Ấn Độ phải tăng cường quan hệ với Việt Nam
Việt Nam bắt đầu cải cách kinh tế vào năm 1986. Kết quả thật ngoạn mục. Hãy đến Việt Nam để xem lịch sử chữa lành những vết thương và phát triển mạnh mẽ như thế nào. Ông Sudheendra Kulkarni, nguyên trợ lý của cố Thủ tướng Ấn Độ Atal Bihari Vajpayee (1924-2018) nhận định điều đó trong bài viết mới đăng trên báo Indian Express.
Nhận định "tất cả lịch sử là một cuộc du hành của thời gian", tác giả bài viết nhắc lại “Tôi là thời gian” - câu mở đầu nổi tiếng của Mahabharat, bộ phim truyền hình dài tập gây sốt ở Ấn Độ vào cuối những năm 1980.
Câu thoại gói gọn thông điệp vĩnh cửu trong sử thi vĩ đại của đất nước sông Hằng, cho thấy thời gian vừa là người thầy vừa là người chữa lành. Sức mạnh chữa lành của thời gian là sự thật, chiến thắng sự kiêu ngạo của giả dối.
Công lý không ngừng đấu tranh chống lại sự bất công và giành chiến thắng. Chiến tranh phục tùng hòa bình. Xây dựng theo sau sự phá hủy và hòa giải luôn thay thế cho sự hận thù.
Khi điều đó xảy ra, chiến trường sẽ nhường chỗ cho trường học, đại học, khu công nghiệp công nghệ cao, cánh đồng lúa xanh tươi, sân vận động thể thao, khu chợ sầm uất và những khu du lịch hấp dẫn.
Ông Sudheendra Kulkarni khẳng định, hãy đến Việt Nam để xem lịch sử đã chữa lành những vết thương và phát triển mạnh mẽ như thế nào.
Người Việt Nam dũng cảm, yêu tự do lại đứng lên chống ách thống trị của thực dân Pháp (1887-1954). Người Pháp biện minh cho chủ nghĩa đế quốc của họ bằng cách tuyên bố họ đang thực hiện “sứ mệnh khai hóa văn minh”.
Trong Chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất từ năm 1946 đến năm 1954, họ đã giết hại gần 200.000 người Việt Nam, nhưng cuối cùng đã phải tháo chạy tại căn cứ không quân Điện Biên Phủ.
Rồi đến người Mỹ hùng mạnh, cũng phải chịu thất bại sau 20 năm. Họ biện minh cho cuộc chiến của mình bằng cách tuyên bố rằng cần phải đẩy lùi “làn sóng chủ nghĩa cộng sản” ở châu Á. Gần 5 triệu người Việt Nam đã thiệt mạng, 4/5 trong số đó là dân thường.
Hơn 58.000 lính Mỹ cũng đã thiệt mạng và tên của họ được khắc tại Đài tưởng niệm Chiến tranh Việt Nam ở Washington, D.C. Số tấn bom Mỹ đã ném xuống Việt Nam nhiều gấp ba lần số tấn bom mà quân Đồng minh thả trong toàn bộ Thế chiến II.
Tác giả bài viết khẳng định, người Ấn Độ không được quên bom đạn của Pháp và Mỹ đã phá hủy nhiều ngôi đền Hindu tinh xảo do các vua Champa xây dựng từ thế kỷ thứ IV đến thế kỷ XIV ở miền Trung Việt Nam. Giữa những năm 1961-1971, Mỹ đã rải 13 triệu gallon chất độc da cam, một loại vũ khí hóa học chết người vào rừng và đất nông nghiệp. Điều này gây ra bệnh ung thư và dị tật bẩm sinh ở quy mô đáng kinh ngạc, thậm chí có thể thấy rõ cho đến ngày nay.
Để biết nỗi kinh hoàng mà quân đội Mỹ gây ra, ông Sudheendra Kulkarni gợi ý ghé thăm Bảo tàng Chứng tích chiến tranh ở Thành phố Hồ Chí Minh. Để thấy sự dũng cảm và khéo léo đáng kinh ngạc của du kích Việt Nam, hãy đến địa đạo Củ Chi trong một khu rừng ở ngoại ô thành phố. Tại đây, họ đã đào một mê cung ba lớp hầm ngầm dài hơn 300 km hoàn chỉnh với doanh trại quân đội, bệnh viện, hội trường và phòng ăn.
Tháng 2/1979, Việt Nam lại phải trải qua một cuộc chiến ngắn ngủi trên toàn tuyến biên giới phía Bắc với nước láng giềng Trung Quốc. Chiến tranh kết thúc sau một tháng, với việc Trung Quốc rút quân.
Ngày nay, theo tác giả bài viết, Việt Nam là một dân tộc chuyển mình kỳ diệu. Với việc thực hiện hai mục tiêu lớn - độc lập (khỏi ách thống trị của thực dân) và thống nhất (thống nhất hai miền đất nước phía Bắc và phía Nam) - ký ức về chiến tranh đã được gột rửa khỏi mọi cay đắng đối với kẻ xâm lược. Việt Nam hiện có quan hệ thân thiện với cả Mỹ và Trung Quốc.
Ông Sudheendra Kulkarni - người sáng lập, chủ tịch Diễn đàn vì một Nam Á mới (Forum for a New South Asia) nhắc lại cuộc trao đổi ở Hà Nội giữa ông với nguyên Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Tôn Sinh Thành. Khi ông hỏi, “Người Việt nhìn nhận lịch sử chiến tranh của họ như thế nào?”, Đại sứ Tôn Sinh Thành trả lời: “Chúng tôi không quên điều gì, nhưng tha thứ tất cả. Chúng tôi không muốn bị ám ảnh bởi quá khứ. Bây giờ chúng tôi tập trung hơn vào việc xây dựng một tương lai tươi sáng cho Tổ quốc, vì thế chúng tôi cần hòa bình và phát triển”.
Tác giả viết thêm, Việt Nam biết rằng, hòa bình với các nước láng giềng và hợp tác với tất cả các nước là điều tất yếu để tạo dựng một tương lai hạnh phúc cho người dân. “Nếu đất nước độc lập mà người dân không có hạnh phúc, tự do thì độc lập là vô nghĩa”. Những lời hiền triết của Hồ Chí Minh, người cha của dân tộc Việt Nam, là kim chỉ nam cho Đảng Cộng sản và Chính phủ Việt Nam trong mọi quyết sách và hành động.
Để bảo đảm hòa bình, vào năm 2019, Việt Nam đã khôn ngoan áp dụng chính sách quốc phòng “Bốn không”. Việt Nam không tham gia bất kỳ liên minh quân sự nào; không đứng về phía nước này để chống lại nước khác; không cho đặt căn cứ quân sự nước ngoài hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống nước thứ ba; không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.
Việt Nam bắt đầu công cuộc Đổi mới vào năm 1986. Kết quả thật ngoạn mục. Thu nhập bình quân đầu người đã tăng từ 100 USD vào những năm 1980 lên 4.300 USD vào năm 2023, cao hơn 16% so với Ấn Độ. Xuất khẩu đã tăng vọt từ 2 tỷ USD năm 2001 lên 375 tỷ USD hiện nay. Tỷ lệ hộ nghèo đã giảm xuống dưới 3%.
Tuy nhiên, qua trao đổi với vị chuyên gia người Ấn Độ, một số người Việt Nam có uy tín cho rằng, New Delhi chưa quan tâm đúng mức tới việc mở rộng quan hệ thương mại, kinh doanh với Hà Nội. Theo tác giả, nhận định đó là có căn cứ. Chẳng hạn, Ấn Độ chưa có Hiệp định thương mại tự do với Việt Nam, vốn có thể thúc đẩy thương mại song phương từ 15 tỷ USD lên hơn 50 tỷ USD trong 5 năm (thương mại Việt Nam-Trung Quốc đã tăng từ 2,4 tỷ USD năm 2000 lên hơn 175 tỷ USD vào năm 2022).
Kết thúc bài viết, tác giả trích nguyên văn câu tóm tắt của Đại sứ Tôn Sinh Thành: “Hai nước chúng ta có mối quan hệ chính trị cực kỳ tốt đẹp. Chúng ta chưa bao giờ có bất kỳ xung đột nào, kể cả trong lịch sử hay thời hiện đại. Người dân và chính phủ Việt Nam rất vui mừng trước việc Ấn Độ đang vươn lên thành một cường quốc châu Á và thế giới. Tuy nhiên, New Delhi có vẻ đang nhìn về hướng Tây hơn là hướng Đông. Nếu muốn tận dụng những cơ hội to lớn mà Việt Nam mang lại – và cả nếu muốn mở rộng ảnh hưởng của mình ở khu vực Đông Dương, ASEAN và rộng lớn hơn – Ấn Độ không phải Hành động hướng Đông mà còn phải Hành động nhanh”.
Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/an-do-phai-tang-cuong-quan-he-voi-viet-nam-255669.html