Ấn Độ 'quay ngoắt' 180 độ trước thỏa thuận quốc phòng Mỹ - Maldives: TQ là nguyên nhân?
Chính phủ Mỹ và Maldives vừa kí một thỏa thuận hợp tác quốc phòng - dấu hiệu cho thấy sự chuyển dịch về cán cân địa chính trị trên khu vực chiến lược Ấn Độ Dương.
Thái độ trái ngược so với 7 năm trước của Ấn Độ
Khác với một cơ chế có phần tương tự được thực thi vào 7 năm trước, khung hợp tác mới giữa Bộ Quốc phòng Mỹ và Maldives được kí kết mà không vấp phải sự phản đối từ Ấn Độ, vốn đang cùng với Trung Quốc, Nhật Bản và Mỹ cạnh trah nhằm gia tăng tầm ảnh hưởng tại Nam Á.
Vào năm 2013, New Delhi đã thành công trong việc "phá hỏng" kế hoạch của Mỹ về việc kí kết thỏa thuận quân sự với Maldives, một quần đảo nổi tiếng về du lịch tại Ấn Độ Dương. Ở thời điểm đó, Washington cho biết khi đi vào thực thi, thỏa thuận sẽ tạo cơ chế cho các hoạt động quốc phòng giữa Mỹ và Maldives, thay vì tạo ra sự hiện diện của "một lực lượng quân sự mới".
Ngay sau khi kí kết thỏa thuận mới, Bộ Quốc phòng Maldives nhận định trên Twitter rằng, thỏa thuận sẽ tạo ra những giá trị to lớn đối với mối quan hệ đang rất tốt đẹp giữa Mỹ và Maldives, vốn được thiết lập dựa trên các nguyên tác và lợi ích chung về hòa bình và an ninh trên khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương trong bối cảnh đang gia tăng các mối đe dọa từ khủng bố và cướp biển.
Theo bà Alaina Teplitz, Đại sứ Mỹ tại Maldives và Sri Lanka, thỏa thuận trên sẽ mở đường cho Maldives cùng góp sức với các quốc gia khác trong nỗ lực "chia sẻ trách nhiệm nhằm duy trì luật lệ và giá trị đảm bảo cho một vùng mở và tự do Ấn Độ - Thái Bình Dương".
Lực lượng phòng vệ quốc gia Maldives (MNDF) với quân số chỉ 20.000, sẽ là đơn vị hưởng lợi trực tiếp từ thỏa thuận với Washington.
"Thỏa thuận này sẽ thúc đẩy các đối thoại ở cấp cao, nâng cao năng lực hợp tác và thúc đẩy các hoạt động hợp tác chung với MNDF", bà Teplitz trả lời tờ Nikkei.
Thông điệp này thể hiện sự đồng thuận của Maldives, quốc gia nhỏ nhất tại Nam Á khi xét đến bối cảnh rộng hơn của thỏa thuận.
Cụm từ "Ấn Độ - Thái Bình Dương" được nhắc đến có liên hệ tới chiến lược về khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương mở và tự do mà Tổng thống Donald Trump đang triển khai.
Các nhà phân tích cho rằng việc Ấn Độ thay đổi quan điểm nhằm tạo điều kiện cho việc triển khai thỏa thuận hợp tác quốc phòng giữa Mỹ và Maldives đã ghi nhận sự phát triển trong quan hệ song phương Mỹ - Ấn Độ, cũng như góc nhìn mới của New Delhi về vai trò của Mỹ tại khu vực Ấn Độ Dương.
"Mối quan hệ chiến lược sâu sắc giữa Ấn Độ và Mỹ phản ánh thông qua vai trò trung tâm của Ấn Độ trong chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương", Aparna Pande, giám đốc Sáng kiến vì Tương lai Ấn Độ và Nam Á tại Viện Hudson có trụ sở ở Washington, nói.
Trung Quốc là nguyên nhân?
Theo Pande, việc Mỹ tăng cường quan hệ quân sự và thúc đẩy các lợi ích chiến lược của Ấn Độ trước Pakistan, quốc gia cạnh tranh tầm ảnh hưởng ở khu vực, đã khiến New Delhi thay đổi quan điểm.
"Trong bối cảnh hiện nay, Ấn Độ coi sự hiện diện của Washington tại Sri Lanka, Maldives, Bangladesh hay Nepal không đi ngược lại với các lợi ích chiến lược của Ấn Độ - và không còn là thời kì chiến tranh lạnh khi Mỹ bị coi như một thế lực bên ngoài có quan điểm ủng hộ Pakistan".
Trong khi đó, việc Trung Quốc tăng cường sự hiện diện ở Ấn Độ Dương, đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới tầm ảnh hưởng của New Delhi tại đây.
Tổng thống Maldives Abdulla Yameen trong suốt 5 năm nhiệm kỳ tới 2018 đã thúc đẩy quan hệ với Bắc Kinh. Để đổi lại, Trung Quốc đã đổ hàng trăm triệu USD nhằm giúp thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng tại Maldives. Tuy nhiên, khi ông Yameen kết thúc nhiệm kỳ, cũng là lúc nền kinh tế quy mô 5 tỷ USD đang phải đối mặt với khoản nợ lên tới 1,4 tỷ USD.
Một nghiên cứu khác chỉ ra số nợ của Maldives đối với Trung Quốc có thể gần tới con số 3,5 tỷ USD, nhưng đã bị Bắc Kinh bác bỏ.
"Sự có mặt của Trung Quốc đã tạo ra sự thay đổi về khía cạnh an ninh trên Ấn Độ Dương", Nilanthi Samaranyake, giám đốc nghiên cứu chính sách và chiến lược tại Viện Phân tích Hải Quân có trụ sở ở Washington, nhận định.
"Thực tế rằng Ấn Độ hiện đang ủng hộ hợp tác quân sự giữa Mỹ và Maldives là sự thay đổi lớn xuất phát từ mối đe dọa đến từ Trung Quốc", Nilanthi Samaranyake nói thêm.
Samaranyake kì vọng khung hợp tác này sẽ tạo điều kiện cho việc triển khai các hoạt động đối thoại mang tính toàn diện về quốc phòng và an ninh giữa Mỹ và Maldives:"Mỹ đang từng bước thúc đẩy hợp tác quốc phòng với các đối tác phi truyền thống".
Và rõ ràng, bước đi mới nhất của Mỹ đã khiến Trung Quốc chú ý.
"Các cường quốc không nên tiếp tục mở rộng tầm ảnh hưởng ra bên ngoài", Long Xingchuan, nhà nghiên cứu cao cấp tại Trường Đại học Đối ngoại Bắc Kinh viết trên mục bình luận ở tờ Hoàn cầu. "Ở thế kỉ 21, các quốc gia nên hướng tới các hợp tác mang tính tự do, cân bằng và cùng có lợi".