Ấn Độ tìm cách thoát khỏi một tương lai Châu Á do Trung Quốc dẫn đầu
Một loạt các cuộc đàm phán thương mại của Ấn Độ gần đây báo hiệu nước này sẽ định hướng lại nền kinh tế gắn với phương Tây.
Theo C. Raja Moahan, một bỉnh bút của tạp chí Foreign Policy, việc khởi động các cuộc đàm phán thương mại chính thức giữa Ấn Độ và Anh tuần qua với tham vọng được tuyên bố công khai là sẽ ký kết một thỏa thuận nhỏ hơn trong vài tháng tới và một hiệp định toàn diện vào cuối năm nay không gây ngạc nhiên. Dù sao, Anh cũng đang công khai tìm kiếm đối tác để duy trì dòng chảy thương mại sau khi rút khỏi Liên hiệp châu Âu (EU).
Nhưng nếu người ta chuyển trọng tâm chú ý sang Ấn Độ và những lý do để nước này theo đuổi một thỏa thuận thương mại với Anh thì mọi chuyện bỗng trở nên thú vị hơn. Cho dù Anh không nằm trong số đối tác thương mại lớn nhất của Ấn Độ thì việc khởi đầu các cuộc đàm phán báo hiệu nhiều thay đổi quan trọng trong chính sách ngoại giao và kinh tế của nước này. Nếu Anh đang tìm kiếm tương lai kinh tế ngoài châu Âu thì Ấn Độ đang nhìn về phương Tây để thoát khỏi viễn cảnh ngày càng đến gần về một châu Á do Trung Quốc dẫn đầu.
Mặc dù Ấn Độ đã chấp nhận toàn cầu hóa từ đầu những năm 1990, trong nước ít có sự ủng hộ đối với tự do hóa thương mại. Cánh tả và cánh hữu đoàn kết với nhau trong việc chống lại các hiệp định tự do thương mại; sự kháng cự từ giai cấp tư bản Ấn Độ không muốn mở cửa thị trường bị giam hãm cho các nhà sản xuất nước ngoài còn dữ dội hơn.
Trong không gian chính trị hạn hẹp như vậy, các liên minh yếu ớt cầm quyền ở Ấn Độ cho tới năm 2014 đã thành công trong việc đàm phán một số lượng ít ỏi hiệp định tự do thương mại, chủ yếu với các nước châu Á như Nhật, Hàn Quốc, Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Thủ tướng Anh Boris Johnson
Khi Thủ tướng Narendra Modi lãnh đạo đảng BJP lên cầm quyền năm 2014, chính phủ Ấn Độ đã ra lệnh xem xét lại tất cả các hiệp định thương mại tự do đã ký. Mặc dù đa số ở Ấn Độ có quan điểm mạnh mẽ cho rằng các hiệp định thương mại tự do là bất lợi cho nước này, Modi vẫn tiếp tục tham gia các cuộc đàm phán thương mại tự do ở châu Á vốn dẫn tới hiệp định Đối tác Thương mại Toàn diện Khu vực (RCEP), tuy nhiên Ấn Độ lại rút khỏi hiệp định này váo phút chót vào năm 2019.
Nếu quyết định của Ấn Độ gây thất vọng sâu sắc với các đối tác châu Á thì ở trong nước cũng nổi lên những chỉ trích mạnh mẽ cho rằng quyết định đó đã cô lập Ấn Độ trong lĩnh vực thương mại toàn cầu – đây là một sự thay đổi lớn so với cuộc tranh luận kéo dài nhiều thập niên trước đây. Cho đến năm ngoái Modi đã chấm dứt sự chống đối của Ấn Độ đối với các hiệp định tự do thương mại và quay trở lại với các cuộc đàm phán tự do thương mại song phương với nhiều khối bao gồm EU và Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh. Sự thay đổi đó không chỉ thể hiện một thái độ mới đối với thương mại mà còn hướng tới một loạt nước mà Ấn Độ coi là những đối tác kinh tế tự nhiên, đặc biệt trong khối nói tiếng Anh và phương Tây.
Rời bỏ RCEP năm 2019, Ấn Độ cho thấy họ không muốn là một bộ phận của sự hội nhập kinh tế châu Á do Trung Quốc cầm đầu. Cuộc cuộc xung đột biên giới ngày càng gay gắt với Bắc Kinh cũng như nỗi sợ lĩnh vực chế tạo của Ấn Độ bị quét sạch bởi hàng Trung Quốc nhập khẩu giá rẻ đã dẫn đến quyết định trên. Cuộc tấn công của Trung Quốc ở Ladakh vào mùa xuân 2020 càng củng cố thêm quyết định này của Ấn Độ.
Quay lưng lại phương Đông, New Delhi bắt đầu tìm kiếm các đối tác thương mại ở phương Tây, và khối quốc gia nói tiếng Anh dường như đáp ứng tốt nhất mong muốn này Không chỉ nước Anh hậu Brexit bắt đầu có cái nhìn mới vế Ấn Độ mà Úc, quốc gia rên xiết dưới những đòn cưỡng ép về kinh tế của Trung Quốc, cũng tìm cách làm sống lại các cuộc đàm phán thương mại đang ngắc ngoải với Ấn Độ.
Cách tiếp cận tích cực của New Delhi đối với quan hệ thương mại với Úc đi cùng với quan hệ đối tác chiến lược song phương cũng như đa phương ngày càng sâu sắc hơn. Úc bổ nhiệm cựu Thủ tướng Tony Abbot làm đặc phái viên về thương mại. Abbott thường xuyên thăm New Delhi trong những tháng gần đây và có tin hai bên sắp ký kết một hiệp định thương mại tạm thời trong những tuần tới.
Trong mấy tuần qua New Delhi cũng tăng cường đàm phán về tự do hóa thương mại với một số nước bao gồm Canada và Israel. Có tin một thỏa thuận thương mại với các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất đã sẵn sàng để ký. Nhưng tất cả không thể so sánh với tầm quan trọng của châu Âu và Mỹ. Brussels và Washington, mỗi thực thể đóng góp hơn 10% vào kim ngạch thương mại hàng hóa toàn cầu hàng năm của New Delhi, với tổng kim ngạch tới gần 1.000 tỉ đô la Mỹ.
Cho đến cuối năm ngoái Brussels thậm chí không quan tâm đến đàm phán thương mại với New Delhi, do từng thất bại trong việc đàm phán một hiệp định thương mại với nước này trong thời gian 2007-2013. Một nỗ lực chính trị lớn nhằm làm sống lại quan hệ đối tác chiến lược Ấn Độ-EU trong hai năm qua đã đưa tới quyết định chính trị chính thức vào tháng 5.2021 là sẽ nối lại đàm phán. Trong khi hai bên chuẩn bị cho các cuộc đàm phán, có nhiều trở lực phải vượt qua và không ai phủ nhận những khó khăn để đi tới thỏa thuận.
Về phía Mỹ, tuy trong giai đoạn hiện tại không đàm phán hiệp định thương mại tự do với bất kỳ nước nào, nhưng lại cùng với Ấn Độ cam kết vượt qua nhiều tranh chấp thương mại vốn lên đỉnh điểm dưới thời Trump. Mặc những khó khăn đó, thương mại hàng hóa song phương tiếp tục tăng trưởng, đạt gần 110 tỉ đô la năm 2021.
Trong khi một hiệp định thương mại tự do Ấn-Mỹ không có trong chương trình nghị sự thì giới chính trị cao cấp nhất của cả hai bên đều thừa nhận rằng họ cần phải cấp bách bổ sung quan hệ đối tác an ninh đang gia tăng bằng một tầm nhìn tham vọng chung về tương lai của mối quan hệ thương mại như một tuyên bố của Nhà Trắng đưa ra hồi tháng 9 vừa qua. Chính quyền Modi và chính quyền Biden đã làm sống lại diễn đàn về chính sách thương mại chung và tái tục nỗ lực vượt qua nhiều tranh chấp.
Sự hào hứng mới của Ấn Độ đối với thương mại với phương Tây không thoát khỏi sự chú ý của Bắc Kinh. Nhìn lại hoạt động thương mại mới của Ấn Độ, tờ Thời báo Hoàn Cầu nói rằng New Delhi không thể quay lưng lại thương mại với Trung Quốc và chỉ ra khối lượng thương mại song phương vẫn đang gia tăng, đạt 126 tỉ đô la vào năm 2021, tăng 44% so với 2020, mặc cho căng thẳng quân sự gia tăng và những chính sách của Ấn Độ nhằm giảm sự phụ thuộc vào Bắc Kinh.
Nhưng Ấn Độ không thể bỏ qua thực tế là thương mại với Trung Quốc mất cân bằng nghiêm trọng. Thặng dư 70 tỉ đô la của Trung Quốc trong buôn bán với Ấn Độ năm 2021 là do Ấn Độ xuất khẩu chủ yếu là nguyên liệu thô trong khi nhập khẩu từ Trung Quốc chủ yếu là hàng chế tạo. Mặc dù Ấn độ không thể ngay lập tức giảm thiểu sự phụ thuộc về kinh tế vào Trung Quốc, chắc chắn Ấn Độ có thể làm sâu sắc thêm sự hội nhập kinh tế với phương Tây. Ở trong nước, Ấn độ cũng có thể hồi sinh khu vực chế tạo để giảm nhập khẩu từ Trung Quốc. Trong năm qua, Ấn Độ đã đề ra một loạt đòn bẩy để thúc đẩy năng lực chế tạo và việc tiếp cận với máy công cụ và công nghệ sản xuất của phương Tây sẽ đóng một vai trò quan trọng. Kết quả soát xét ban đầu về những chính sách này là tích cực, nhưng toàn bộ tác động sẽ chỉ có thể thấy sau một số năm nữa.
Việc New Delhi sau ngày độc lập quay vào bên trong về mặt kinh tế, chính sách thay thế nhập khẩu và ảo tưởng tự cung tự cấp đã khiến cho các mối quan hệ thương mại và đầu tư với phương Tây bị xói mòn. Trong thời kỳ cải cách kinh tế bắt đầu từ 1991, phương Tây đã quay trở lại nắm những vị trí dẫn đầu trong nền thương mại của Ấn Độ. Nhưng New Delhi đã mất thời gian dài vật vã trong việc nắm lấy các khả năng mới với phương tây, ngay cả khi Trung Quốc chạy băng tới trước để giành lấy lợi ích từ việc tiếp cận ngày càng tăng với vốn, thị trường và công nghệ của phương Tây.
Ấn Độ bây giờ đang tìm cách đảo ngược lại điều đó bằng việc tìm cách hội nhập với các đối tác phương Tây qua các hiệp định thương mại tự do. Họ cũng quan tâm tới việc xây dựng những chuỗi cung ứng bền chắc với các đối tác tin cậy về chính trị. Hệ quả kinh tế của những căng thẳng chính trị giữa Trung Quốc và phương Tây mang lại một bối cảnh địa chính trị mới cho sự định hướng lại về kinh tế của Ấn Độ. Tất nhiên New Delhi cũng ý thức được rằng phương Tây không thể dễ dàng đảo ngược lại ngay sự phụ thuộc lẫn nhau giữa phương Tây và Trung Quốc vốn đã kéo dài 4 thập niên qua.