Ấn Độ trước 2 khó khăn
Ngày 19/11, sau khi lực lượng an ninh hoàn thành chiến dịch tiêu diệt 4 phần tử khủng bố từ Nagrota, Tư lệnh Lục quân Ấn Độ, Tướng Manoj Mukund Naravane tuyên bố, đây là một thông điệp rõ ràng dành cho những kẻ khủng bố.
Tướng Naravane đã dành nhiều lời khen ngợi cho các binh sĩ trong chiến dịch này: “Đây là một hoạt động rất thành công của lực lượng an ninh. Nó cho thấy mức độ hiệp đồng tác chiến cao giữa tất cả các lực lượng an ninh trên thực địa”, đồng thời thêm rằng “Thông điệp rất rõ ràng đối với kẻ thù và những kẻ khủng bố rằng, bất cứ ai cố gắng xâm nhập Ấn Độ sẽ bị xử lý theo cách tương tự và sẽ không thể trở về”.
Trước đó, ngày 19/11, lực lượng an ninh Ấn Độ bao gồm Lực lượng Cảnh sát dự bị trung tâm (CRPF) cùng với Nhóm hoạt động đặc biệt của cảnh sát và quân đội Jammu&Kashmir đã đặt trong tình trạng báo động sau khi nhận được thông tin liên quan về một chiếc xe tải khả nghi chở những kẻ khủng bố.
Một cuộc chạm trán đã nổ ra giữa quân đội và những kẻ khủng bố lúc 4h20 sáng cùng ngày ở gần một trạm thu phí. Sau vụ đấu súng kéo dài ít nhất 3 giờ, các lực lượng an ninh Ấn Độ đã tiêu diệt 4 phần tử khủng bố, được cho là thành viên của tổ chức Jaish-e-Mohammed, thu giữ 11 súng AK-47, 3 súng ngắn, 29 lựu đạn, nhiều thiết bị khác và đáng chú ý là một lượng đáng kể thuốc men do Pakistan sản xuất.
Đáng chú ý, tại Ấn Độ, khi tình hình khủng bố có chiều hướng gia tăng, biên giới nhiều bất ổn thì đại dịch Covid-19 lại hoành hành. Theo đánh giá của giới chuyên gia, số ca nhiễm thực tế tại Ấn Độ có thể đang ở mức gấp 10 lần những gì người ta thống kê được.
Một trong những nguyên nhân khiến Covid-19 bùng phát, lây lan rộng trong cộng đồng được cho là do thiếu thống nhất trong cuộc chiến chống dịch khi mà Thủ hiến các bang có thể không chấp hành yêu cầu của Chính phủ Trung ương. Vì thế, Chính phủ chỉ có thể đưa ra khuyến nghị hoặc những quy định mang tính nguyên tắc, còn phần thực hiện và các biện pháp cụ thể hoàn toàn thuộc thẩm quyền của các bang.
Đại dịch Covid-19 cũng tác động sâu sắc đến quốc gia đông dân thứ hai thế giới này còn do đặc điểm dân số và yếu tố kinh tế.
Theo thống kê, khoảng hơn 60% dân số Ấn Độ sống tại các vùng nông thôn với thu nhập trung bình khoảng 2 USD/ ngày. Vì thế, dòng người đổ về các đô thị lớn như New Delhi hoặc Mumbai để tìm kiếm cơ hội việc làm và phải chấp nhận sống trong những khu ổ chuột để tồn tại ngày một nhiều. Trong điều kiện thiếu thốn ấy, dịch bệnh rất dễ lây lan.
Trên thực tế, kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại Ấn Độ vào thời điểm cuối tháng 3/2020, những khu ổ chuột tại các thành phố lớn đã trở thành nguồn phát tán virus SARS-CoV-2 do không gian chật chội cùng chất lượng vệ sinh yếu kém. Sau gần 8 tháng chống dịch, các cơ quan chức năng của Ấn Độ vẫn không thể dập tắt được làn sóng dịch bùng lên từ các khu vực này.
Trong khi đó, theo Tổ chức Tiền tệ quốc tế (IMF), hàng loạt chỉ số kinh tế của Ấn Độ trong năm 2020 đều đã giảm và thậm chí nước này đã bị Bangladesh vượt mặt về GDP bình quân đầu người trong khu vực.
Để cứu lấy nền kinh tế và cũng như là để cứu lấy người dân Ấn Độ, Chính phủ đã phải xác định nguyên tắc sống cùng một “trật tự mới” và dần gỡ bỏ các biện pháp phong tỏa, giãn cách xã hội, cho phép các hoạt động, dịch vụ dần được trở lại gần như bình thường.
Nhưng sau mỗi lần nới lỏng và gỡ bỏ các biện pháp phong tỏa, số ca nhiễm mới tại đây lại đều đặn tăng theo cấp số nhân, đỉnh điểm là giai đoạn trong vòng một tháng từ cuối tháng 8 đến tháng 9, số ca nhiễm mới đã tăng gần gấp đôi từ 3,5 triệu ca lên đến 6,3 triệu ca.
Để giảm bớt áp lực trong xã hội, Chính phủ Ấn Độ buộc phải trấn an và có những biện pháp giải tỏa cho người dân, vốn đã phải đối mặt với tình trạng áp lực tâm lý gây ra bởi những biện pháp phong tỏa, giãn cách xã hội trong thời gian dài.
Hệ quả là một bộ phận không nhỏ người dân đã trở nên chủ quan, tin rằng đại dịch đã không còn hiện hữu và bỏ quên những biện pháp phòng, chống dịch cần thiết, tạo điều kiện cho dịch bệnh tiếp tục lan rộng và tăng nhanh với tốc độ chóng mặt.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/an-do-truoc2-kho-khan-524488.html