Ấn Độ tranh thủ mua dầu giá rẻ từ Nga
Mấy tuần gần đây, giới chức Mỹ nói rằng họ muốn Ấn Độ 'tránh' Nga càng xa càng tốt...
Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi trong một lần gặp.
Ấn Độ sẽ nhận lời đề nghị mua dầu thô và các hàng hóa cơ bản khác với mức giá mềm mà phía Nga đưa ra – một dấu hiệu cho thấy New Delhi muốn giữ vững quan hệ với Moscow, một đối tác thương mại chủ chốt, bất chấp nỗ lực của phương Tây dùng lệnh trừng phạt để cô lập nền kinh tế Nga.
Mấy tuần gần đây, giới chức Mỹ nói rằng họ muốn Ấn Độ “tránh” Nga càng xa càng tốt. Tuy nhiên, Mỹ cũng nhận thức rõ việc Ấn Độ phụ thuộc vào nguồn cung từ Nga đối với nhiều mặt hàng, từ vũ khí, đạn dược cho tới tên lửa và máy bay chiến đấu – trang CNN Business cho biết.
Đến nay, Ấn Độ chưa đưa ra tuyên bố nào mang tính chất lên án, chỉ trích nhằm vào chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine. Nước này cũng bỏ phiếu trắng trong một cuộc bỏ phiếu tại Liên hiệp quốc về quan điểm của các quốc gia thành viên đối với cuộc chiến này. Nguồn tin là quan chức an ninh của Ấn Độ nói rằng phương Tây hiểu rõ về lập trường của Ấn Độ, xét tới việc New Delhi cần được cung cấp vũ khí đầy đủ trong bối cảnh tranh chấp lãnh thổ âm ỉ với Trung Quốc.
Ấn Độ, quốc gia có 80% nhu cầu tiêu thụ dầu được đáp ứng bằng nhập khẩu, thường chỉ mua khoảng 2-3% số dầu này từ Nga. Tuy nhiên, với giá dầu thế giới đã tăng khoảng 40% từ đầu năm đến nay, Chính phủ Ấn Độ đang phải tìm cách tiết giảm chi phí năng lượng.
“Nga đang chào bán dầu và những hàng hóa cơ bản khác với mức giá giảm nhiều so với giá thị trường. Chúng tôi sẽ vui mừng nhận lời mua”, nguồn tin là một vị quan chức chính phủ Ấn Độ phát biểu.
Vị này nói thêm rằng những giao dịch như vậy đòi hỏi công tác chuẩn bị, gồm các khâu vận chuyển, bảo hiểm, xác định tỷ lệ hỗn hợp chuẩn của dầu thô… Tuy nhiên, ngay khi công tác chuẩn bị hoàn thành, Ấn Độ sẽ mua hàng hóa từ Nga như được phía Nga đề xuất. Nguồn tin không tiết lộ Nga sẽ bán dầu cho Ấn Độ với mức giá thấp hơn cụ thể bao nhiêu so với giá thị trường.
Hãng tin Reuters cho biết giới chức Ấn Độ đang thiết lập một cơ chế thanh toán bằng đồng Rupee và đồng Rúp để đảm bảo cho hoạt động thương mại song phương được thông suốt.
Nga cũng đã kêu gọi các quốc gia mà Moscow gọi là những nước thân thiện giữ vững mối quan hệ thương mại và đầu tư với Nga.
Ngoài dầu, Ấn Độ còn muốn mua phân bón với giá rẻ hơn từ Nga và Bellarus, đồng minh của Nga – nguồn tin là quan chức Ấn Độ cho hay.
Giới chức Ấn Độ nói nước này không thể đột nhiên thay thế Nga bằng các nhà cung cấp khác, đặc biệt trong lĩnh vực quốc phòng. Nga có sự phụ thuộc lớn vào trang thiết bị quân sự, ở mức độ lên tới 60%, cho dù tỷ lệ này đã giảm xuống thâp thập kỷ qua.
Phía Mỹ hiện chưa có phát ngôn nào về việc liệu Washington có trừng phạt Ấn Độ hay không nếu Nga bàn giao cho Ấn Độ hệ thống tên lửa S-400 theo thỏa thuận 5,5 tỷ USD mà New Delhi ký hết vào năm 2018 để mua 5 hệ thống như vậy từ Moscow.
Cuối năm ngoái, việc Nga bàn giao S-400 cho Ấn Độ đã bắt đầu, bất chấp một đạo luật của Mỹ ngăn các quốc gia mua thiết bị quân sự Nga.
Trong một cuộc điều trần trước Quốc hội Mỹ vào tuần trước, ông Ely Ratner, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ phụ trách các vấn đề an ninh khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương, nói rằng Ấn Độ hiện đang nỗ lực đa dạng hóa các nhà cung cấp trong lĩnh vực quốc phòng. “Chúng tôi nhận thấy rằng Ấn Độ có một lịch sử và mối quan hệ chặt chẽ với Nga. Phần lớn vũ khí mà họ có đều là mua từ Nga”, ông Ely nói.
“Tin tốt là Ấn Độ đang ở trong một quy trình nhiều năm nhằm giảm việc mua vũ khí từ Nga, và việc này đòi hỏi phải có thời gian. Nhưng rõ ràng là họ quyết tâm làm việc này, bao gồm bằng cách bản địa hóa ngành công nghiệp quốc phòng của mình. Đó là việc mà chúng ta nên ủng hộ”.
Tuần trước, Ngoại trưởng Anh Liz Truss nói London sẽ tiếp tục duy trì mối quan hệ kinh tế và quốc phòng mật thiết với New Delhi để giúp Ấn Độ giảm phụ thuộc vào Nga.
Từ năm 2011 đến nay, Ấn Độ đã giảm 53% nhập khẩu quốc phòng từ Nga. Ông D. Bala Venkatesh Varma, một cựu đại sứ Ấn Độ tại Nga, nói thế giới không nên cho rằng New Delhi sẽ phải trả giá vì một cuộc đối đầu giữa các cường quốc.
“Đây không phải là một cuộc chiến mà chúng tôi tạo ra”, ông Varma phát biểu tại một hội thảo trực tuyến ngày 14/3.
Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/an-do-tranh-thu-mua-dau-gia-re-tu-nga.htm