Ấn Độ trở thành 'back office' của thế giới

Hàng loạt công ty lớn lựa chọn xây dựng 'back office' (văn phòng phụ trách những công việc hỗ trợ cho hoạt động của doanh nghiệp) tại Ấn Độ để cắt giảm chi phí.

Nằm phía đông Bengaluru - nơi được mệnh danh là “Thung lũng Silicon” của Ấn Độ - là một tổ hợp ba tòa nhà 10 tầng phủ kính. Đây là văn phòng của Goldman Sachs và là cơ sở lớn nhất mà định chế tài chính này thiết lập bên ngoài New York.

Khi mới thành lập năm 2004, văn phòng chỉ có khoảng 300 nhân viên công nghệ thông tin và các lĩnh vực hỗ trợ khác. Giờ đây, văn phòng đã có khoảng 8.000 người với chuyên môn đa dạng hơn nhiều, từ phân tích số liệu, kỹ sư phần mềm tới quản trị rủi ro, theo Bloomberg.

Trên khắp Ấn Độ, nhiều tập đoàn đa quốc gia đã thiết lập văn phòng để cung cấp dịch vụ hỗ trợ với chi phí thấp. Giờ đây, các cơ sở này có xu hướng ngày càng đảm nhận công việc phức tạp hơn.

“Trong 30 năm qua, khi Trung Quốc chuyên môn hóa để trở thành công xưởng của thế giới, Ấn Độ lại trở thành ‘back office’ của thế giới”, ông Duvvuri Subbarao, cựu Thống đốc Ngân hàng trung ương Ấn Độ, nhận xét. “Ấn Độ đã tiến lên trong chuỗi giá trị qua các năm”.

Tiềm năng của Ấn Độ

Trên toàn Ấn Độ có khoảng 1.600 trung tâm hỗ trợ toàn cầu (GCC), chiếm 40% tổng số trung tâm trên thế giới, theo Hiệp hội Doanh nghiệp Phần mềm và Dịch vụ Quốc gia Ấn Độ (NASSCOM).

Doanh số xuất khẩu dịch vụ của Ấn Độ năm tài khóa 2022-2023 là 323 tỷ USD, tăng tới 27% so với năm trước đó. Trong đó, một trong những nhân tố thúc đẩy chính là sự phát triển của các GCC.

Các cơ sở này thu được tổng cộng 46 tỷ USD doanh thu trong năm tài khóa 2022-2023, cao hơn cả GDP của nước láng giềng Nepal. Xuất khẩu dịch vụ còn giúp Ấn Độ thu hẹp thâm hụt tài khoản vãng lai, giúp đồng rupee không bị suy yếu quá nhiều.

NASSCOM ước tính Ấn Độ sẽ có ít nhất 1.900 GCC vào năm 2025, tạo ra doanh thu hàng năm lên tới 60 tỷ USD.

 Văn phòng của Goldman Sachs tại Bengaluru. Ảnh: Pei Cobb Freed & Partners.

Văn phòng của Goldman Sachs tại Bengaluru. Ảnh: Pei Cobb Freed & Partners.

Ấn Độ sở hữu nhiều yếu tố để trở thành “back office” của thế giới: Nguồn nhân lực trẻ với số lượng đông đảo, hệ thống giáo dục chú trọng khoa học công nghệ và giá nhân công rẻ.

Ấn Độ mới soán ngôi Trung Quốc để trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới. Hơn một nửa dân số chưa đầy 30 tuổi - trong khi đó, một nửa dân số Mỹ và Trung Quốc đã trên 38 tuổi.

Phụ huynh Ấn Độ cũng tích cực cho con cái học các ngành khoa học với hy vọng giúp con mình tìm được việc làm tốt hơn. Khoảng 34% sinh viên Ấn Độ học khoa học, kỹ thuật, công trình hoặc toán ở đại học, tỷ lệ cao nhất trong các nền kinh tế lớn.

“Câu chuyện của Ấn Độ bắt đầu từ nguồn lực và tài năng con người”, ông Gunjan Sarntani - người đứng đầu Goldman Sachs Services, doanh nghiệp điều hành các GCC của Goldman Sachs tại Ấn Độ - nói. “Điều đưa chúng tôi tới đây từ hai thập kỷ trước là khả năng tiếp cận công nghệ và nhân tài”.

Thu hút nhân tài

Các GCC xuất hiện tại Ấn Độ từ thập niên 80 của thế kỷ trước với cơ sở đầu tiên của công ty công nghệ Mỹ Texas Instruments tại Bengaluru. Tới thập niên 90, lĩnh vực này bùng nổ khi hàng loạt công ty lớn - từ American Express tới General Electric - đổ tiền xây dựng các trung tâm tại Ấn Độ.

Cơ sở tại Ấn Độ đảm nhận công việc như kế toán, lương bổng và hỗ trợ khách hàng. Nhờ đó, các doanh nghiệp có thể cắt giảm chi phí vận hành.

Các công ty đa quốc gia dần nhận ra tiềm năng của Ấn Độ chưa được phát huy hết. Giờ đây, các cơ sở tại Ấn Độ đảm nhận cả các nhiệm vụ quan trọng hơn như quản lý kho bãi hay hoạt động mua bán của doanh nghiệp.

Theo ông Lalit Ahuja, người sáng lập một hãng tư vấn cho các khách hàng muốn lập GCC tại Ấn Độ, đại dịch Covid-19 khiến hoạt động từ xa dễ được chấp nhận hơn.

 Nhân viên tại một GCC ở Bengaluru. Ảnh: Bloomberg.

Nhân viên tại một GCC ở Bengaluru. Ảnh: Bloomberg.

Nhằm đảo bảo nguồn nhân lực chất lượng cao, giới doanh nghiệp đã ký thỏa thuận với các cơ sở giáo dục để có thể tuyển dụng trực tiếp tại nguồn. Tuy vậy, khi các GCC ngày càng cần nhiều công nghệ tiên tiến, tài năng ngày càng khó tìm kiếm.

Một trong những ví dụ là ngành trí tuệ nhân tạo. Ấn Độ đang có khoảng 416.000 nhân lực trong ngành này, kém xa con số một triệu người cần thiết vào năm 2026, theo NASSCOM.

“Cuộc chiến giành giật tài năng vẫn đang diễn ra”, ông Sindhu Gangadharan, Phó chủ tịch cấp cao của SAP Labs India, quan sát.

Việt Hà

Nguồn Znews: https://lifestyle.zingnews.vn/an-do-tro-thanh-back-office-cua-the-gioi-post1440369.html