Ấn Độ sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm làm Open Network với Việt Nam
Với kinh nghiệm triển khai Open Network cho người dân và doanh nghiệp, tổ chức iSPIRT của Ấn Độ đề xuất thành lập nhóm kỹ thuật để chia sẻ cách làm với Việt Nam.
Chiều 16/1, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã tiếp đón ông Sharad Sharma, đồng sáng lập tổ chức iSPIRT và Thành viên Ban Tư vấn về Trí tuệ nhân tạo của Liên Hợp Quốc. Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Bộ TT&TT Triệu Minh Long cùng đại diện các cơ quan thuộc Bộ TT&TT cũng tham dự buổi tiếp.
Mở đầu buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhận xét, thời gian gần đây, Ấn Độ có rất nhiều sáng kiến dưới thời Thủ tướng Narendra Modi. Nhấn mạnh vai trò của người lãnh đạo quốc gia, ông Sharma cho biết một trong những thay đổi lớn mà Thủ tướng Modi đã mang đến là lan tỏa niềm tin, sự tự tin cho người dân Ấn Độ và điều này cũng được phản ánh trong lĩnh vực công nghệ.
“10-20 năm trước, chúng tôi chưa bao giờ nghĩ đến chuyện sẽ chuyển tập trung vào công nghệ nhưng niềm tin chung đó đã giúp hiện thực hóa điều đó”, ông nói.
Tổ chức iSPIRIT do ông Sharma đồng sáng lập đã đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển Indian Stack, nền tảng công nghệ bao gồm các dịch vụ như UPI (giao diện thanh toán hợp nhất, tích hợp nhiều tài khoản ngân hàng vào một ứng dụng để thực hiện giao dịch tài chính), Digilocker (dịch vụ lưu trữ điện tử cho giấy tờ và tài liệu quan trọng cho mỗi cá nhân), xác minh danh tính trực tuyến eKYC, chữ ký số eSign. Qua đó, hơn 80% dân số Ấn Độ có tài khoản tài chính thức, thúc đẩy sự ra đời của 800.000 ứng dụng.
Để phát triển hạ tầng công cộng số (DPI) và mạng lưới thanh toán số, Ấn Độ áp dụng cách tiếp cận bốn tầng, trong đó tầng một - định danh - là nền tảng, xác minh danh tính cá nhân trong không gian số. Tiếp đến, tầng hai thanh toán giúp tối ưu hóa giao dịch tài chính; tầng ba dữ liệu giúp quản lý và bảo mật lượng dữ liệu lớn được tạo ra và sử dụng bởi dịch vụ số. Cuối cùng, tầng bốn cao nhất là các dịch vụ cốt lõi, nơi tất cả các tầng khác hội tụ để cung cấp dịch vụ toàn diện cho công dân. Hạ tầng công cộng này giúp tất cả mọi người, doanh nghiệp đều bình đẳng với nhau.
Một thành phần nổi bật trong “kim tự tháp” Indian Stack của Ấn Độ là Open Network. Để dễ hình dung, nếu Amazon là mạng lưới thương mại điện tử khép kín của người bán, hậu cần, công ty và người mua, Open Network lại là một mạng mở, nơi tất cả mọi người đều có thể tham gia, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ba mạng lưới đang được triển khai trong Open Network là OCEN (mạng tín dụng mở), ONDC (mạng thương mại kỹ thuật số mở) và OHSN (mạng dịch vụ y tế mở). Một điểm đặc biệt là các nền tảng được xây dựng và vận hành bởi một nhóm tình nguyện viên kỹ thuật.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng, khi được Bộ trưởng giao dự thảo Chiến lược quốc gia về kinh tế số và xã hội số, ông đã dành trọn vẹn Tết năm 2020 để nghiên cứu về Indian Stack. Khi đó, Việt Nam chưa có VNeID, chưa có DPI trong giao dịch ngân hàng và Digilocker. Tuy nhiên, hiện nay đã có đủ cả ba. Có thể nói, những thứ được triển khai thời gian qua tại Việt Nam được truyền cảm hứng rất nhiều từ Indian Stack.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ Việt Nam là nước rất chủ động về thiết bị hạ tầng viễn thông. Việt Nam cũng là nước thứ năm trên thế giới làm chủ công nghệ 5G. Bộ trưởng mong muốn có thể hợp tác hơn nữa với Ấn Độ trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông, trong đó ưu tiên Open Network, điều chưa được triển khai ở Việt Nam. Ông Shama đề xuất Bộ TT&TT và iSPIRT có thể thành lập hai đội kỹ thuật để tổ chức iSPIRT chia sẻ kinh nghiệm làm Open Network cho đặc thù của Việt Nam, trước khi thảo luận triển khai cho y tế, thương mại hay SME...
Nhận xét Ấn Độ có nhiều công nghệ tốt nhưng chưa đưa ra nước ngoài nhiều, người đứng đầu Bộ TT&TT cho rằng đã đến lúc đất nước tăng tỷ lệ thâm nhập thị trường quốc tế. Những chia sẻ của ông Sharma và các thành viên trong đoàn đã nói đến vấn đề rất căn bản của loài người, đó là giải quyết cân bằng giữa công và tư. Các quốc gia, chế độ khác nhau ở sự phối hợp công - tư.
Bộ trưởng chỉ ra, trong mô hình, hệ thống hạ tầng là khu vực công, liên quan đến đầu tư và đòi hỏi không quá nhiều về đổi mới. Phần ứng dụng, khu vực tư nhân chắc chắn làm tốt nhất. Có rất nhiều doanh nghiệp tư nhân nên họ hiểu được nhiều vấn đề và bài toán của xã hội. Tuy nhiên, do nguồn lực nhỏ, họ phải dựa trên hạ tầng công cộng miễn phí. Mỗi bên đều tốt hơn ở một số điểm, nếu tìm được đúng vị trí của khu vực công cộng và riêng tư, quốc gia sẽ phát triển.
Ông Sharma cảm ơn Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng và Bộ TT&TT, đồng thời hi vọng nhiều năm sau nhìn lại, có thể nhớ lại bước đầu rất suôn sẻ và có nhiều hợp tác đáng trông đợi trong tương lai.