Ấn Độ thất thủ, thợ làm váy cho sao Hollywood mất việc
Trong khi thợ thủ công về quê kiếm kế sinh nhai, các nhà quản lý cũng đang đứng trước bờ vực kiệt quệ tài chính.
Saddam Sekh từng là giám sát sàn tại một xưởng sản xuất các đơn đặt hàng cho những nhà mốt nổi tiếng, bao gồm Dior và Gucci ở Mumbai, Ấn Độ. Anh có nhiệm vụ theo dõi tiến độ của các karigar - thuật ngữ tiếng Urdu chỉ những nghệ nhân có tay nghề cao chuyên thêu, đính cườm và đính kết.
Họ chuyên làm những chiếc váy lộng lẫy cho diễn viên Hollywood hoặc các mẫu trang trí công phu cho buổi trình diễn ở Milan (Italy), Paris (Pháp).
Tuy nhiên, Sekh đã không phải làm công việc này nữa, "xương sống" của chuỗi cung ứng hàng may mặc Ấn Độ nhanh chóng sụp đổ khi làn sóng thứ 2 của Covid-19 ập đến đất nước này, theo The New York Times.
"Nhà máy hiện đóng cửa. Một số nghệ nhân đã làm việc với mức lương 2,5-4 USD/ngày. Họ chạy đi khắp nơi để kiếm công việc khác, cầu xin các khoản vay. Những nhà quản lý cũng không thể cứu vãn nổi vì cũng khổ chẳng kém. Các karigar đang ở trong tình trạng cực kỳ đau khổ", Sekh nói.
"Tôi chưa từng thấy cảnh này trong 35 năm qua"
Tình hình hiện khác xa với một tháng trước. Khi đó, New Indian Express đăng tải bài viết Các nhà thiết kế thời trang Ấn Độ đảm bảo karigar không bị chao đảo.
Họ giúp đỡ bằng cách đóng bảo hiểm y tế hoặc bảo hiểm phòng trừ trường hợp không may xảy ra trong thời diểm dịch bệnh cho thợ thủ công. Một số nhà thiết kế đảm bảo đưa đủ tiền mặt khi người lao động cần vay hay cố gắng tạo ra việc làm bằng cách chuyển sang may khẩu trang. Tuy nhiên, đó là câu chuyện trước đó - lúc Ấn Độ chưa thất thủ.
Từ lâu, Mumbai - nơi có nhân công giá rẻ và chất lượng thủ công phức tạp cao - đã trở thành trụ cột trong chuỗi cung ứng hàng xa xỉ toàn cầu. Do đại dịch, các đơn đặt hàng biến mất chỉ sau một đêm.
Sunil Sethi - chủ tịch hội đồng thiết kế thời trang Ấn Độ - cho biết: "Đó là thảm họa toàn diện cho ngành công nghiệp của chúng tôi. Nhiều nơi buộc phải đóng cửa hoặc cắt giảm lực lượng lao động của họ".
Các đơn đặt hàng trang phục trên thảm đỏ hay dạ tiệc hầu như không còn nữa. Điều đó tạo nên áp lực tài chính đối với những xưởng sản xuất nơi đây.
Max Modesti - người sáng lập công ty thêu hợp tác với Chanel và Hermès - nói: "Các đơn đặt hàng từ hãng thời trang phương Tây đã giảm khoảng 50-70% hoặc bị hủy bỏ. Trong hơn 35 năm kinh doanh và trải qua nhiều lần suy thoái, tôi chưa bao giờ thấy điều gì giống như vậy".
Lối thoát nào cho karigar?
Nếu lúc trước họ tập trung vào việc cải thiện quyền của người lao động, nhiều người bây giờ chỉ nghĩ đến sự sống còn.
Tập đoàn LVMH và Kering từng giải quyết vấn đề quyền lao động trước đại dịch bằng thỏa thuận được gọi là hiệp ước Utthan. Tuy nhiên, việc duy trì các quyền lao động cơ bản như tiền lương công bằng đã không đi đến đâu, dù Ấn Độ vẫn chưa nguy kịch khi đó.
Hiện tại, theo trung tâm giám sát kinh tế Ấn Độ, khoảng 140 triệu người mất việc làm kể từ tháng 3 năm ngoái.
Theo ông Modesti, chi phí cho các biện pháp an toàn liên quan đến Covid-19 đối với nhiều nhà sản xuất cố gắng mở cửa trở lại vào năm ngoái đã làm tăng nguy cơ phá sản. Nhiều nhà cung cấp cố gắng chi nhiều khoản để đảm bảo ký túc xá ngủ cho công nhân và các khoản bảo hiểm.
Giờ đây, khi mỗi ngày đánh dấu một cột mốc mới của Covid-19 gây ra cho Ấn Độ, nhiều nghệ nhân thời trang cao cấp ngày càng bi quan. Họ không biết mình có đủ cơm ăn hay không chứ chưa nghĩ đến chuyện đạt được điều kiện làm việc công bằng, tiền lương và hợp đồng.
Abdullah Khan - nghệ nhân với hơn 20 năm kinh nghiệm - đã mất việc tại một nhà máy cung cấp hàng thêu cho Saint Laurent sau khi phàn nàn về mức lương thấp. Sau đó, người này tìm được việc trong xưởng sản xuất khác.
Nhà máy hiện vẫn mở cửa. Tuy nhiên, số lượng đơn đặt hàng đến ít hơn. Điều đó có nghĩa là không có tiền làm thêm giờ (yếu tố chiếm 1/4 thu nhập của ông Khan). Do đó, ông nương tựa vào việc bán giày thể thao ở ven đường sau giờ làm việc.
Ông nói: "Tôi đang đứng giữa trời tối với những đôi giày trước mặt. Tôi có thể làm gì hơn nữa?".