hiểu cùng vị trí chiến lược của cù lao này làm dấy lên lo ngại đây không chỉ là thỏa thuận về phát triển thương mại.

Việc các bên liên quan không công bố danh tính công ty thuê Feydhoo Finolhu càng làm dấy lên những đồn đoán về bản chất hoạt động hợp tác giữa Maldives và công ty Trung Quốc.

 Công trình xây dựng trên cù lao Feydhoo Finolhu. Ảnh: CSIS.

Công trình xây dựng trên cù lao Feydhoo Finolhu. Ảnh: CSIS.

Từ tháng 12/2017, công ty Trung Quốc bắt đầu nạo vét và mở rộng Feydhoo Finolhu. Tiến độ thi công được đẩy nhanh trong năm 2018, khiến nhiều nhà quan sát quan ngại việc mở rộng cù lao là tiền đề xây dựng cầu cảng, đường băng, và các cơ sở khác, có thể sử dụng cho mục tiêu kép dân sự - quân sự.

Tới tháng 8, dự án xây dựng tại Feydhoo Finolhu gần như hoàn thiện và một khu nghỉ dưỡng đã thành hình. Công ty Trung Quốc đào một con kênh dẫn vào vịnh san hô, tạo ra cảng nhỏ cho phép tàu thuyền neo đậu.

CSIS cho rằng cảng nhân tạo này có quy mô tương đối khiêm tốn, nhiều khả năng chỉ sử dụng cho mục đích dân sự, như tiếp đón du khách đến từ thủ đô Male. Trong khi đó, các công trình xây dựng trên cù lao này có diện tích khá nhỏ.

"Phần diện tích còn lại của Feydhoo Finolhu khá hạn chế để xây dựng các công trình khác, bất kể phục vụ mục đích dân sự hay quân sự", CSIS nhận định, đồng thời cho rằng các dấu hiệu hiện nay cho thấy Feydhoo Finolhu là một khu nghỉ dưỡng thương mại, dù rằng công ty thi công cù lao tới nay vẫn là một "bóng ma".

Khu nghỉ dưỡng tại đảo san hô Kunaavashi

Một dự án khác của Trung Quốc tại Maldives là khu nghỉ dưỡng trên đảo san hô Kunaavashi, cách thủ đô Male 35 hải lý. Hòn đảo này được thuê trong thời hạn 50 năm bởi liên doanh Trung Quốc Guangdong Beta Oceans và đối tác bản địa là Tolarno Maldives Kunaavashi.

Công tác nạo vét và thi công xây dựng được khởi động từ năm 2015. Ban đầu, khu nghỉ dưỡng tại Kunaavashi được kỳ vọng sẽ mở cửa hoạt động vào cuối năm 2016. Tuy nhiên, dự án này tới nay vẫn chưa hoàn thành.

 Công trình xây dựng trên đảo san hô Kunaavashi. Ảnh: CSIS.

Công trình xây dựng trên đảo san hô Kunaavashi. Ảnh: CSIS.

Dự án tại Kunaavashi cũng làm dấy lên lo ngại về khả năng đảo san hô này được sử dụng cho mục đích quân sự bí mật. Tuy nhiên, những nghi ngờ đã giảm xuống sau khi các bên liên quan tới dự án công khai thông tin và hoạt động xây dựng.

Hình ảnh vệ tinh cho thấy các công trình xây dựng tại Kunaavashi dường như là khu nghỉ dưỡng đúng nghĩa, với những villa nằm dọc bờ biển, các ngôi nhà trên mặt nước, những hàng cây cọ và một cảng nước nông phục vụ mục đích dân sự.

Đầu tư lớn tại thủ đô Male

Những dự án lớn và nổi bật nhất của Trung Quốc là phát triển cơ sở hạ tầng ở thủ đô Male và vùng phụ cận Hulhumale. Tại thủ đô Male, Trung Quốc rót tiền giúp chính phủ Maldives xây dựng trung tâm hành chính và thương mại.

Hai dự án quan trọng nhất là mở rộng sân bay quốc tế Velena ở thủ đô Male và xây dựng cầu Sinamale nối thủ đô với vùng Hulhumale. Hai dự án này nhận vốn đầu tư từ Ngân hàng Xuất Nhập khẩu Trung Quốc.

Beijing Urban Construction là tập đoàn xây dựng Trung Quốc ký thỏa thuận mở rộng sân bay Velena năm 2014. Đáng chú ý, công ty Trung Quốc đã thay thế tập đoàn GMR của Ấn Độ, công ty trước đó được Maldives chọn để tiến hành dự án mở rộng sân bay.

Sau 4 năm, một đường băng dài 3.400m mở rộng về phía đông của đường băng cũ được khai trương vào năm 2018. Việc mở rộng sân bay bao gồm xây dựng mới một khu tiếp nhiên liệu và nhà ga hàng hóa của sân bay Velena. Để phục vụ dự án, chính phủ Maldives phải vay 800 triệu USD từ ngân hàng Trung Quốc.

 Đường băng tại sân bay Velena được mở rộng. Ảnh: CSIS.

Đường băng tại sân bay Velena được mở rộng. Ảnh: CSIS.

Trong khi đó, ý tưởng xây dựng một cây cầu nối Male và Hulhumale đã được đề ra từ năm 2007 dưới thời Tổng thống Mohamed Nasheed. Dự án được khởi động vào năm 2011 nhưng buộc phải dừng sau khi ông Nasheed rời nhiệm sở năm 2012.

Người kế nhiệm ông Nasheed là Abdulla Yameen tái khởi động dự án vào năm 2014 và trao hợp đồng cho nhà thầu Trung Quốc là China Habour Engieering Company.

Đáng chú ý, dưới thời Tổng thống Yameen, Maldives sửa đổi luật đất đai và đầu tư, cho phép người nước ngoài được mua đất tại nước này nếu đầu tư trên 1 tỷ USD.

Cây cầu nối Male và Hulhumale được khai trương vào năm 2018, chi phí hết khoảng 210 triệu USD. Gần 50% số tiền xây cầu được chính phủ Maldives vay từ Trung Quốc.

Cùng với dự án mở rộng sân bay Velena, cầu Sinamale được đánh giá là có ý nghĩa thương mại quan trọng đối với quốc gia có nền kinh tế dựa vào du lịch như Maldives.

Mặc dù vậy, hai dự án này tạo ra khoản nợ khổng lồ mà cựu Tổng thống Mohamed Nasheed chỉ trích là chính phủ Maldives không có khả năng thanh toán.

Những dự án dang dở

Các công ty Trung Quốc theo đuổi nhiều dự án khác tại Maldives, một số vấp phải nghi ngờ về mục tiêu quân sự và chiến lược.

Năm 2015, dự án xây dựng đảo Fahala tại rạn san hô Thaa được Maldives trao cho tập đoàn China Engineering and Machinery Corporation của Trung Quốc. Một dự án khác cũng thuộc về các công ty Trung Quốc là dự án xây dựng tại đảo Olhugiri. Mặc dù vậy, CSIS cho biết chưa có tiến triển tại cả hai dự án ở Fahala và Olhugiri.

Một dự án thu hút nhiều sự chú ý là trạm quan trắc hải dương trên đảo Makunudhoo, được Cơ quan Hải dương quốc gia Trung Quốc thúc đẩy. Năm 2017, Trung Quốc và Maldives thống nhất triển khai dự án, cùng thời điểm hai nước ký kết thỏa thuận thương mại tự do mới.

 Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tiếp Tổng thống Maldives Abdulla Yameen năm 2017 tại Bắc Kinh. Ảnh: Reuters.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tiếp Tổng thống Maldives Abdulla Yameen năm 2017 tại Bắc Kinh. Ảnh: Reuters.

Dự án trên đảo Makunudhoo vấp phải sự phản đối từ phía Ấn Độ, khi New Delhi cho rằng trạm quan trắc hải dương sẽ được Bắc Kinh lợi dụng phục vụ những mục đích khác ngoài quan sát và nghiên cứu khoa học.

Trong suốt năm 2018, các quan chức Ấn Độ liên tục hối thúc Maldives hủy bỏ dự án hợp tác với Trung Quốc. Tới tháng 6/2019, thỏa thuận về trạm quan trắc hải dương trên đảo Makunudhoo bị Maldives hủy bỏ.

"Maldives là nước nhỏ, phụ thuộc vào vay vốn nước ngoài, cùng với vị trí chiến lược của nó, làm dấy lên những lo ngại Trung Quốc sẽ sử dụng đòn bẩy kinh tế để đạt được nhượng bộ chính trị", CSIS bình luận.

Các quốc gia trong khu vực, đặc biệt là Ấn Độ, lo ngại Bắc Kinh có thể tìm cách đi xa hơn, tiếp cận các cơ sở tại Maldives nhằm phục vụ mục đích quân sự, như dự án trạm quan trắc trên đảo Makunudhoo mà nay đã bị hủy bỏ.

"Ấn Độ, đối tác truyền thống quan trọng nhất của Maldives, đến nay vẫn đang thành công trong ngăn chặn sự xâm nhập theo cách thức như vậy", CSIS bình luận.

CSIS cho rằng thái độ cảnh giác và ngờ vực sẽ luôn hiện hữu, trong bối cảnh Maldives chìm sâu vào nợ nần đối với Trung Quốc, dù những dự án mà các công ty Trung Quốc đang triển khai tại đây chưa cho thấy quá nhiều dấu hiệu đáng lo ngại.

Duy Anh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/an-do-lo-ngai-viec-trung-quoc-ao-at-dau-tu-vao-maldives-post1127904.html