Ấn Độ sẽ sớm trở thành quốc gia tiếp theo sở hữu S-400?
Ngay sau khi các thành phần của tổ hợp tên lửa S-400 Triumph được bàn giao cho Thổ Nhĩ Kỳ bất chấp các cảnh báo trừng phạt từ Mỹ, đã xuất hiện thông tin về khả năng Ấn Độ sẽ sớm trở thành quốc gia tiếp theo sở hữu dòng tên lửa phòng không hiện đại hàng đầu thế giới này.
Liên quan tới vấn đề này, Phó chủ tịch Cơ quan Hợp tác kỹ thuật quốc phòng Nga (FSMTC), Vladimir Drozhzhov mới đây khẳng định, với những thỏa thuận đã ký, Nga đang chờ phía Ấn Độ tạm ứng cho hợp đồng cung cấp S-400 dự kiến vào cuối năm 2019. Nếu mọi việc thuận lợi, lô trang bị S-400 đầu tiên sẽ tới quốc gia Nam Á này vào cuối năm 2020 và hoàn thành trước năm 2025.
Tháng 10-2018, trong khuôn khổ chuyến thăm Ấn Độ của Tổng thống Nga Vladimir Putin, hai bên đã ký hàng loạt thỏa thuận quân sự lớn, trong đó có hợp đồng cung cấp 10 tổ hợp S-400 trị giá tới 5,4 tỷ USD. Sau thỏa thuận cung cấp S-400 giữa Nga và Ấn Độ, Bộ Ngoại giao Mỹ đã đưa ra cảnh báo với phía Ấn Độ về việc hợp đồng giữa Moscow và New Delhi có thể ảnh hưởng tới hợp tác trong lĩnh vực quân sự giữa Mỹ và Ấn Độ, cũng như việc Ấn Độ có thể bị trừng phạt theo quy định của Đạo luật Chống lại các đối thủ của Mỹ (CAATSA). Tuy nhiên, những động thái gần đây từ cả phía Nga và Ấn Độ cho thấy, New Delhi đang rất quyết tâm thực hiện hợp đồng mua S-400 với Nga bất chấp các tuyên bố trừng phạt từ phía Mỹ.
Nga đưa ra những đề nghị khó có thể từ chối
Trong thực tế, thỏa thuận cung cấp các tổ hợp S-400 cho Ấn Độ nằm trong gói hợp đồng quân sự trị giá tới 14 tỷ USD với những đề nghị rất hấp dẫn từ phía Nga. Theo FSMTC, cùng với S-400, Nga đã đề xuất hợp tác với Ấn Độ cùng phát triển tàu ngầm chạy diesel-điện thế hệ mới Amur-1650 với nhiều công nghệ tiên tiến. Không phải lắp ráp theo bản quyền chuyển giao công nghệ, mà phía Ấn Độ được tiếp cận vào công nghệ lõi của tàu ngầm chạy diesel-điện tân tiến của Nga.
“Chúng tôi đề nghị phía Ấn Độ cùng hợp tác phát triển tàu ngầm Amur-1650. Đề nghị này không phải là chuyển giao bản quyền lắp ráp, mà là hợp tác cùng phát triển, thiết kế và đóng mới”, ông Vladimir Drozhzhov cho biết.
Đề xuất của Nga đã đáp ứng được yêu cầu của Hải quân Ấn Độ tìm kiếm dòng tàu ngầm chạy diesel-điện mới có khả năng mang tên lửa hành trình diệt hạm và tấn công các mục tiêu trên bộ. Tàu ngầm Amur-1650 hoàn toàn có thể tích hợp tên lửa Kalibr hoặc BrahMos theo yêu cầu của Hải quân Ấn Độ. Đề xuất của Nga vượt qua các lời đề nghị của nhà thầu phương Tây.
Không chỉ hợp tác phát triển tàu ngầm, Nga còn đề xuất hợp tác với Ấn Độ sản xuất súng trường tấn công thế hệ mới AK-203, vốn được phát triển trên nền tảng súng trường AK-12 mới nhất của Nga.
Trong tháng 3-2019, Nga và Ấn Độ đã thành lập công ty liên doanh Indo-Russia rifles Private Limited đặt trụ sở tại thành phố Korwa, bang Uttar Pradesh. Lãnh đạo Tập đoàn Nga Rosoboronexport, Alexander Mikheev khẳng định, nhà máy mới có thể đáp ứng được nhu cầu của Quân đội Ấn Độ về dòng súng trường tấn công mới, cũng như các trang bị có liên quan.
Cùng với các thỏa thuận trên, Tập đoàn chế tạo hàng không MiG cũng khẳng định sẽ giới thiệu dòng máy bay tiêm kích đa năng hạng nhẹ Mig-35 với các công nghệ mới nhất cho Ấn Độ. Đại diện Tập đoàn MiG khẳng định, Mig-35 giới thiệu cho Ấn Độ sẽ có mức giá cạnh tranh hơn rất nhiều so với dòng máy bay Bộ Quốc phòng Ấn Độ đang cân nhắc, cũng như các thỏa thuận chuyển giao công nghệ và sản xuất tại Ấn Độ khó có thể từ chối. Hiện tại, Ấn Độ đang cân nhắc mở thầu tìm mua 110 máy bay chiến đấu hạng nhẹ mới sau khi gói thầu MMRCA đổ vỡ và lời đề nghị của Tập đoàn MiG là rất hứa hẹn.
Lệnh trừng phạt của Mỹ liệu có hiệu lực?
Trước tuyên bố trừng phạt từ phía Mỹ, lãnh đạo FSMTC khẳng định, những nỗ lực ngăn cản của Washington sẽ không khiến Nga rút khỏi các hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng với Ấn Độ. “Các lệnh trừng phạt không mang lại lợi ích cho các bên. Bất kỳ ai cũng có thể nhận ra điều này và chúng tôi sẽ tìm cách vượt qua chúng. Chúng tôi đánh giá rất cao đối tác Ấn Độ trong lĩnh vực này. Cho tới khi tìm ra giải pháp thích hợp cho hợp đồng S-400, chúng tôi đã tìm ra cách hợp tác đóng mới khinh hạm lớp 11356, lắp ráp súng trường tấn công AK”, ông Vladimir Drozhzhov nhấn mạnh.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Ấn Độ cũng đã một lần nữa khẳng định sẽ tiếp tục hợp đồng mua S-400 với phía Nga bất chấp nguy cơ trừng phạt từ Mỹ. “Tôi chưa thể công bố cách làm thế nào để giải quyết các vấn đề có thể phát sinh. Chúng tôi (Ấn Độ và Nga) đã ký hợp đồng và các bước đang được triển khai theo kế hoạch. Chúng tôi đã và sẽ tiếp tục thương lượng với phía Mỹ các vấn đề liên quan tới CAATSA”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ấn Độ khẳng định trong một buổi họp báo tại New Delhi đầu tháng 6-2019.
Theo Bộ Ngoại giao Ấn Độ, hợp tác quốc phòng giữa Ấn Độ và Mỹ cũng tương xứng với các đối tác chiến lược khác của nước này, trong đó có Nga. Một trong những động thái liên quan tới hợp đồng cung cấp S-400 giữa Nga và Ấn Độ khác là việc Ấn Độ có thể cân nhắc thanh toán hợp đồng bằng euro hoặc bằng nội tệ quy đổi rubee-rúp để tránh các lệnh trừng phạt từ phía Mỹ.