Ấn Độ trong tầm vóc mới
Khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương càng đóng vai trò quan trọng trong chiến lược đối ngoại mới của chính quyền Mỹ thì vị thế của Ấn Độ đối với nước Mỹ càng có giá trị.
Vượt qua rào cản
Luôn tự hào là hai nền dân chủ lớn lâu đời bậc nhất thế giới và cùng sở hữu những giá trị chung nhưng trong quá khứ, mối quan hệ Mỹ - Ấn không phải lúc nào cũng tốt đẹp. Đã có thời, chính quyền quân sự ở Pakistan mới là đồng minh quan trọng nhất của Mỹ trong khu vực. Điều này khiến hai nước khó có thể tìm tiếng nói chung trong những vấn đề lớn, bởi sự tranh chấp của hai quốc gia láng giềng Nam Á liên quan đến vùng lãnh thổ Kashmir là vô cùng căng thẳng. Thế nhưng, khi quan hệ Mỹ - Pakistan đổ vỡ, cùng với sự xuất hiện của nhân tố Trung Quốc trong khu vực đã buộc hai nước tìm đến nhau.
Kể từ giữa nhiệm kỳ đầu tiên của cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama tới nay, việc xây dựng mối quan hệ ổn định với Ấn Độ đã trở thành một mục tiêu quan trọng của chính quyền Mỹ, nhằm bảo vệ lợi ích của họ ở Nam Á. Bắt đầu từ sự tăng cường quan hệ trong hợp tác thương mại, năng lượng rồi đến các vấn đề an ninh, Ấn Độ đã dần xuất hiện như là một đối tác mới đáng tin cậy của Mỹ trong khu vực.
Chuyến thăm Ấn Độ mới nhất của Ngoại trưởng Mỹ nằm trong chương trình tham vấn đồng minh quan trọng của nước này.
Đặc biệt, dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump, mối quan hệ Mỹ - Ấn được tăng cường một cách toàn diện. Ở góc độ thương mại, Mỹ đã trở thành đối tác năng lượng ngoài OPEC lớn nhất của Ấn Độ. Nhiều rào cản kinh doanh đã được loại bỏ giữa hai bên. Bất chấp những tranh chấp thương mại thường thấy trong giai đoạn ông Trump nắm quyền, việc xây dựng được cơ chế đối thoại an ninh mới giữa hai nước là một bước tiến quan trọng.
Theo đó, thay cho những cuộc gặp riêng rẽ, Mỹ và Ấn Độ đã thực hiện những cuộc đối thoại 2+2, tức là có mặt lãnh đạo cấp cao của cả Bộ Quốc phòng và Ngoại giao hai nước. Trong 4 năm dưới thời ông Donald Trump, có 3 cuộc đối thoại trực tiếp như vậy diễn ra, một tần suất dày đặc khiến không ít đồng minh truyền thống của Mỹ cảm thấy ghen tị.
Kết quả của những cuộc gặp này cũng rất thực tế khi nó giúp tăng cường hợp tác giữa quân đội hai nước, mở đường cho Sáng kiến Thương mại và Công nghệ Quốc phòng Mỹ - Ấn. Những hợp đồng trị giá hàng tỷ USD mua máy bay không người lái của Mỹ mà Ấn Độ thực hiện đã làm đa dạng kho vũ khí của nước này trong thời gian qua. Khi mối quan hệ đang tốt đẹp như vậy, chẳng có lý do gì để chính quyền kế nhiệm của nước Mỹ đảo ngược nó, nhất là từ góc độ chiến lược trong khu vực.
Trên “bàn cờ lớn”
Những cuộc gặp song phương không chỉ là mối liên kết duy nhất trong quan hệ giữa hai nước trong 4 năm qua. Thực tế, Ấn Độ còn đang giữ một vai trò quan trọng trên "bàn cờ lớn" mới mà Mỹ muốn thiết lập ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương lúc này. Đó là mối liên kết trong khuôn khổ "Bộ tứ kim cương".
"Bộ tứ kim cương" hay nhóm QUAD là một cơ chế đối thoại an ninh khu vực với sự hiện diện của Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ. Đó là 4 đỉnh của một hình tứ giác bao trọn khu vực lãnh thổ rộng lớn từ Ấn Độ Dương đến Thái Bình Dương. Không hề giấu giếm, nội dung chính trong những cuộc gặp của các lãnh đạo QUAD là xây dựng những chiến lược đương đầu với Trung Quốc ở chính "sân nhà" của họ.
Chuyển động của nước Mỹ trong vòng 10 năm qua - từ "Chính sách hướng Đông" của ông Obama cho đến "Chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương" hiện nay mà chính quyền đương kim Tổng thống Joe Biden theo đuổi - chỉ có một khác biệt căn bản: Sự xuất hiện của Ấn Độ. Nhật Bản và Australia là những đồng minh truyền thống lâu đời, sự tham gia của họ trong chiến lược toàn cầu của Mỹ là không có gì bất ngờ. Nhưng, sự xuất hiện của Ấn Độ thì lại là một bước chuyển mình ngoạn mục rất đáng lưu tâm. Điều này cho thấy, Mỹ đã đặt Ấn Độ lên vị thế những đồng minh quan trọng nhất ở khu vực.
Chính vì vậy, chỉ trong một khoảng thời gian rất ngắn, tân chính quyền Washington đã dành rất nhiều mối quan tâm cho cường quốc đông dân thứ hai thế giới này. Hồi giữa tháng 3, trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên của mình, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã đến thăm Ấn Độ trong 3 ngày sau khi tới Nhật Bản và Hàn Quốc. Và mới hôm 27-7 vừa rồi, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã có mặt tại New Delhi trong chuyến thăm 2 ngày. Tại đây, ông Blinken đã gặp cả người đồng cấp Ấn Độ, Jaishankar lẫn Thủ tướng Modi để bàn thảo nhiều vấn đề. Những cuộc gặp này nằm trong một chuỗi hoạt động "tham vấn đồng minh" mà Nhà Trắng đã công bố trước đó. Trong chuyến thăm này, ông Blinken thậm chí còn gọi mối quan hệ giữa Mỹ và Ấn Độ là "một trong những mối quan hệ quan trọng nhất trên thế giới", điều khẳng định cho vai trò của Ấn Độ trong những toan tính của Mỹ tại khu vực. Một cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Ấn cũng đã được lên kế hoạch trong tháng 9 tới. Trong khi đó, những nhà lãnh đạo cao nhất của nhóm QUAD sẽ sớm hội đàm với nhau bên lề thượng đỉnh Liên Hiệp Quốc vào tháng 8 này. Ấn Độ đã không còn chỉ là đối tác làm ăn của người Mỹ nữa.
Mối quan hệ Mỹ-Ấn đang bay cao.
Cùng chung chí hướng
Có thể thấy rất rõ giá trị của Ấn Độ trong "bàn cờ" nước Mỹ thiết lập. Mỹ muốn một đối tác "đủ lớn" để tạo sức nặng trong cuộc cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc và thiết lập "thế trận" của mình tại khu vực. Ở chiều ngược lại, Ấn Độ cũng cần tìm một đồng minh trong một “cuộc chiến” riêng.
Sau khi phần nào giải quyết được mối quan hệ với Pakistan trong vấn đề Kashmir thì nay những tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc lại trở thành mối lo lắng an ninh thường trực nhất mà chính quyền ở New Delhi gặp phải. Sự lớn mạnh của Trung Quốc giờ đây giúp họ vươn tầm ảnh hưởng lên toàn thế giới, kể cả khu vực Ấn Độ Dương vốn được coi như "sân nhà" của Ấn Độ. Mối quan hệ thân thiết của Trung Quốc với Pakistan, Bangladesh luôn khiến Ấn Độ cảm thấy không thoải mái. Bản thân Ấn Độ cũng đang muốn vươn lên trên bản đồ chính trị quốc tế. Sự hiện diện của một “kình địch” hùng mạnh ngay bên cạnh như Trung Quốc tạo nên nhiều sức ép đối với họ và việc tìm kiếm đồng minh là nhu cầu thiết yếu.
Quan trọng hơn, sự kết nối giữa Mỹ với Ấn Độ còn đem lại nhiều lợi ích cho cả hai bên. Thị trường khổng lồ với gần 1,4 tỷ dân của Ấn Độ là điểm đến mơ ước của mọi doanh nghiệp Mỹ. Ở quy mô này, Ấn Độ đủ khả năng thay thế Trung Quốc trong bài toán sản xuất kinh doanh.
Ngay trong thời thời gian đại dịch COVID-19 hoành hành khắp thế giới, dù cả hai đều bị thiệt hại nặng nề nhưng Ấn Độ vẫn nổi lên trở thành trung tâm sản xuất vaccine lớn nhất bên ngoài Trung Quốc. Những loại vaccine hàng đầu của Mỹ và châu Âu như Astrazeneca, Pfizer hay Moderna đều được sản xuất tại Ấn Độ và cung cấp đi khắp thế giới, trong những chương trình viện trợ lớn mà Mỹ ủng hộ. Ấn Độ cũng nhờ đến rất nhiều sự giúp đỡ của Mỹ để giải quyết những vấn đề trong giai đoạn dịch bệnh bùng phát vừa qua. Đây là mối quan hệ tương hỗ rất có giá trị ở thời điểm "nước sôi lửa bỏng" đem đến nhiều sự tin tưởng. Vị thế Ấn Độ càng được củng cố, vai trò của Mỹ cũng được gia tăng. Đó cũng chính là lý do mối quan hệ Mỹ- Ấn đã được nâng cấp liên tục trong thời gian qua.
Tất nhiên, đi kèm với lợi ích thì luôn có những trách nhiệm phải cùng gánh vác. Mỹ cần Ấn Độ tham gia nhiều hơn trong các vấn đề quốc tế và khu vực, như giải quyết vấn đề Afghanistan và những tranh chấp của Trung Quốc với các quốc gia khu vực. Đây cũng chính là "gánh nặng" không thể né tránh. Một cuộc chơi chung của cả hai bên khi đã xác định lên cùng thuyền.
Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/chuyen-de/an-do-trong-tam-voc-moi--i623658/