Ấn Độ tiếp tục phát triển tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm
Tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) K-5 có khả năng mang đầu đạn hạt nhân của Hải quân Ấn Độ sẽ có thể tấn công mục tiêu ở khoảng cách từ 5.000 tới 6.000km.
New Delhi được cho là đang xúc tiến chương trình phát triển tên lửa K-5 sau khi phóng thử nghiệm thành công tên lửa đạn đạo K-4 mạnh nhất hiện nay từ tàu ngầm INS Arihant vào cuối tháng 1 vừa qua. Tên lửa có tầm bắn tối đa khoảng 3.500km.
Hiện nay, K-4 là một trong 2 tên lửa đạn đạo được Ấn Độ thiết kế để trang bị cho tàu ngầm. Tên lửa còn lại là BO-5 có tầm bắn hơn 700km.
Việc Tổ chức Nghiên cứu và Phát triển Quốc phòng Ấn Độ (DRDO) tiếp tục dự án nâng tầm bắn cho dòng tên lửa đạn đạo K sẽ giúp quốc gia Nam Á tiến gần hơn tới mục tiêu “bộ ba hạt nhân”, bao gồm tên lửa hạt nhân được phóng từ trên đất liền, trên không và trên biển.
Ngoài ra, đây còn là lời khẳng định rằng New Delhi đã và sẽ tạo ra được sức mạnh răn đe hạt nhân lớn và có khả năng tấn công đáp trả vào bất kỳ mục tiêu nào của đối phương.
Với tầm bắn tới 6.000km, tên lửa K-5 có thể vươn tới mọi nơi ở châu Á. Tên lửa này sẽ đưa Ấn Độ gia nhập vào nhóm các quốc gia sở hữu tàu ngầm được trang bị tên lửa tầm xa mang đầu đạn hạt nhân như Mỹ, Nga…
Hải quân Ấn Độ dự tính sẽ trang bị tên lửa K-5 trên các phiên bản tương lai của tàu ngầm lớp Arihant. Nhờ được triển khai trên tàu ngầm, tầm hoạt động của tên lửa cũng được mở rộng đáng kể.
Theo các thông tin được tiết lộ, tên lửa K-5 có khả năng mang theo 4 đầu đạn hạt nhân đa định hướng (MIRV) khối lượng 500kg và tương thích với hệ thống phóng tên lửa từ mặt đất Agni-V mà Ấn Độ đã phát triển thành công.
HỮU ĐÔ (theo Navy Recognition)