Ấn Độ một lần nữa trong 'trận chiến lớn'
Trong 24 giờ qua, Ấn Độ ghi nhận 332.503 ca mắc COVID-19 và 2.256 ca tử vong, mức cao chưa từng thấy và đây cũng là ngày thứ 2 liên tiếp, nước này ghi nhận số ca mắc ở mức trên 300.000. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi trước đó đã tuyên bố Ấn Độ 'một lần nữa chiến đấu trong một trận chiến lớn'.
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8 giờ sáng 23/4 (giờ Việt Nam), quốc gia 1,3 tỉ dân này ghi nhận tổng cộng 16.257.309 ca nhiễm và 186.928 ca tử vong.
Đây là ngày thứ 2 Ấn Độ ghi nhận số ca nhiễm mới vượt 300.000 ca/ngày, sau chuỗi 8 ngày liên tiếp có số ca nhiễm mới trên 200.000 ca/ngày. Đây cũng là ngày thứ 3 liên tiếp số ca tử vong vượt 2.000 ca/ngày.
Trong bài phát biểu phát sóng trên toàn quốc tối 20/4, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tuyên bố Ấn Độ "một lần nữa chiến đấu trong một trận chiến lớn". Ông nêu rõ: "Tình hình (dịch bệnh) nằm trong tầm kiểm soát cho tới một vài tuần trước và sau đó làn sóng dịch bệnh thứ hai ào đến như một cơn bão".
Thực trạng này làm gia tăng áp lực vốn đã nặng nề đối với hệ thống y tế của Ấn Độ hiện đang trong tình trạng thiếu thốn vật tư y tế nghiêm trọng, đặc biệt là thiết bị cung cấp oxy cho các ca bệnh nặng.
Theo giới chức thành phố Nashik, cách thành phố Mumbai lớn nhất của Ấn Độ 167 km, số ca tử vong do thiếu thiết bị cung cấp oxy sau vụ rò rỉ khí oxy trong một bể chứa đã lên tới 29 người. Hiện giới chức Ấn Độ đã mở cuộc điều tra sự cố này. Trong khi đó, thủ đô New Delhi đã cảnh báo nhiều bệnh nhân COVID-19 có nguy cơ tử vong nếu các nguồn cung oxy tại các bệnh viện không được bảo đảm.
Giới chuyên gia y tế đang đặc biệt quan ngại về tình hình dịch bệnh COVID-19 và chưa thể xác định nguyên nhân số ca nhiễm mới tại Ấn Độ tăng đột biến trong thời gian gần đây do sự xuất hiện biến thể kép của SARS-CoV-2 hay thói quen sinh hoạt của người dân, đặc biệt trong các dịp lễ hội tập trung đông người thời gian gần đây.
Trước tình hình dịch bùng phát mạnh tại Ấn Độ, một số nước và vùng lãnh thổ trên thế giới gần đây đã công bố các quy định chặt chẽ hơn đối với việc đi lại từ quốc gia Nam Á này.
Hôm 19/4, Mỹ và Anh đã đưa ra các hạn chế đi lại đối với Ấn Độ, trong đó Mỹ khuyến cáo du khách không nên đến nước này ngay cả khi họ đã được tiêm phòng đầy đủ. Vùng lãnh thổ Hong Kong (Trung Quốc) đã cấm các chuyến bay chở khách từ Ấn Độ trong hai tuần kể từ ngày 19/4. New Zealand đã đình chỉ đi lại với Ấn Độ, kể cả đối với công dân của mình, từ ngày 11-28/4.
Singapore đã siết chặt các hạn chế đi lại đối với hành khách đến từ Ấn Độ trong khi Australia sẽ giảm 30% các chuyến bay thẳng giữa Ấn Độ và Sydney cũng như một số điểm nóng của dịch bệnh trên thế giới hiện nay để ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm.
Mới đây nhất, chính phủ liên bang Canada quyết định đình chỉ tất cả các chuyến bay thương mại và tư nhân chở khách từ Ấn Độ và Pakistan, trong 30 ngày, bắt đầu từ 23h30 ngày 22/4 (theo giờ miền Đông ở Bắc Mỹ). Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) cũng quyết định đình chỉ mọi chuyến bay từ Ấn Độ. Hành lang hàng không giữa Ấn Độ và UAE là một trong những tuyến đường đông đúc nhất thế giới, ước tính khoảng 300 chuyến bay/tuần.
Hơn 145 triệu ca mắc COVID-19 trên toàn cầu
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8h ngày 23/4 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 145.315.343 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 3.084.445 ca tử vong. Số bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh là 123.303.386 người.
Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 584.226 ca tử vong trong tổng số 32.669.121 ca nhiễm. Tiếp đó là Ấn Độ. Brazil đứng thứ 3 với 383.757 ca tử vong trong số 14.172.139 bệnh nhân.
Tính theo tỷ lệ dân số, CH Czech là quốc gia có tỷ lệ tử vong cao nhất, theo đó cứ 100.000 người dân thì có 269 người tử vong. Tiếp đến là Hungary với 267 người và Bosnia-Herzegovina với 246 người/100.000 dân.
Xét theo khu vực, châu Âu đang là tâm dịch của thế giới với hơn 48,7 triệu người mắc COVID-19, trong đó có hơn 1 triệu ca tử vong. Tiếp đến là các nước Mỹ Latinh và Caribe, với hơn 878.600 ca tử vong trong hơn 27,6 triệu ca nhiễm. Bắc Mỹ có hơn 593.100 ca tử vong trong hơn 33 triệu ca nhiễm. Châu Á ghi nhận hơn 305.900 ca tử vong trong hơn 22,4 triệu ca nhiễm. Trung Đông có hơn 124.900 ca tử vong, châu Phi ghi nhận hơn 118.800 ca tử vong, trong khi số người không qua khỏi ở châu Đại Dương là hơn 1.000 người.
Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/quocte/an-do-mot-lan-nua-trong-tran-chien-lon/429042.vgp