Ấn Độ thay đổi chiến lược xét nghiệm
Theo phóng viên TTXVN tại New Delhi, Chính phủ Ấn Độ đã quyết định thay đổi chiến lược xét nghiệm COVID-19 và tập trung vào phương pháp xét nghiệm nhanh kháng nguyên (RAT) để có kết quả nhanh hơn và qua đó cách ly người bệnh sớm hơn.
Phát biểu họp báo ngày 11/5, Giám đốc Hội đồng nghiên cứu y tế Ấn Độ (ICMR) Balram Bhargava cho biết chính phủ nước này sẽ “hợp lý hóa” việc sử dụng phương pháp RT-PCR, vốn được coi là "tiêu chuẩn vàng" cho việc xét nghiệm COVID-19.
Ông Bhargava nói: “Trước tình trạng các ca nhiễm tăng mạnh, điều cần thiết hiện nay là phải tích cực sử dụng phương pháp RAT để có thể phát hiện ca nhiễm nhanh hơn. RAT sẽ được thực hiện tại tất cả các cơ sở y tế của chính phủ và các cơ sở tư nhân. Các trạm RAT sẽ được thiết lập trong các trường học, trung tâm cộng đồng và khu dân cư”.
Cho đến nay, Chính phủ Ấn Độ vẫn nhấn mạnh 70% các xét nghiệm phải là RT-PCR và 30% là RAT. Tuy nhiên, việc trả kết quả chậm đã khiến công tác cách ly và điều trị bệnh nhân bị chậm trễ. Theo ông Bhargava, phương pháp RAT cũng sẽ giúp người dân ở các vùng nông thôn dễ dàng tiếp cận xét nghiệm.
Trong khuôn khổ chiến lược xét nghiệm sửa đổi, các trạm RAT hoạt động 24/7 sẽ được thiết lập tại các thành phố, thị trấn và làng mạc. Chính phủ Ấn Độ đang khuyến khích các mô hình hợp tác công-tư để thiết lập các trung tâm xét nghiệm sáng tạo và tiện lợi. Hiện nay một số bang tại Ấn Độ đã áp dụng điều này. Ngoài ra, ICMR cũng đang xem xét sử dụng các bộ xét nghiệm tại nhà để phát hiện ca bệnh.
Số liệu của Bộ Y tế Ấn Độ cho thấy hiện có 9 bang ghi nhận tỷ lệ xét nghiệm dương tính từ 25% trở lên và 10 bang từ 20-25%. Chính phủ trung ương đang thảo luận với các bang về những cách khác nhau để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.
Sáng 12/5, Ấn Độ ghi nhận 348.421 ca nhiễm mới và 4.205 ca tử vong do COVID-19 trong 24 giờ, đưa tổng số ca bệnh và ca tử vong lên lần lượt 23,34 triệu ca và 254.197 ca. Trong 20 ngày qua, Ấn Độ liên tục ghi nhận số ca nhiễm mới trên 300.000 ca/ngày, trong đó có 5 ngày ở mức hơn 400.000 ca/ngày.